Người nước ngoài sẽ được tham gia công đoàn Việt Nam?

24/10/2024 - 11:47

PNO - Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định người nước ngoài được tham gia công đoàn Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

ĐBQH Trần Kim Yến góp ý vào dự thảo - ảnh: QH
ĐBQH Trần Kim Yến góp ý vào dự thảo - ảnh: QH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định này sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đồng thời, quy định này cũng đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.

Tại phiên thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) tán thành quy định này. Bà cho rằng, cho phép người nước ngoài tham gia công đoàn là phù hợp với xu hướng hội nhập thế giới.

Đóng góp vào dự thảo luật, ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) cho hay, tại dự thảo có quy định về “việc đầu tư nhà ở xã hội”. Đây là nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho Công đoàn. Tuy nhiên, nếu chỉ ghi vào dự thảo luật 1 dòng mà không được cụ thể hóa, chi tiết rõ ràng hơn thì sẽ rất khó cho tổ chức Công đoàn khi thực hiện nhiệm vụ rất mới này.

Nếu luật không cụ thể, khi triển khai, công đoàn phải đi xin bộ, ngành, Chính phủ hoặc Quốc hội tốn thời gian, kéo dài, chậm tiến độ. Thậm chí là tổ chức công đoàn không thực hiện được nhiệm vụ này.

Dự thảo luật yêu cầu “cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động trong trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người lao động”. Quy định như trên là hợp tình, hợp lý. Nhưng thực tiễn, theo bà Trần Kim Yến, công đoàn rất khó thực hiện thẩm quyền này, nếu không quy định rõ hơn, vì đây là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp chưa rà soát và bổ sung được, nữ ĐBQH đề xuất quy định: "Công đoàn báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Vì chức năng và khả năng của công đoàn khó có thể đưa ra quyết định yêu cầu dừng, mà công đoàn đưa ra doanh nghiệp chưa chắc đã chấp nhận vì gây thiệt hại cho sản xuất".

ĐBQH Trần Kim Yến cũng chỉ ra, tài chính của công đoàn là rất lớn, nên nguồn thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn ngoài việc phải theo quy định chung của pháp luật về tài chính, cũng cần có sự độc lập theo quy định riêng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để phục vụ cho người lao động, công nhân.

ĐBQH cho rằng, phải quản lý chặt chẽ, kể cả việc quyết định giảm, miễn đóng kinh phí công đoàn; việc kiểm tra, thanh tra tài chính công đoàn từ Trung ương.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI