Người nhập cảnh “chui”, cố tình trốn tránh khai báo y tế sẽ bị xử lý như thế nào?

29/12/2020 - 15:31

PNO - Trong khi cả nước đang tích cực phòng, chống COVID-19, nhóm 6 người đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tính đến hiện tại đã có 4 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

 

Phong tỏa con hẻm vào xưởng đúc đồng trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, TPHCM, ảnh Hiếu Nguyễn
Phong tỏa con hẻm vào xưởng đúc đồng trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, TPHCM - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trưa 29/12, Ủy ban nhân dân TPHCM đã xác nhận, nam thanh niên Kha (23 tuổi) có kết quả xét nghiệm COVID-19. Theo đó, Kha dương tính với virus SARS-CoV-2. Kha thuộc nhóm 6 người cảnh trái phép vào Việt Nam vào sáng 24/12/2020.

Như vậy, trong nhóm này đã có 4 người mắc COVID-19 gồm bệnh nhân 1.440 (ở Vĩnh Long), bệnh nhân 1.451 (ở quận 5, TPHCM), người phụ nữ tên N. ở Đồng Tháp có kết quả dương tính COVID-19 vào sáng nay, một người tên V. ở quận 1 và người tên T. ở huyện Hóc Môn. Hiện tại, V. và T. có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2, đang được cách ly theo dõi.

Hành vi nhập cảnh trái phép của 6 người trên làm dịch COVID-19 có dấu hiệu quay trở lại, khiến nhiều người hoang mang, phẫn nộ. Bởi bên cạnh việc nhập cảnh “chui”, hầu hết bệnh nhân đều không chủ động khai báo y tế, cần được xử lý nghiêm.

Theo luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM, 6 người trên có thể bị xử lý theo luật với hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tùy mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm, các đối tượng sẽ bị chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự.

Theo đó, những người này có thể bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền từ 15-25 triệu đồng nếu là người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Còn nếu xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục sẽ bị truy trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép. Với hành vi này, người vi phạm sẽ bị phạt thấp nhất 5 triệu đồng, hoặc tối đa 50 triệu đồng. Thậm chí bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Bên cạnh đó, người nhập cảnh cố tình trốn tránh trình báo, không khai báo y tế, khai báo không trung thực khi bản thân biết mình có thể mắc bệnh dịch, sẽ bị phạt từ 5-7 triệu đồng. 

Ngoài ra, ngày 30/3/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, nếu những người này mắc COVID-19 lại cố tình giấu bệnh, không khai báo y tế, khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác sẽ vi phạm “Hành vi khác làm lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người”, thậm chí bị xử lý “Tội làm lây bệnh truyền nhiễm cho người”, bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

“Trong trường hợp người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm; Phạt tù từ 10-12 năm nếu vi phạm dẫn đến Thủ tướng Chính phủ phải công bố dịch, hoặc gây truyền nhiễm làm chết 2 người trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 348 Bộ luật Hình sự”, luật sư Hùng nói thêm.

Đối với người có hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt hành chính 15-25 triệu đồng. Với người nước ngoài, tùy mức độ, có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Bên cạnh xử phạt hành chính, hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Mức phạt từ 1-15 năm tù tùy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như  phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI