Người nghèo Indonesia khó xoay xở giữa dịch COVID-19

28/03/2020 - 06:01

PNO - Để giảm thiểu các chính sách gây bất công với người nghèo trong đại dịch COVID-19, chính phủ nên giải quyết các vấn đề cơ bản ngay từ đầu.

Những người lao động trong các lĩnh vực không chính thức như chạy taxi, xe ôm công nghệ, bán hàng và phụ bếp không thể làm việc tại nhà. Họ đứng trước nỗi lo về lượng khách hàng sụt giảm.

Theo Reuters, tính đến ngày 26/3, Indonesia ghi nhận 686 ca nhiễm COVID-19 với 55 ca tử vong. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Indonesia đã kêu gọi mọi người tự cách ly nếu có triệu chứng, nghĩa là ở trong nhà và hoàn toàn tránh tiếp xúc với người khác. Mặc dù hành động phòng ngừa này được chứng minh là có hiệu quả, nhưng dường như nó không tính đến thực tế là nhiều người nghèo và người thu nhập thấp không đủ khả năng tự cách ly. Do đặc thù công việc, họ không thể làm việc từ xa.

 

Những người lao động Indonesia vẫn cố bám trụ với công việc giữa dịch bệnh COVID-19
Những người lao động Indonesia vẫn cố bám trụ với công việc giữa dịch bệnh COVID-19

Năm 2019, những người làm việc trong các khu vực phi chính thức chiếm 57,2% lực lượng lao động Indonesia, tương đương khoảng 74 triệu người. Đồng thời, có tới 25 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, chiếm khoảng 9% dân số Indonesia. Hai tuần tự cách ly tại nhà đồng nghĩa với việc mất nguồn thu nhập duy nhất của họ.

Sẽ đói nếu phải tự cách ly 

Một tài xế trực tuyến than thở trên phương tiện truyền thông xã hội: “Thật tệ. Không có khách du lịch, không có việc làm”. Những tài xế công nghệ cũng dễ bị nhiễm vi-rút do phải tiếp xúc với nhiều người trong quá trình làm việc. Gojek - một trong những nền tảng gọi xe trực tuyến lớn nhất ở Indonesia - đã khóa tài khoản của một trong những tài xế bị nghi ngờ nhiễm COVID-19. Nhưng làm thế nào để tài xế tìm được thu nhập khác vẫn là câu hỏi không lời đáp.

Câu chuyện tương tự đã xảy ra với một người giúp việc gia đình 36 tuổi và người mẹ từ Yogyakarta, cách thủ đô Jakarta khoảng 500km. Người phụ nữ kể: “Tôi không đủ khả năng để tự cô lập (cách ly). Tôi cần phải đi làm. Không có việc làm nghĩa là không có tiền, và không có tiền nghĩa là không có thức ăn cho các con tôi”.

Những trường hợp trên minh họa cho các tình huống khó khăn mà nhiều công nhân phải đối mặt trong đại dịch COVID-19. Họ không đủ khả năng để nghỉ một ngày, đừng nói đến hai tuần.

Đối sách giải quyết khủng hoảng

Theo nhóm chuyên gia từ Đại học Quốc gia Úc ở Canberra và Đại học Gadjah Mada ở Yogyakarta, để giảm thiểu các chính sách gây bất công với người nghèo trong đại dịch COVID-19, chính phủ nên giải quyết các vấn đề cơ bản ngay từ đầu, như tăng cường các chương trình xóa đói giảm nghèo và thiết lập bảo hiểm y tế toàn dân cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Hệ thống bảo hiểm y tế hiện tại của Indonesia vẫn còn bất cập khi yêu cầu mọi người phải trả phí bảo hiểm hằng tháng, điều mà các hộ nghèo có thu nhập bấp bênh khó xoay xở.

Chính phủ cũng cần phân bổ ngân sách để cung cấp các dịch vụ y tế chính cho người nghèo. Những dịch vụ này bao gồm tiếp cận giáo dục sức khỏe, nước uống an toàn, đảm bảo dinh dưỡng, tiêm chủng và điều trị các bệnh truyền nhiễm lẫn không lây nhiễm.
Một trong những chiến lược cần có là cung cấp trợ giúp xã hội và bảo hiểm xã hội cho những người làm việc trong các khu vực phi chính thức trong giai đoạn khẩn cấp này. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ, nhiều người trong số này phải đối mặt với nguy cơ mất thu nhập hoặc mắc bệnh và sau đó lan truyền vi-rút.

Bất kỳ biện pháp y tế công cộng nào nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đều phải được xem xét dưới mọi cấu trúc xã hội và các nền tảng kinh tế khác nhau, để đảm bảo an toàn cho các cộng đồng vốn bị thiệt thòi và dễ tổn thương. Bằng cách củng cố hệ thống phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe quốc gia, chính phủ có thể giúp giữ cho mọi công dân khỏe mạnh cả về thể chất và kinh tế, cũng như bảo vệ những người yếu thế trong đại dịch. 

Tấn Vĩ (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI