Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm nếu quảng cáo sản phẩm “rởm, giả, gian”

25/11/2024 - 15:34

PNO - Đây là đề xuất của ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trước thực tế nhiều sản phẩm quảng cáo hiện nay không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới người dùng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý dự thảo Luật Quảng cáo
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý dự thảo luật, chiều 25/11 - ảnh: Media Quốc hội

Chiều 25/11, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho hay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã quy định về việc tăng diện tích quảng cáo trên báo in.

Ông nêu quan điểm, trước sự cạnh tranh với mạng xã hội, thị phần quảng cáo của báo in giảm sút, quy định trên chưa giải quyết được những khó khăn của báo in. Trong khi đó, các cơ quan báo chí phát hành báo in là đơn vị tự chủ, ông đề xuất để các đơn vị này tự chủ quyết định diện tích quảng cáo trên báo.

Với việc tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình từ 5 – 10%, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, điều ông quan tâm không phải vấn đề thời lượng và thời điểm phát sóng quảng cáo. Thực tế, ông đưa trải nghiệm khi đang xem chương trình truyền hình tới chỗ hấp dẫn thì bị quảng cáo cắt ngang.

ĐBQH bức xúc chia sẻ, đây là hành vi “vô duyên”, không tôn trọng khách hàng, đề nghị xem xét kỹ.

Về quảng cáo trên mạng, ông nhận định là vấn đề hết sức quan tâm. Bởi trên thực tế, có những hình ảnh, thông tin quảng cáo chưa phù hợp. ĐBQH đề nghị người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình quảng cáo.

Điển hình như trường hợp các MC, người nổi tiếng, diễn viên truyền hình... nếu quảng cáo thực phẩm chức năng, dược phẩm kém chất lượng, khiến người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm “rởm, giả, gian” thì không thể bỏ qua trách nhiệm, phải quy định rạch ròi.

Cùng mối quan tâm này, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) nêu, dự thảo đã quy định nghĩa vụ của người chuyển tải quảng cáo, đây là bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng lách luật, người quảng cáo và doanh nghiệp cố tình che giấu tính chất quảng cáo của nội dung.

Trong khi đó, một trong những quyền lợi của người tiêu dùng là được thông báo trước nội dung quảng cáo nhận biết được, góp phần xây dựng môi trường truyền thông minh bạch, đáng tin cậy.

Để khắc phục tình trạng này, ĐBQH đề nghị dự thảo cần quy định hình thức thông báo bắt buộc như gắn hastag quảng cáo, dán nhãn được tài trợ, thông báo trực tiếp trong nội dung bài viết...

Liên quan tới vấn đề thời lượng quảng cáo trên truyền hình, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho hay, quy định hiện hành, mỗi chương trình phim truyện được ngắt quảng cáo không quá 2 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Điều này dẫn tới tình trạng giảm thời lượng mỗi tập phim khiến “phim quá ngắn, quảng cáo quá dài”.

Điều 22 dự luật sửa đổi quy định mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt quá 4 lần, mỗi lần ngắt không quá 5 phút. Chương trình phim truyện dưới 30 phút được ngắt quảng cáo 2 lần. Mỗi 15 phút tăng thêm được ngắt thêm 1 lần. Mỗi lần ngắt không quá 5 phút.

“Vì vậy, nếu mỗi tập phim 60 phút có tới 15 phút quảng cáo, chiếm tới 1/4 thời lượng chương trình”, ĐBQH cho rằng, quy định như vậy chưa quan tâm tới quyền lợi của người xem truyền hình.

Bà phân tích, nếu quảng cáo trên báo in và điện tử, người xem có thể bỏ qua, nhưng với truyền hình thì không có phương pháp nào. Báo cáo tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng, thời lượng phát sóng trên khung giờ vàng tương đối nhiều, nhưng chưa có đánh giá từ phương tiện người xem với quy định về thời lượng quảng cáo hiện hành. Để cân bằng lợi ích, cần cân nhắc quy định này, ĐBQH kiến nghị, thời lượng quảng cáo trên phim truyền hình không nên quá 1/5 thời lượng quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI