Người nuôi không dám tái đàn, nguồn heo còn thiếu hụt dài dài

06/12/2019 - 10:00

PNO - Rủi ro về dịch bệnh, cung cầu thị trường khó đoán khiến nhiều hộ chăn nuôi heo không dám tái đàn.

Ba tháng nay, sau khi phải tiêu hủy toàn bộ hơn 200 con heo nái vì dịch tả heo châu Phi, ông Lý Văn Hương, ở H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận vẫn bỏ trống toàn bộ chuồng trại mà ông từng bỏ hàng tỷ đồng ra đầu tư. Bao nhiêu năm “sống chết” với nghề chăn nuôi heo, chưa bao giờ ông để chuồng trại trống trong thời gian dài như vậy.

Giá heo hơi tại Bình Thuận đã có lúc lên 74.000-75.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi thấy giá cao liền quyết định tái đàn, ông Hương cũng muốn nuôi lại, nhưng chưa kịp thả nuôi thì heo xung quanh tiếp tục lăn ra chết vì dịch tả. “Giờ có cho tôi heo giống, cho cám, tôi cũng không dám nuôi. Chỉ khi nào có vắc-xin ASF thì tôi mới suy nghĩ lại” - ông Hương tuyên bố. 

Nhiều hộ nuôi sau thời gian đổ xô tái đàn khiến giá heo giống tăng cao, nay bỏ cuộc khiến giá heo giống cũng giảm. Theo nhiều chủ trại, nguyên nhân khiến họ không tái đàn là việc hỗ trợ phòng, chống dịch từ phía cơ quan chức năng nhiều nơi bị lơ là. Một chủ trại tại tỉnh Bình Thuận cho hay, khi dịch bệnh chưa bùng phát, các địa phương khác đã hỗ trợ người nuôi thuốc sát trùng, kinh nghiệm phòng, chống dịch nhưng tại tỉnh này thì không; các cơ sở nhỏ lẻ bị dịch thì giấu giếm, dẫn đến dịch bùng phát không kiểm soát.

Điều ông thất vọng nhất là khi xem truyền hình, thấy nhân viên thú y mang đồ chuyên dụng, dập dịch như chữa cháy, nhưng khi trại của ông bị dịch, báo cơ quan thú y, phải mất đến 10 ngày, thú y mới tiêu hủy. Trong lúc chờ tiêu hủy, người ra người vào đưa mầm bệnh đi khắp nơi càng khiến dịch lây lan nhanh. Mức hỗ trợ đền bù tiêu hủy thì không đồng nhất, chung một tỉnh nhưng những hộ chăn nuôi lớn tại H.Đức Linh được đền bù thấp hơn tới 3.000-4.000 đồng/kg so với các hộ nuôi tại H.Tánh Linh.

Nguoi nuoi khong dam tai dan, nguon heo con thieu hut dai dai
Người nuôi tỏ ra e dè với việc tái đàn khi dịch tả heo châu Phi chưa được kiểm soát triệt để

Không chỉ lo về dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Tiến - ở H.Mộc Hóa, tỉnh Long An - cho biết, cách đây gần 2 tháng, giá heo tăng mạnh lên gần 70.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau, lại sụt giảm quá nhanh do có nguồn heo từ Campuchia, Thái Lan nhập lậu về. Giá mỗi ngày rớt 1.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 50.000 đồng/kg nên hiện có tăng lại ở mức cao, ông cũng không dám tái đàn. Giá thành chăn nuôi hiện tăng cao, các hộ nuôi không lấy gì làm đảm bảo giá heo còn duy trì sau khi tái đàn. Đáng lo hơn, heo từ Campuchia, Thái Lan cũng đã bị dịch tả heo châu Phi, nguồn heo này vẫn được nhập lậu về đồng bằng sông Cửu Long nên nguy cơ tái bùng phát dịch rất lớn.

Theo nhận định của đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, khoảng 5 năm tới, mới có thể có vắc-xin phòng, chống dịch tả heo châu Phi, nên không thể ngưng nuôi heo chờ có vắc-xin được. Tuy nhiên, biện pháp tái đàn hiện chưa khả thi vì thực tế, nhiều hộ tái đàn đã thất bại. Theo thông tin mà vị này nắm được, các đầu mối vẫn đưa heo sống lên biên giới, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này, nguồn heo thịt trong nước sẽ tiếp tục thiếu hụt. Thêm vào đó, tại vùng biên giới Tây Nam, heo từ Thái Lan, Campuchia vẫn tiếp tục tìm cách nhập lậu vào Việt Nam, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập là rất lớn. Đây là những trở ngại lớn cho việc tái đàn ở các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, từ tháng Sáu đến nay, lượng heo bị tiêu hủy do dịch tả giảm mạnh, trong đó, tháng 11 chỉ có 152.000 con bị tiêu hủy, giảm đến 88% so với tháng 5/2019. 14 tỉnh trên cả nước có trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch, trong khi tỉnh đầu tiên phát hiện dịch là Hưng Yên đã hoàn toàn hết dịch. Bộ cũng đã có nhiều văn bản, hội nghị để chỉ đạo về vấn đề tái đàn với hướng an toàn, sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng cho heo. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI