Người nhập cư tại Mỹ đặt hy vọng vào Tổng thống Biden

23/01/2021 - 20:26

PNO - Giữa nỗi lo về kinh tế, dịch bệnh, những người nhập cư vui mừng trước kế hoạch của ông Biden, cho phép khoảng 11 triệu người nhập cư sớm trở thành công dân Mỹ.

 

 

Blanca Cedillos lắng nghe bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Joe Biden cùng với các công nhân nhập cư khác tại Trung tâm Công lý công nhân ở New York hôm 20/1 - Ảnh: AP
Blanca Cedillos lắng nghe bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Joe Biden cùng với các công nhân nhập cư khác tại Trung tâm Công lý công nhân ở New York hôm 20/1 - Ảnh: AP
 

Lý do để hy vọng

Hôm 20/1, Tổng thống Joe Biden gửi dự luật cho quốc hội xem xét, nhằm đại tu hệ thống nhập cư của Mỹ, đảo ngược bốn năm hạn chế khắc nghiệt và trục xuất hàng loạt dưới thời ông Donald Trump.

Đề xuất cải cách sâu rộng bao gồm các biện pháp bảo vệ cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hiện đang sống ở Mỹ. Nó cũng tạo một con đường nhanh chóng để trở thành công dân cho những người đến Mỹ khi còn nhỏ và những người được cư trú tạm thời.

Ông Biden cũng ban hành các lệnh hành pháp nhằm đảo ngược một số chính sách nhập cư của người tiền nhiệm, chẳng hạn như tạm dừng xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico và dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với người dân từ một số quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo.

Yanira Arias - một người nhập cư Salvador nằm trong nhóm được bảo vệ tạm thời, hiện sống ở lãnh thổ của Mỹ tại Puerto Rico - cho biết: “Kế hoạch này mở ra một viễn cảnh mới, giúp chúng tôi không bị coi là tội phạm và có thể trở thành người Mỹ”. Arias nằm trong số khoảng 400.000 người cư trú tạm thời được bảo vệ sau khi chạy trốn bạo lực hoặc thiên tai. 

Thành công của đạo luật mới không có gì chắc chắn khi mà quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ và sự phản đối được dự báo sẽ gay gắt. Những nỗ lực cải cách chính sách nhập cư gần đây nhất với quy mô tương tự đã thất bại, đó là vào năm 2007 dưới thời Tổng thống George W. Bush và vào năm 2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tại New York, Blanca Cedillos cho biết, cô rất thất vọng khi ông Biden không đề cập đến vấn đề nhập cư trong bài phát biểu nhậm chức. Blanca đã sống ở Mỹ 18 năm nhưng không có giấy tờ pháp lý phù hợp. Dù vậy, cô hy vọng có thể đến thăm bốn đứa con của mình ở Trung Mỹ rồi quay lại Mỹ một cách hợp pháp: “Tôi nói với chúng rằng, chuyến đi mơ ước có thể xảy ra ngay bây giờ. Hy vọng vị tổng thống mới sẽ cho tôi cơ hội”.

Ước mơ lớn hơn

Vào khuya 20/1, Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo, từ ngày 23/1, họ sẽ bắt đầu tạm dừng trục xuất một số người... trong vòng 100 ngày không phải công dân Mỹ. Thông báo này là một phần của lời hứa khác mà ông Biden đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Ramirez - một học sinh mới tốt nghiệp Trường trung học Nam Miami - đã nộp đơn tham gia chương trình Hoãn trục xuất người vào Mỹ bất hợp pháp khi còn vị thành niên (DACA) vài tuần trước, sau khi một thẩm phán liên bang ra lệnh cho Bộ An ninh nội địa khôi phục chương trình DACA. Chàng trai trẻ này cho biết, lễ nhậm chức và đề xuất của ông Biden tạo ra mơ ước lớn hơn: “Nghĩa là tôi có thể tiếp tục đi học và trở thành một y tá. Tôi cũng không còn phải cùng em gái đi bộ đến trường hằng ngày hay đưa bố mẹ đến các cuộc hẹn với bác sĩ vì không thể sử dụng phương tiện công cộng”. 

Ước tính, có ít nhất 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ và khoảng 800.000 người thuộc diện DACA. Theo dự luật được đề xuất, những người thụ hưởng DACA sẽ có một lộ trình nhanh chóng để trở thành công dân Mỹ.

Nhìn chung, cải cách nhập cư trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là một thách thức. Mặc dù đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Nhà Trắng cũng như Thượng viện, lợi thế đa số của họ là rất ít. Nhớ lại năm 2009, Tổng thống Obama từng thất bại trong việc cải cách chính sách nhập cư, bất chấp việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Lúc ấy, Mỹ đang ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngày nay, quốc gia này cũng đang đối mặt với suy thoái kinh tế lẫn đại dịch COVID-19 toàn cầu. 

Tấn Vĩ (theo AP, Miami Herald)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI