Nhớ bà, nhớ mẹ
Tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trần Mỹ Dung về làm tại Công ty Cao su Quảng Trị, rồi chuyển ngạch trở thành nữ cảnh sát thuộc phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị). Công việc ổn định, nhưng nặng tình với mùi hương bồ kết, chị Dung trăn trở mãi và quyết định dành khoảng thời gian nghỉ ngơi để thỏa đam mê và khát vọng của mình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng trung du thuộc H.Gio Linh, nơi cây bồ kết bén duyên với đất đỏ bazan, kết thành những chùm trĩu quả. Ngày nhỏ, quanh năm chị Dung được bà và mẹ nấu nước bồ kết để gội đầu. Mái tóc của chị vì thế luôn dày và mượt mà óng ả.
|
Những mẻ bồ kết, hương nhu… để làm ra cao bồ kết gội đầu đượm mùi ký ức |
“Lớn lên xa nhà, mỗi lúc nhớ mẹ, tôi thường nhớ nhất là mùi hương bồ kết quyện mùi mồ hôi trên tóc mẹ. Nỗi nhớ đằm dịu ấy cứ theo tôi suốt quãng thời gian học đại học. Cho đến lúc tôi ra trường, đi làm rồi lập gia đình. Ngày tôi sinh con đầu lòng, chính bàn tay mẹ lại nấu nước bồ kết cho tôi tắm gội. Lúc đó tôi quyết định phải làm một điều gì đó để lưu giữ lại mùi hương bồ kết, bởi nó không chỉ đơn thuần là một loại nước gội, mà tôi đồ rằng mùi hương ấy là mùi nhớ thương trong ký ức bao nhiêu người dù dầu gội công nghiệp phát triển mạnh”, chị Dung bộc bạch.
Năm 2014, chị Dung tìm mua một chiếc máy dập với gần chục triệu đồng tiền vốn, thêm vài chục cân quả bồ kết và một ít vải chuyên dụng. Chị mày mò tìm hiểu, nghiên cứu rồi cho ra đời những túi bồ kết lọc. Chỉ cần một túi bồ kết cho vào vài lít nước sôi là năm phút sau có một chậu nước gội đầu thơm lừng mà không cần phải vất vả rang hay nướng bồ kết rồi cặm cụi đun nước.
Những túi bồ kết lọc đầu tiên được đăng bán trên trang Facebook cá nhân. Lời rao giản dị nhưng chất chứa đầy ký ức yêu thương của chị Dung khiến nhiều người tìm mua sản phẩm ngày càng nhiều.
Năm 2017, Dung mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc với hơn 400 triệu đồng để sản xuất cao gội đầu bồ kết. Công ty TNHH Nhiên Thảo được thành lập. Chị Dung nói: “Cũng như trà túi lọc, cao bồ kết hội đủ mùi thơm của bồ kết, vỏ bưởi, hương nhu… những loại hoa cỏ đồng nội thân thuộc. Chỉ khác ở chỗ cao được đun nấu tinh chất, đóng chai phù hợp với thị hiếu người dùng”.
|
Trần Mỹ Dung giới thiệu sản phẩm cao bồ kết đến người tiêu dùng |
Cùng với dòng dầu gội cao bồ kết Nhiên Thảo, chị Dung nghiên cứu cho ra đời các loại khác như tinh dầu bưởi đi kèm để giúp mái tóc thêm óng mượt. Sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao dành cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Chưa hết, các dòng tinh dầu khác cũng lần lượt ra mắt như tinh dầu chanh, cam. Gần đây nhất, sản phẩm nước lau sàn tinh dầu sả - bồ hòn vinh dự là một trong ba sản phẩm và bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Trị, vào top 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 toàn quốc.
Chị Dung chia sẻ: “Tôi mong muốn mỗi người khi sử dụng sản phẩm dầu gội, tinh dầu của Nhiên Thảo không chỉ được đảm bảo chất lượng mà còn như nhận một món quà trở về tuổi thơ, trở về trong vòng tay của bà, của mẹ”.
Sau 5 năm khởi nghiệp, sản phẩm của Dung đã phân phối đi cả nước. Bình quân mỗi tháng chị xuất hơn 5.000 chai cao bồ kết và khoảng trên dưới 10.000 các loại tinh dầu bưởi, chanh, cam, nước lau sàn chanh sả - bồ hòn…
Tạo việc làm cho phụ nữ vùng cao
Để sản phẩm ra đời với số lượng ổn định, nguồn nguyên liệu là yếu tố tiên quyết. Khó nhất là làm sao vừa có nguyên liệu sản xuất, vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân quê. Cứ mỗi cuối tuần, tranh thủ được thời gian là chị Dung đi đến các bản làng vùng cao ở hai huyện miền núi Đắkrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) để trò chuyện cùng bà con, tìm hiểu nguồn nguyên liệu, góp ý cho bà con trồng trọt mở rộng các loại cây như bồ kết, bồ hòn, cam, bưởi rừng…
Ngoài những mẻ cao bồ kết được sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu núi rừng bao lâu nay, gần đây sản phẩm tinh dầu bưởi rừng cũng được cho ra mắt với nguồn nguyên liệu mua của bà con miền núi Quảng Trị.
|
Những ngày cuối tuần, chị Dung thường ngược lên miền núi cao để hướng dẫn bà con thiểu số trồng cây nguyên liệu |
Chị Hồ Thị Thiên, trú xã Đắkrông (H.Đắkrông), bộc bạch: “Những năm trước gia đình tui trồng mấy héc-ta bồ kết, vừa trồng vừa lo vì không biết bán quả cho ai. Nay có chị Dung thu mua ổn định nên yên tâm hơn nhiều. Mùa vừa rồi cũng hái được vài tạ, coi như có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống giữa ngày dịch COVID-19 hoành hành”.
Đồng bào thiểu số các huyện miền núi đa phần đời sống kinh tế khó khăn. Gánh nặng nương rẫy dồn lên vai người phụ nữ. Chị Dung chia sẻ: “Tôi muốn tạo cầu nối để đảm bảo đầu ra cho bà con, giúp bà con có thu nhập ổn định. Việc làm đối với phụ nữ vùng cao lâu nay luôn là điều trăn trở của nhiều cấp chính quyền. Hiện tôi cũng đã có hướng ký kết đảm bảo đầu ra cho một số bà con ở vùng cao. Tôi cũng mong các đơn vị, các mạnh thường quân cùng quan tâm hỗ trợ cây giống, kỹ thuật giúp bà con xây dựng vùng nguyên liệu, thành lập hợp tác xã canh tác để cải thiện đời sống”.
Ngọc Uyên