Người Nhật ủng hộ chiến dịch chống giày cao gót ở nhiệm sở

04/06/2019 - 10:00

PNO - Mới đây, gần 19.000 người đã ký một bản kiến nghị kêu gọi Nhật Bản chấm dứt quy định về trang phục yêu cầu phụ nữ phải đi giày cao gót ở nơi làm việc.

Bản kiến ​​nghị được Yumi Ishikawa, một cô gái được yêu cầu đi giày cao gót khi làm việc tại một nhà tang lễ, khởi đầu trên mạng xã hội Twitter.

Nguoi Nhat ung ho chien dich chong giay cao got o nhiem so
Yumi Ishikawa cho biết cô được yêu cầu đi giày cao gót tại nơi làm việc là một nhà tang lễ - Ảnh: AFP

Nội dung kiến nghị của Ishikawa được người dùng Twitter nhiệt liệt hưởng ứng và nhanh chóng được chia sẻ 30.000 lượt trên mạng trực tuyến.

Năm 2015, một nữ nhân viên tiếp tân ở London bị “trả về nhà không được nhận lương” vì cô từ chối đi giày cao gót.

Chiến dịch chống quy định đi giày cao gót được người Nhật gọi là #KuToo trên Twitter, một hình thức chơi chữ với các từ tiếng Nhật "kutsu" (giày) và "kutsuu" (đau). Theo Kyodo News, tên chiến dịch này mô phỏng phong trào #MeToo của phụ nữ thế giới.

Những người vận động chiến dịch nói rằng họ đều phải bắt buộc phải mang giày cao gót khi đi xin việc.

Cô Ishikawa, bản thân cũng là một diễn viên, nói rằng cô hy vọng “chiến dịch này sẽ thay đổi chuẩn mực xã hội để phụ nữ có thể đi giày đế bằng như đàn ông mà không bị coi là hành vi đáng chê trách”. Ishikawa cho biết cô đã gặp một vị quan chức cấp bộ và được biết ông ta "thiện cảm" đối với kiến nghị của cô.

Đây không phải là lần đầu tiên một chiến dịch đòi thay đổi quy định về trang phục của phụ nữ tại nơi làm việc được phát động. Trước đó, Nicola Thorp đã lập một bản kiến ​​nghị kêu gọi thay đổi luật trang phục của Vương quốc Anh sau khi cô được yêu cầu đi giày cao gót tại công ty tài chính PwC.

Thorp được thuê làm nhân viên tạm thời và cô từ chối tuân thủ quy định về trang phục. Sau khi tin tức được lan truyền trên các phương tiện truyền thông, công ty gia công Portico tuyên bố các đồng nghiệp nữ có thể "đi giày đế bằng" và thông báo có hiệu lực ngay lập tức.

Năm 2017, một tỉnh của Canada cũng đã loại bỏ quy định trang phục đòi hỏi nhân viên nữ phải đi giày cao gót. Chính quyền tỉnh British Columbia (Canada) cho biết, những người mang giày cao gót “đối diện với nguy cơ chấn thương do trượt chân hoặc ngã, họ có thể bị tổn thương bàn chân, chân và lưng”.

Cẩm Hà (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI