Năm nào cũng được cho quà
Ngồi trên chiếc ghế đặt ở sân trụ sở Ủy ban MTTQ quận 8, ông Đặng Văn Hòa (phường 2, quận 8) cứ cúi nhìn đôi chân mình. Một bàn chân trái của ông sưng vù, còn bàn chân phải chỉ có da bọc xương, những ngón chân co quắp. Đó là di chứng từ đợt tai biến cách đây 5 năm. Người đàn ông 60 tuổi, nặng dưới 40kg này gần như lọt thỏm trong chiếc áo gió cũ rộng thùng thình.
Khi được hỏi tết có sắm sửa gì chưa, ông Hòa lắc đầu, chỉ xuống chân: “Mấy năm nay, tôi không làm gì nặng được, chỉ ngồi một chỗ bán vé số. Mà bán trong hẻm chợ gần nhà, ngày nào giỏi lắm cũng chỉ được 100 tờ, kiếm được 100.000 đồng”.
Ông kể, 2 năm trước, vợ ông bỏ nhà đi biệt, để lại cho ông 3 đứa con, đứa nhỏ nhất hiện đang học lớp Tám. Ông Hòa một thân bệnh tật lo cho 3 đứa con, rất chật vật. “Nếu không nhờ người ta giúp đỡ, chắc nó đã bỏ học rồi” - ông nói về đứa con út.
“Người ta” mà ông nhắc ở đây là những người đã tặng cho cha con ông thẻ bảo hiểm y tế để dùng vào những lúc ốm đau, là người đã hỗ trợ tập vở đầu năm học để con ông được tiếp tục học hành, là người đã trao những giỏ quà tết để cha con ông cũng có thứ bày biện cho nhà ấm cúng trong những ngày đầu năm. Khoe tờ giấy mời đến nhận quà có ghi rõ tên mình, ông nói: “Năm nào cũng vậy, nhờ những phần quà tết phường tặng, quận tặng, rồi người này người kia cho, tôi mới có tiền mua cho con bé bộ đồ mới”.
|
Phụ nữ khó khăn được tặng phiếu mua hàng 0 đồng khi tham gia "Phiên chợ ngày xuân" tại quận 8 sáng 7/1/2023 Ảnh: Thu Lê |
Hộ ông Hòa là một trong 2.738 hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền và các đoàn thể quận 8 tặng tiền, quà trong ngày hội Mừng xuân Quý Mão diễn ra ngày 7/1.
Nhìn dáng ông khập khiễng xách túi quà nặng, chúng tôi chợt nhớ đến nét mặt xúc động của chị Võ Thụy Tuyết Nga (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) trong buổi tối đi giúp việc nhà về, nhìn thấy 2 giỏ quà trên bàn cùng 2 phong bao lì xì và nghe 2 đứa con kể chuyện được gặp các chị hoa hậu, á hậu, được mọi người chúc tết, lì xì.
Con của chị nằm trong số hàng ngàn trẻ mồ côi do COVID-19 được Hội LHPN TPHCM kết nối chăm lo trong dịp tết này. Chị Nga cho biết, sau khi chồng mất do COVID-19 năm 2021, một mình chị nuôi 2 đứa con và thêm mẹ già cùng đứa em bị tâm thần nên không còn thời giờ để nghĩ đến tết. “Nhờ nhiều người thương, quan tâm đến mình nên nay nhà mới có chút sắc đỏ, mới biết tết đến nơi rồi” - chị nói.
|
Trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt nhận phần chăm lo 10 triệu đồng từ chương trình “Vòng tay yêu thương” - Ảnh: Thái Phương |
Ấm lòng xóm trọ
Cận tết, khu nhà trọ của chị Hoàng Thị Thịnh ở ấp Cây Sộp, xã Tân An, huyện Củ Chi trở nên rộn ràng hơn, mọi người hỏi nhau có về quê không.
Vợ chồng anh N.T. làm công nhân, lo cho con trai đang học đại học. Cả gia đình thuê phòng trong khu nhà trọ của chị Thịnh hơn 1 năm qua. Trước đây, vợ chồng anh thuê 2 phòng để con trai có không gian học bài nhưng mấy tháng qua, anh T. bị mất việc, phải trả bớt 1 phòng để tiết giảm chi phí. Năm nay, gia đình anh không có tiền về quê.Anh N.T. kể: “Chị Thịnh tốt bụng lắm. Có tháng, tụi tôi nợ tiền phòng, chị vui vẻ cho khất, còn cho nợ tiền điện, tiền nước. Mấy ngày trước, chị Thịnh còn tặng gia đình tôi 1 phần quà tết. Ăn tết ở khu trọ này, tôi thấy cũng dễ chịu”.
Ở chung khu trọ, ngoài anh N.T., còn có 2 công nhân khác mất việc. May là vợ anh vẫn còn làm công nhân nên cầm cự được. Sau mấy tháng làm tạm nghề phụ hồ, anh N.T. tính, qua năm mới âm lịch, sẽ tìm việc làm mới trong khu công nghiệp Tây Bắc gần chỗ trọ.
|
Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM tặng quà chăm lo tết đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm - Ảnh: Thái Phương |
Chị Hoàng Thị Thịnh cho biết, chị có 16 phòng cho thuê, đến nay được 20 năm. Thấy người lao động xa quê còn nhiều khó khăn nên hơn 10 năm nay, chị giữ nguyên giá thuê phòng từ 500.000-550.000 đồng/tháng, tính giá điện, nước theo giá định mức. Năm nay, do người lao động khó khăn, chị đã hỗ trợ 16 phần quà tết cho 16 phòng trọ, mỗi phần gồm gạo và các nhu yếu phẩm, trị giá 300.000 đồng/phần và hỗ trợ thêm quà cho các chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị Thịnh cho biết thêm, hầu hết trong 70 hộ có kinh doanh nhà trọ trong ấp đều chăm lo tết cho người ở trọ, có nơi tặng quà, tặng tiền mặt, có nơi giảm tiền thuê 200.000-300.000 đồng/phòng trong tháng tết.
Thu Lê - Trang Thư - Diễm Trang
Báo Phụ nữ TPHCM trao 463 phần quà cho phụ nữ Những ngày giáp tết, Chi đoàn Báo Phụ nữ TPHCM triển khai chương trình “Cùng con em nữ công nhân vượt khó”, qua đó trao 50 máy tính bảng và quà cho các học sinh là con em nữ công nhân khó khăn ở quận Bình Tân và xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, với tổng kinh phí 130 triệu đồng. Đặc biệt, với chương trình “Tết ấm Quý Mão 2023”, Báo Phụ nữ TPHCM huy động các nguồn lực xã hội trao tặng 463 phần quà với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. |
Hơn 26 tỉ đồng chăm lo phụ nữ, trẻ em Dịp tết Quý Mão 2023, Hội LHPN TPHCM dự kiến phối hợp với các tổ chức thành viên, các đơn vị trực thuộc trao 6.709 phần quà tết (300.000-1 triệu đồng/phần) với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Hội LHPN cấp quận và cấp phường dự kiến trao hơn 50.000 phần quà tết (200.000-1 triệu đồng/phần) với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng. Quà sẽ được trao cho 7 nhóm đối tượng, gồm hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hội viên, phụ nữ khuyết tật; cán bộ hội, cán bộ hội cấp thành phố hưu trí và gia đình cựu cán bộ phụ vận; nữ chủ nhà trọ, công nhân nhà trọ không có điều kiện về quê ăn tết; phụ nữ dân tộc, tôn giáo bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; nữ công nhân ngành bảo vệ môi trường có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 và trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài những hoạt động chăm lo vật chất cho hội viên, phụ nữ khó khăn, Hội LHPN TPHCM và các cấp còn tổ chức họp mặt nữ công nhân nhà trọ không có điều kiện về quê ăn tết, hội thi gói bánh tét, làm mứt, cắm hoa, liên hoan văn nghệ, rút thăm may mắn, chuyến xe 0 đồng. Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM phối hợp với các khu chế xuất tổ chức “Ngày hội nghĩa tình - Tết đoàn viên” với hoạt động cắt, chải tóc và trang trí móng miễn phí cho công nhân. Nguyệt Minh |
Công đoàn tặng quà cho hàng chục ngàn gia đình công nhân Bà Lê Thị Kim Thúy - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - cho biết, tết Quý Mão 2023 này, liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều chương trình, như “Tết sum vầy - Xuân tri ân”, “Gia đình công nhân vui tết cùng thành phố”, qua đó chăm lo cho 10.000 gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, 5.000 gia đình đoàn viên, công nhân, lao động tiêu biểu ở lại TPHCM ăn tết; chương trình “Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên” chăm lo cho 5.000 đoàn viên, “Tấm vé nghĩa tình” trao 5.000 vé cho công nhân về quê. Sơn Vinh |
927 tỉ đồng chăm lo người có công, hộ nghèo, trẻ mồ côi Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - thông tin, dịp tết Quý Mão 2023, UBND TPHCM chi từ ngân sách gần 927 tỉ đồng để chăm lo cho các đối tượng, tăng khoảng 10% so với tết Nhâm Dần 2022. Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành của TPHCM sẽ triển khai nhiều hoạt động như chỉnh trang, tôn tạo và viếng các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang chính sách, các nhà bia tưởng niệm; tổ chức họp mặt cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, gia đình chính sách tiêu biểu; tổ chức 43 đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm các đơn vị, tập thể, hộ nghèo, các cá nhân tiêu biểu; tổ chức trao quà và tiền mặt cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh, các hộ cận nghèo, diện bảo trợ xã hội, trẻ em mồ côi… Tết năm nay, các ban, ngành, đoàn thể của TPHCM sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà (1,5 triệu đồng/suất) cho khoảng 3.650 người có công trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đang sinh sống ở TPHCM, nhân kỷ niệm 55 năm ngày phát động chiến dịch. Trong các đối tượng được chăm lo, tết năm nay, UBND TPHCM bổ sung diện trẻ mồ côi với mức quà 1.150.000 đồng/suất. Chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM xây dựng, tổ chức các chương trình họp mặt gia đình công nhân, phiên chợ nghĩa tình, tặng vé tàu xe cho công nhân, đặc biệt là công nhân làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn. Cũng theo ông Lê Văn Thinh, cách đây vài tháng, khi một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, sở đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp như cung cấp các số điện thoại, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh; trực tiếp gặp gỡ, nghe ý kiến và hỗ trợ các bên để tìm cách đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường; cập nhật biến động lao động, nhất là lao động ở các khu công nghiệp tập trung, để có biện pháp hỗ trợ. Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM thường xuyên cập nhật, tổng hợp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động để kết nối cung cầu, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ người lao động học nghề, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến trong quan hệ lao động để kịp thời phối hợp giải quyết khi có mâu thuẫn, tranh chấp. Phong Vân |