Người nhiễm COVID-19 dễ thay đổi tính nết?

20/12/2021 - 07:12

PNO - Hậu COVID-19, đa số người thay đổi tính nết là những người bị nhiễm COVID-19 chuyển nặng, phải thở máy, liên tục đấu tranh sinh tồn giành giật sự sống.

* Tôi nhiễm COVID-19 và điều trị khỏi cả hai tháng nay. Mặc dù uống thuốc điều trị và tập luyện thể dục thể thao nhưng tôi cảm thấy bản thân có điều thay đổi. Tôi rất nhạy cảm, hay cáu gắt, dễ buồn giận và buông xuôi. Vậy có phải tôi bị triệu chứng thay đổi tính nết hậu COVID-19 hay không?

Nguyễn Văn Tuấn (Q.Bình Thạnh, TPHCM)

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, trả lời: Hậu COVID-19, đa số người thay đổi tính nết là những người bị nhiễm COVID-19 chuyển nặng, phải thở máy, liên tục đấu tranh sinh tồn giành giật sự sống. Nằm trong phòng hồi sức tích cực, lúc tỉnh, lúc mê, đôi lúc lại thấy những người xung quanh mình tử vong vì COVID-19, các nhân viên y tế thường xuyên hối hả hồi sức bệnh nhân… tạo cho bệnh nhân thở máy, thở ECMO nỗi sợ, khủng hoảng tinh thần và mắc bệnh trầm cảm.

Sau khi chiến thắng được tử thần, quay trở về cuộc sống thường ngày, những sang chấn tâm lý vẫn tồn tại trong những khoảnh khắc u sầu, sợ hãi, lo lắng. Đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh nan y hoặc bệnh mạn tính đã từng có những lo lắng, tự ti về sức khỏe của mình. 

Các chuyên gia tâm lý gọi những bệnh nhân COVID-19 nặng là nhân chứng của một biến cố lớn, một kinh nghiệm đỉnh cao từ cõi chết trở về. Do đó, hậu COVID-19, người bệnh thường có cách nghĩ và lối sống ưu tư, trầm cảm, suy nghĩ nhiều hơn về sống - chết, được - mất, về đời sống xã hội, con người… dẫn đến tính cách cũng thất thường hơn. 

Vì vậy, bệnh nhân COVID-19 nặng nên có một bác sĩ đồng hành sau khi khỏi bệnh để được trị liệu với các liệu pháp tâm lý khác nhau, như liệu pháp CBT (thay đổi nhận thức, hành vi) khi vượt qua nỗi sợ hãi có cơ sở, để giúp người bệnh hiểu và điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình. Đồng thời, những người thân trong gia đình, bạn bè luôn đồng hành, động viên, an ủi nhẹ nhàng, hiểu và thông cảm với bệnh nhân. Tạo cho họ một sự thoải mái và an toàn trong mọi tình huống. 

Hoàng Nhung (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua Đường dây khẩn của báo: 0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI