Người nghèo Nam Phi thiếu thuốc chống HIV do đại dịch COVID-19

12/08/2020 - 07:55

PNO - Sibongile Zulu rất lo sợ khi phòng khám cô thường ghé hết thuốc điều trị HIV do chính phủ tài trợ, trong bối cảnh Nam Phi tiến hành phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Một hiệu thuốc ở địa phương có bán loại thuốc này với giá 48 đô la Mỹ, nhưng cô không có tiền để mua sau khi bị mất việc do công ty cô đang làm đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh.

Sibongile Zulu (đứng bên cửa sổ) dương tính với HIV và không thể mua được đầy đủ số thuốc dùng trong 2 tháng vì các hiệu thuốc của chính phủ hết hàng do đất nước phong tỏa chống dịch COVID-19 - Ảnh: AP
Sibongile Zulu (đứng bên cửa sổ) dương tính với HIV và không thể mua được đầy đủ số thuốc dùng trong 2 tháng vì các hiệu thuốc của chính phủ hết hàng - Ảnh: AP

Tuyệt vọng vì không có thuốc, bà mẹ đơn thân một mình nuôi bốn đứa con đã gọi cho một người bạn làm y tá của Quỹ Sister Mura - tổ chức từ thiện địa phương chuyên giúp đỡ những người nhiễm HIV. Cô thật may mắn, kể từ tháng 4, quỹ đã cung cấp cho Zulu các loại thuốc mua tại địa phương.

Theo AP, khắp châu Phi cũng như trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc cung cấp thuốc kháng virus HIV cho nhiều người trong số hơn 24 triệu người đang điều trị, trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Một nghiên cứu của Chương trình phối hợp Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy, chỉ riêng ở khu vực châu Phi cận Sahara, nếu việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) bị gián đoạn trong 6 tháng có thể khiến thêm 500.000 người tử vong liên quan đến AIDS.

Sự gián đoạn đặc biệt đáng lo ngại ở Nam Phi, quốc gia có khoảng 7,7 triệu người dương tính với HIV - con số bệnh nhân HIV lớn nhất thế giới - và 62% trong số đó phụ thuộc vào chương trình thuốc chống virus của chính phủ. Theo một báo cáo của UNAIDS, các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19 đã cản trở việc nhập khẩu thuốc lẫn việc sản xuất và phân phối thuốc tại địa phương.

Sibongile Zulu cần uống thuốc ARV mỗi ngày để điều trị căn bệnh HIV - Ảnh: AP
Sibongile Zulu cần uống thuốc ARV mỗi ngày để điều trị căn bệnh HIV - Ảnh: AP

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân HIV cũng đã ngừng đến các phòng khám đông đúc vì sợ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số người không có tiền để mua vé xe đến các phòng khám.

Từ tháng 6, Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima cho biết các quốc gia nên “khẩn trương lập kế hoạch ngay từ bây giờ để giảm thiểu tác động của chi phí cao và giảm khả năng cung cấp thuốc kháng virus HIV”. Bà Byanyima nói: “Tôi kêu gọi các quốc gia và những người mua thuốc điều trị HIV hành động nhanh chóng để đảm bảo rằng tất cả những người hiện đang điều trị tiếp tục được điều trị, được cứu mạng và ngăn chặn các ca nhiễm HIV mới”.

Theo nghiên cứu ban đầu về tỷ lệ tử vong ở tỉnh Western Cape - điểm nóng đầu tiên của COVID-19 ở Nam Phi, những người có HIV mắc bệnh COVID-19 sẽ đối diện nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi so với những người không có HIV.

Các phòng khám ở trung tâm Johannesburg - thành phố lớn nhất Nam Phi - chứng kiến ​​số người đến điều trị HIV giảm từ 10% đến 25%. Ngoài ra, một số phòng khám phải đóng cửa tạm thời khi các y tá và bác sĩ mắc bệnh COVID-19. Một chuyên gia y tế giải thích thêm, “một số phòng khám có từ 60 đến 80 bệnh nhân mỗi ngày, vì vậy khi một phòng khám đóng cửa, thậm chí cả tuần, rất nhiều người sẽ không nhận được thuốc, đó là một mối đe dọa thực sự nghiêm trọng”.

Tương tự, COVID-19 cũng làm gián đoạn việc tiêm chủng. Theo Shabir Madhi, giáo sư về chủng ngừa tại Đại học Witwatersrand, trong vài tháng qua, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em đã giảm 25%. Các chuyên gia y tế cho biết việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao cũng bị cản trở bởi đại dịch, đe dọa tính mạng của nhiều người dân nghèo nhất Nam Phi.

Quế Lâm

Từ khóa Nam PhiHIVCOVID 19
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI