Người nhập cư ở Mỹ lo ‘ngày hết hạn’ cuộc sống

20/01/2018 - 14:37

PNO - Người nhập cư ở Mỹ nói rằng họ quyết không lùi bước trước việc chính phủ đóng cửa chương trình nhập cư dành cho đối tượng Dreamers vì cuộc sống của họ bây giờ có “thời hạn”.

Ismary Calderon, một sinh viên 25 tuổi tại Đại học John Jay College biểu thị quyết tâm kêu gọi đóng cửa chính phủ nếu Quốc hội không tìm ra cách để những người nhập cư như cô có thể ở lại Mỹ học tập và làm việc.

Nguoi nhap cu o My lo ‘ngay het han’ cuoc song
Những người ủng hộ Đạo luật DREAM tổ chức một đêm đốt nến cầu nguyện bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ (Capitol) hôm 18/1 - Ảnh: Getty Images

Cô nói: "Nếu như họ (chính phủ) nhìn thấy đồng hồ của dự luật chi tiêu sắp đến hạn chót, thì chúng tôi cũng có hạn chót của mình, thậm chí chúng tôi có “ngày hết hạn” cho cuộc sống của mình”.

Sở dĩ Calderon có thể học tập và làm việc tại Mỹ mà không sợ bị trục xuất là nhờ chương trình cho phép trẻ em đến Mỹ được phép hoãn bị xử lý (DACA) mà Tổng thống Donald Trump dự kiến ​​sẽ chấm dứt vào ngày 5/3.  

DACA của Calderon đến năm 2019 mới kết thúc vì cô đã gia hạn trước khi Tổng thống Mỹ đặt ra ngày hết hạn.

Mặc dù trời tối và nhiệt độ xuống thấp dưới 6°C, tối 18/1 Calderon vẫn cùng những người khác tham gia đêm đốt nến cầu nguyện bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ (Capitol) trong khi Hạ viện đã thông qua một dự luật để chính phủ không bị đóng cửa.

Sau đó biện pháp ngăn chặn này còn phải được thông qua ở Thượng viện.

Calderon nói: "Một khi DACA của chúng tôi hết hạn, chúng tôi không thể làm việc, không thể lái xe, không thể giúp đỡ gia đình. Tôi sắp nhận được một học bổng toàn phần và tôi sẽ không thực hiện được điều này, như vậy người ta thực tế đang lấy đi mọi thứ của chúng tôi”.

Nguoi nhap cu o My lo ‘ngay het han’ cuoc song
Dân biểu dân chủ Joaquin Castro phát biểu trong một cuộc họp báo về nhập cư và tạm thời đóng cửa chính phủ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 19/1 - Ảnh: Win McNamee/Getty Images

Các cuộc biểu tình tiếp tục vào sáng 19/1 với sự có mặt của các sinh viên và những người không có hồ sơ nhập cảnh, hay có DACA, và bạn bè của họ.

Joseph Trujillo, một sinh viên trường Texas A&M, cho biết anh đến Mỹ từ Lima, thủ đô Peru, khi mới lên năm. Trujillo nói: "Chúng tôi không phải là con bài mặc cả hay một con số thống kê”.

Một cô gái xưng tên là Monica cho biết cô không có giấy tờ nhập cư hợp pháp. Cô nói tại cuộc họp báo rằng một số văn phòng Quốc hội đã chấm dứt nói chuyện với những nhà hoạt động trẻ và thậm chí không thèm đếm xỉa đến họ.

Monica nói: "Bây giờ chúng tôi đã mệt mỏi, chúng tôi vui vẻ và nhiệt tình đến đây, giờ họ bỏ mặc chúng tôi, vì vậy, những gì tôi sẽ làm tiếp theo là kêu gọi sự tham gia của 50, 200 và 250 người nữa”.

Nguoi nhap cu o My lo ‘ngay het han’ cuoc song
Những người biểu tình ủng hộ Đạo luật DREAM tổ chức đêm đốt nến cầu nguyện bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ - Ảnh: Win McNamee/Getty Images

Calderon nói: "Chúng tôi sẽ không cho phép chính phủ này tiếp tục ‘thiêu cháy’ các cộng đồng của chúng tôi, tiếp tục khủng bố cộng đồng của chúng tôi".

Cristina Jimenez, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức United We Dream (UWD), nói rằng thực tế là chính phủ đang trên bờ vực phải đóng cửa một phần bởi vì nó không thành công trong vấn đề nhập cư.

Khoảng 200 người tham gia vòng biểu tình mới nhất, vốn được tổ chức trong suốt năm ngoái. Các nhà tổ chức cho biết họ đã biểu tình tại tất cả 435 văn phòng dân biểu Hạ viện và toàn bộ 50 văn phòng nghị sĩ Thượng viện.

Nhiều nhà hoạt động muốn Quốc hội vượt ra ngoài khuôn khổ DACA và cung cấp một con đường để nhập quốc tịch cho hàng ngàn người nhập cư không có quy chế, những người có cha mẹ đến Mỹ và ở lại bất hợp pháp.

Tô Châu (Theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI