Người nhập cư Mỹ đắn đo trước “tự trục xuất” hay “bị trục xuất”

23/04/2025 - 07:12

PNO - Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ khởi động một chương trình “tự trục xuất” - cung cấp tiền và vé máy bay cho những người nhập cư không có giấy tờ tự nguyện rời khỏi Mỹ.

Tự giác thay cho ép buộc

Quyết định của Tổng thống Trump là sự thay đổi so với lập trường cứng rắn trước đây về vấn đề này. Theo ông, trọng tâm hiện tại là trục xuất “những kẻ giết người”, còn những người nhập cư không có tư cách hợp pháp sẽ được khuyến khích tự rời đi với sự hỗ trợ từ chính phủ. Chi tiết về chương trình được đề xuất, bao gồm mốc thời gian thực hiện và điều kiện, không được ông nêu rõ. Trên khắp nước Mỹ, những người nhập cư đang cân nhắc đến việc “tự trục xuất”.

Người phụ nữ tên S đã làm hộ chiếu cho những đứa con sinh ra tại Mỹ để nếu gia đình phải quay lại El Salvador,  bọn trẻ vẫn có thể trở về Mỹ - ẢNH: JASMINE GARSD (NPR)
Người phụ nữ tên S đã làm hộ chiếu cho những đứa con sinh ra tại Mỹ để nếu gia đình phải quay lại El Salvador, bọn trẻ vẫn có thể trở về Mỹ - Ảnh: Jasmine Garsd (NPR)

Ở thành phố Durham, bang Bắc Carolina, một phụ nữ tên “S” thở dài nắm tay chồng. Phía sau họ, những bộ phim hoạt hình trẻ em vẫn đang phát. Vợ chồng cô đều là những người nhập cư bất hợp pháp, nhưng 2 con họ đều là công dân Mỹ. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất đau khổ. Tôi không muốn làm gì mà chỉ muốn ngủ thật sâu và thức dậy để thấy mọi chuyện đã kết thúc. Ước gì tất cả chỉ là một cơn ác mộng”.

Vợ chồng cô đã thức trắng đêm để thảo luận xem có nên quay lại quê hương El Salvador và có nên đưa bọn trẻ đi cùng hay không. Cả hai vẫn chưa thể quyết định, nhưng họ nghe nói về những phụ huynh gốc Latin khác trong cộng đồng đang đổ xô xin hộ chiếu Mỹ cho con, để trong trường hợp họ buộc phải rời đi, bọn trẻ vẫn có thể quay lại. Vợ chồng S cũng làm điều tương tự. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục tranh luận về câu hỏi mà nhiều người nhập cư khác cũng đang tự hỏi: đã đến lúc rời khỏi Mỹ bằng cách “tự trục xuất” hay chưa?

Cuộc sống thay đổi

Ngày càng nhiều người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ, không ít trong số họ không có tiền án. Ngày 19/4, Tòa án tối cao Mỹ đã yêu cầu chính phủ dừng trục xuất hàng loạt, thay vào đó thực hiện quy trình tố tụng hợp pháp có giam giữ để người di cư có tiếng nói. Đáp lại, Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 21/4 rằng chính quyền của ông không thể thực hiện quy trình tố tụng cho mọi người mà chính quyền muốn trục xuất, “bởi vì để làm như vậy sẽ mất 200 năm”. Do đó, “tự trục xuất” là một trong những trọng tâm về chính sách nhập cư của chính quyền tổng thống Trump ở nhiệm kỳ thứ hai. Ông đã phát động một chiến dịch truyền thông trị giá hàng triệu USD khuyến khích những người nhập cư “tự trục xuất”.

Ngoài ra, các chính sách khác của ông cũng khiến cuộc sống của người nhập cư khó khăn hơn, như các vụ bắt giữ được công khai rộng rãi, đưa những người di cư đến El Salvador để giam giữ và thực hiện truy quét người nhập cư ở những nơi từng an toàn như trường học, nhà thờ và bệnh viện. Hầu hết các chuyên gia về nhập cư đều cho rằng nếu chất lượng cuộc sống ở những quốc gia mà mọi người rời đi nguy hiểm, tuyệt vọng hoặc chết chóc hơn những gì mọi người có thể thấy ở Mỹ, thì không có biện pháp ngăn chặn nhập cư nào đem đến hiệu quả hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 11 triệu người ở Mỹ không có tư cách cư trú hợp pháp.

Suốt vài tháng qua, với nhiều gia đình nhập cư trên khắp nước Mỹ, chất lượng cuộc sống đã giảm mạnh. Chị Mari - ở bang Maryland - cho biết, con gái út của mình (6 tuổi) thường xuyên bị hoảng loạn. Mari kể: “Con bé khóc ở trường. Bị đau bụng dữ dội. Một nhân viên xã hội đã phải vào cuộc”.

Cháu bé thổ lộ: “Cháu cảm thấy buồn. Mẹ bảo rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, nhưng cháu lo rằng có chuyện gì đó sẽ xảy ra với mẹ. Cơ quan di trú đang đưa mọi người về nơi họ lớn lên. Mẹ cháu đến từ Guatemala. Chúng cháu lại sinh ở Mỹ”.

Chồng của Mari - một thợ lợp mái - thì muốn quay trở lại Guatemala lập tức. Anh muốn bọn trẻ có hộ chiếu Mỹ phòng trường hợp tình hình tệ hơn. Tuy nhiên, Mari không muốn rời đi. Cô muốn các con gái mình được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và lo rằng chúng sẽ trở thành mục tiêu của các băng đảng ở Guatemala. Những lần cãi vã đang gây ra rạn nứt cho cuộc hôn nhân của họ. Mari cương quyết: “Anh ấy nói rằng chúng tôi không thể sống như thế này nữa. Nhưng tôi nói “không”. Các con tôi sinh ra ở đây và còn đang đi học. Chúng tôi sẽ ở lại”.

Linh La (theo Economic Times, NPR, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI