Người nước ngoài chộn rộn đón tết Việt

28/01/2022 - 06:01

PNO - Những ngày cuối năm, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul đi chợ mua cành đào về trang trí nhà để đón tết. Giống như bà, nhiều người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam cũng đang tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền Việt Nam.

Vừa tất bật làm, vừa tính chuyện chơi tết

Từ đầu tháng Chạp đến giờ, chị Maude Berardelli - người Canada, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh tại Wine Cellar - phải tất bật chuẩn bị đầy đủ rượu để cung ứng cho các tụ điểm vui chơi. Chị nói: “Mọi người đã vui trở lại. Ai cũng sẵn sàng sống chung an toàn với COVID-19 nên chúng tôi phải chuẩn bị đủ hàng cho người dân dùng trong mấy ngày tết. Trước đây, tôi làm ở ngành khác, cũng tất bật từ tháng Chạp trở đi. Đến ngày nghỉ tết thì mọi người bắt đầu nghỉ xả hơi, không làm việc gì cả ngoài thăm họ hàng, bạn bè, tiệc tùng và hát karaoke”.

Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul đi chợ mua cành đào về trang trí nhà để đón tết
Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul đi chợ mua cành đào về trang trí nhà để đón tết

Tết này, chị Maude Berardelli cũng sẽ đi thăm bạn bè. Do công việc căng thẳng kéo dài cả tháng nên chị không đặt vé máy bay đi du lịch. Theo chị, riêng TPHCM đã có quá nhiều địa điểm vui chơi. Chị sẽ đi khu du lịch Bình Quới thư giãn ngoài trời ngày đầu năm mới Nhâm Dần. Chị cũng có thể đến hồ bơi mà trong năm không có thời gian tận hưởng, hoặc đạp xe loanh quanh thành phố, khám phá các ngõ ngách trong không khí tết rộn ràng. Ngày tết, đường phố thông thoáng, không quá đông người và ai cũng tươi vui trong bộ cánh xinh đẹp. Đêm giao thừa, chị sẽ ngắm những chiếc áo dài trên đường đến chùa. 

Trong khi đó, nhiều người nước ngoài khác lại bận rộn với kế hoạch du lịch trong nước. Tết năm nay, anh Chris Oldnall - người Nam Phi, giáo viên một trường tiểu học ở tỉnh Bình Dương - dự định sẽ khám phá hồ Trị An ở tỉnh Đồng Nai. Anh cũng sẽ cùng vợ lái mô tô khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng Tây Nguyên. Hồi tết dương lịch, anh đã đi 800km dọc dãy Trường Sơn bao bọc phía đông của Tây Nguyên để tìm thác nước trên núi. 

Chris kể, vợ chồng anh đã từng chèo thuyền trên hồ Tà Đùng phẳng lặng ở tỉnh Đắk Nông và nhận thấy nơi đây có vẻ đẹp còn sơ nguyên, chưa bị ô nhiễm. Khi đi bộ xuyên rừng Nam Cát Tiên, họ đã thấy vượn Gibbon quý hiếm đang được bảo tồn. Trong một lần đón giao thừa ở Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), Chris và vợ còn bất ngờ nhìn thấy sao chổi Comet Leonard. Chris nói, anh vẫn sẽ tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo đảm an toàn trong chuyến đi hồ Trị An sắp tới. 

“Trong chuyến đi đầu năm đến Trường Sơn, tôi vẫn phải dừng ở các chốt kiểm soát dịch của các tỉnh. Nhưng nhân viên và các anh công an ở các chốt rất chuyên nghiệp. Họ thực hành các thao tác kiểm tra rất nhanh và thân thiện nữa. Người Việt nổi tiếng hiếu khách mà. Khi chúng tôi vào các làng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, nhiều người có vẻ ngạc nhiên, sợ sệt nhưng vẫn thân thiện chào đón chúng tôi” - Chris chia sẻ. Anh cho rằng, du lịch phượt lúc này rất dễ dàng, thậm chí còn tiện lợi hơn trước khi có đại dịch. Hiện nay, các nhà hàng, khách sạn ở vùng sâu, vùng xa cũng đã ứng dụng công nghệ nên anh tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi rất dễ dàng. 

“Tôi yêu tết Việt”

Chị Christiana Papagapiou - người Nam Phi - từng trải nghiệm tết dương lịch 2022 ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thiên nhiên ở Phú Quốc đẹp, rất thanh bình dù đã có đông người nước ngoài đến địa điểm thí điểm đón du khách nước ngoài đầu tiên của Việt Nam. Chị tận hưởng lễ hội âm nhạc trên bãi Sao và các bar rải rác trên mỗi bãi biển. Chơi trên bờ thỏa thích, chị mang ống thở để lặn biển ngắm cá, san  hô.

“Chuyến đi của tôi sẽ trọn vẹn hơn nếu các dịch vụ ở Phú Quốc mở lại đầy đủ như cũ. Tôi đi loanh quanh và tra Google, tìm ra rất nhiều dịch vụ dành cho du khách nhưng đa số đều đóng cửa. Có lẽ nhiều hàng quán phải đóng cửa vĩnh viễn do ảnh hưởng nặng nề của dịch. Tôi mong các hàng quán mở cửa nhiều như cũ để mang lại trải nghiệm phong phú cho khách du lịch” - chị Christiana nói.

Hiện có 93.000 người nước ngoài có giấy phép lao động ở Việt Nam. Nhiều người mang theo cả gia đình khi sang đây làm việc. Chị Lore Pimentel - người Peru - cùng chồng và con nhỏ chọn đi du lịch như mọi năm và về TPHCM đón giao thừa ở nhà. Năm nay, gia đình chị đi Đà Lạt, đến giao thừa mới về TPHCM. “Tôi yêu tết Việt, thành phố tưng bừng trong không khí đón xuân. Nhà nhà ăn tết cổ truyền của Việt Nam theo kiểu truyền thống và vẫn giữ những nghi lễ quan trọng. Về tới nhà thì hàng xóm người Việt lại giúp chúng tôi đi chợ, nấu đồ ăn Việt trong ngày tết. Họ đã giúp chúng tôi rất nhiều khi thành phố giãn cách xã hội. Giờ được họp mặt, gần gũi với họ nên chúng tôi rất vui” - chị Lore chia sẻ. 

Còn chị Kasia Osowska - người Ba Lan - dự tính vào tháng 2/2022, sẽ bay từ Hà Nội vào TPHCM, nơi chồng chị đang làm việc. Chị sẽ đón tết ở Hà Nội cùng con. Chị rất bất ngờ khi thấy trên đường, tấp nập xe chở hoa đào và các loại trái cây từ miền quê đổ về thành phố. Các món ăn truyền thống được bày bán trong những ngày này cũng lạ lẫm và hấp dẫn, mới lạ đối với người mới đến Việt Nam như chị. Các trung tâm mua sắm cũng được trang trí đèn hoa. Chị mong đến ngày tết để dẫn con ra đường xem không khí lễ hội ở Hà Nội khác biệt với vùng Trung Đông ra sao. 

Sau nhiều năm sinh sống tại Việt Nam, nhiều người nước ngoài đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Họ cũng đón tết như người Việt. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng họ vẫn cảm nhận được sự chào đón nồng hậu của người Việt. Họ cũng biết đến mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai, bánh chưng và bao lì xì mừng tuổi đầu năm. Trong lúc việc di chuyển ra nước ngoài còn hạn chế, được trải nghiệm văn hóa Việt trong dịp lễ hội đặc biệt này là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của họ tại đây. 

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI