Người nghèo "xóm chạy thận" Hà Nội ao ước mô hình lọc thận xuống cơ sở

22/07/2016 - 12:32

PNO - "Nếu được như thế thì tốt quá, vợ chồng, con cái gần nhau... nhưng còn khó thực hiện lắm, nên các chú chưa dám mơ đến", chú Hồng chia sẻ.

Ngày 20/7, lần đầu tiên trên cả nước, phòng khám đa khoa vệ tinh có chạy thận nhân tạo đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM) đã chính thức hoạt động. Đây là phòng khám của Bệnh viện quận Thủ Đức được Sở Y tế TP HCM triển khai thí điểm nhằm giảm tải cho bệnh viện, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Đây không chỉ là niềm vui của người dân mắc bệnh xung quanh địa bàn phường Bình Chiểu mà nó còn là niềm ao ước của biết bao gia đình có người thân bị bệnh thận trên cả nước. Họ mơ ước mô hình lọc thận cấp cơ sở này sẽ được nhân rộng.

"Nếu được như thế thì tốt quá..."

Có mặt tại xóm chạy thận sống lay lắt trong ánh đèn mờ, nằm gần mé đường tàu, đối diện tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước cuộc sống "tạm bợ" nhưng kéo dài hàng chục năm của người bệnh nghèo ở đây.

Xóm chạy thận xơ xác có tất cả 16 người đến từ các miền quê khác nhau, người đến từ Hưng Yên, Nam Định, Thạch Thất, Hải Dương...  Mỗi người có một hoàn cảnh một câu chuyện cuộc đời.

Nguoi ngheo
Bệnh nhân nghèo chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Chia sẻ với PV, ông Hồng (50 tuổi, người Thôn Đồng Mong, xã Hùng An, Huyện Kim Động, Hưng Yên) là một trong những người thuê trọ tại xóm đây, cho biết, nhà ông cách bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi tầm 90 km nếu đi đường ô tô. Tuy nhiên, ông biết con đường tắt chỉ mất khoảng nửa quãng đường đó để về đến nhà, nhưng phải đi bằng xe máy. Vậy nên, được chữa bệnh gần nhà luôn là ước mơ bao năm của ông Hồng.

"Nếu địa phương tôi có bệnh viên chạy thận thì tốt quá. Không có gì sướng bằng việc về gần nhà mà", ông Hồng lau mồ hôi.

Theo như chia sẻ của người đàn ông này, ông đã từng có vợ có con, nhưng vì khoảng cách, gia đình không hạnh phúc, cuộc sống quá khắc nghiệt khiến vợ chồng ông chia tay. Con ở với mẹ, còn ở quê có mình mẹ già sống.

"Mẹ già chẳng làm ăn gì được, nên tôi phải đương đầu vừa kiếm tiền nuôi 2 mẹ con vừa chống chọi với bệnh tât. Mẹ tôi vẫn ở nhà suốt, thường thì 1 tháng tôi về quê thăm mẹ một lần, đi lại cũng vất vả.

Ở đây ai thuê gì mà cảm thấy sức khỏe phù hợp thì tôi cũng làm, lúc làm rau mầm, lúc thuê xe ôm, buôn bán ở chợ cách khu trọ tầm hơn 1 km... nói chung làm cố để lo tiền ăn, tiền uống, tiền trọ, tiền thuốc men cũng hết, nhiều vấn đề phải lo lắm. Giá được gần cụ thì tốt biết mấy", ông Hồng thật thà chia sẻ.

Nguoi ngheo
Xóm chạy thận của người nghèo.

Cùng hoàn cảnh với ông Hồng, bà Trương Thị Lê (Xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức) hiện đang sống cùng xóm chạy thận, cũng bày tỏ khao khát được về sống gần nhà.

"Nhà tôi có 2 mẹ con chạy thận. Con gái tôi đang lớp 10 (sinh năm 1999) thì phát hiện bị bệnh thận, học cố được 2 tháng lớp 11 nhưng không học được vì 1 tuần mất 3 buổi đi chạy thận rồi còn 3 buổi đi học thì không kịp nữa nên cháu cũng nghỉ học đi chạy thận cùng mẹ cũng hơn 1 năm rồi, 2 mẹ con sống với nhau tại xóm trọ này.

Khổ lắm, ở nhà tôi dưới quê còn có thằng cu năm nay mới vào lớp 2 nữa. Chồng với đứa nhỏ ở một nơi, tôi và con gái lớn ở một nơi. Gia đình chia làm 2 cực lắm, hoàn cảnh cũng khó khăn nữa, thương thằng nhỏ, lúc nào cũng chỉ muốn về với chúng, nhưng bệnh tật đi lại nhiều thì mệt".

Là phụ nữ nên sức khỏe của bà Lê và con gái thường hay đau yếu, những lúc không làm được việc, nằm không mà nước mắt bà muốn rơi khi nghĩ về hoàn cảnh của gia đình mình sao nhiều éo le, không được bình yên, trọn vẹn như những gia đình khác.

Không nhiều hy vọng

Nguyện vọng có bệnh viện chạy thận gần nhà không chỉ là mong ước của ông Hồng, bà Lê mà còn là nguyện vọng của tất cả những người sống tại xóm chạy thận này. Nhưng, nói về quê đâu phải dễ, những bệnh nhân tại xóm nghèo lại trở về hiện thực khi đặt ra một loạt những âu lo.

"Mọi người thì muốn lắm, nhưng có cái là nó cũng khó khăn đấy. Vì thực ra, chăm sóc y tế tuyến trung ương này máy móc đã rất tốn kém rồi, nếu về tận trạm xá thì có lẽ là tôi không dám mơ vì hành trình ấy rất khó khăn. Chưa kể đội ngũ y, bác sĩ phải về đó nữa, liệu chúng tôi có tốn kém hơn không. Không chỉ vậy, ở Hà Nội, tôi còn ra vào có việc để làm, về quê thì biết làm gì để có tiền thuốc thang, nuôi sống 2 mẹ con", ông Hồng chia sẻ.

Nguoi ngheo
Công việc của anh T. là trồng rau mầm, đánh giày để kiếm thêm thu nhập.

Còn bà Lê mắt lại đỏ lên, chực khóc: "Bây giờ nhà tôi có giấy hộ nghèo nên cũng đỡ nhiều, nhưng do tôi tiểu cầu thấp nên phải dùng dung dịch chống đông máu, mỗi tháng đóng gần 1 triệu, tiền mua thuốc ngoài 2 mẹ con cũng mất khoảng gần 2 triệu tiền thuốc, tiền nhà thuê, tiền ăn uống tiết kiệm 2 mẹ con cũng tiêu mất 4-5 triệu đấy. Ở quê có thì tốt hơn nhiều lắm vì dù khó khăn thế nào cũng có vợ có chồng, con cái xum họp. Nhưng cũng nhiều khó khăn lắm, với tôi nghĩ chắc không được đâu, mà nếu có được thì không biết đến bao giờ".

Người phụ nữ trẻ ở đây -  chị Hương cũng chia sẻ: "Đâu phải ở đâu cũng nhiều người bị thận, ở miền quê khác thì không biết, nhưng ở xã mình cũng chỉ có 2 người, xã bên cạnh có 4-5 người, nếu xây dựng ở quê để phục vụ cho từng này người sẽ tốn kém, lãng phí"...

Lam Thanh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI