1. Hơn 20 năm nay, cứ tầm 5g sáng đến chiều tối, tại góc đường Bàn Cờ cạnh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường 2, quận 3, TPHCM, người đàn bà dáng hao gầy, khuôn mặt góc cạnh điểm những nếp nhăn, tóc điểm muối tiêu, tay chân thoăn thoắt xẻ từng ổ bánh mì, đập đá pha cà phê bán cho khách qua đường. “Chị chủ yếu bán cho giáo viên, bảo mẫu, phụ huynh và học sinh. Năm nay, do dịch COVID-19, trường đóng cửa nghỉ hết mấy tháng, chưa kịp dành dụm thì lại đến tết rồi” - chị Nguyễn Thị Lan, 53 tuổi, tâm sự.
|
Góc mưu sinh hơn 20 năm của chị Nguyễn Thị Lan ở đường Bàn Cờ, phường 2, quận 3 |
Cách đây 30 năm, chị Lan - quê ở tỉnh Bến Tre - nghỉ làm nông, lên Sài Gòn mưu sinh. Ban đầu, chị làm công nhân, giúp việc nhà nhưng hằng tháng, sau khi trừ tiền ăn, tiền phòng trọ, túi chị lúc nào cũng trống rỗng. Chị bỏ ra ngoài buôn gánh bán bưng ở lề đường. Điểm bán không cố định, bị đẩy đuổi chỗ này, chị lại ghé tạm góc đường khác. Thấy chị người miền Tây chân chất, thật thà, người chủ sản xuất bột cà ri gần Trường tiểu học Phan Đình Phùng cho chị gá nhờ một góc vỉa hè trước cửa nhà để kê cái bàn, đặt một xe bánh mì, thùng nước đá để mưu sinh.
Các mặt hàng của chị, từ ổ bánh mì đến thịt, chả lụa, cá mòi, xíu mại, dưa leo đều do chị chọn mua cẩn thận, bảo đảm ngon, an toàn, được bán với giá rẻ nên được nhiều khách hàng, nhất là học sinh, ghé mua. Do mặt bằng được miễn phí nên chị luôn ý thức sắp xếp hàng hóa gọn gàng để không choán lối đi, không cản trở xe lưu thông trên đường. “Hôm nào đông khách, chị lời khoảng 250.000-300.000 đồng. Với chị, thu nhập như vầy đã mừng rồi. Nhờ quầy bánh mì này, con chị năm nay đã học gần xong đại học” - chị Lan khoe.
Trên đoạn đường khoảng 100m, ngoài chị Lan, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cũng bán xôi, mì Ý, khoai tây chiên, mỗi người bán một món, không ai “đụng hàng” ai. “Tết cũng như ngày thường thôi, chị bán đến 28 tháng Chạp mới nghỉ. Mình đâu có tiền thưởng tết, tự làm nên ráng làm đến cận tết, kiếm được đồng nào hay đồng nấy em ơi” - chị Lan tâm sự.
2. Đầu tháng Chạp này, các xóm trọ ở phường 15, quận Tân Bình của những công nhân đang làm việc ở khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM, của những người bán hàng rong, vé số, không khí vắng vẻ, đìu hiu. Từ khi dịch COVID-19 tràn về đến nay, công nhân thất nghiệp nhiều nên phòng trọ vắng hẳn người thuê. Theo ghi nhận của chúng tôi, dịp tết này, nhiều người buôn gánh bán bưng, đánh giày, bán vé số quê ở miền Trung, miền Bắc tranh thủ đặt vé xe về quê sớm hơn mọi năm. Có người đặt vé về quê từ mùng Mười tháng Chạp để có giá rẻ hơn so với những ngày cận tết. Ngược lại, không ít người quyết định không về quê, ở lại Sài Gòn mong kiếm thêm thu nhập, bù cho những tháng ngày làm ăn bết bát do dịch.
|
Chị Hiền cùng hai con nhỏ thường cùng nhau đi bán vé số vào buổi tối trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình |
“Năm nay, em bán vé số xuyên tết” - chị Trần Thị Hiền, 30 tuổi, ở trọ trong một con hẻm đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình, cho biết. Quê chị Hiền ở tỉnh Hà Nam, cha mẹ mất sớm, gia cảnh nghèo nên sáu năm trước, chị vào Sài Gòn lập nghiệp, sau đó gặp và kết hôn. Chồng chị quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vợ chồng chị thuê căn trọ rộng khoảng 10m2 với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Lương công nhân may của chị cộng với tiền công phụ hồ của chồng chỉ đủ trang trải cái ăn hằng ngày.
Khi một bé gái, một bé trai lần lượt chào đời, cuộc sống của chị càng khó khăn hơn. Không biết gửi con nhỏ cho ai, chị phải nghỉ việc, ở nhà trông con, chấp nhận mất một nguồn thu nhập. Giáp tết năm trước, thấy con trai mười tháng tuổi hay khó thở, quấy khóc về đêm, chị mang con đến bệnh viện khám, mới hay con bị hở van tim, cần phải mổ. Bình thường, thu nhập đã không đủ ăn, đủ mặc, giờ thêm con bị bệnh nặng, anh chị lâm vào bế tắc.
Cũng may, biết được hoàn cảnh của chị, chính quyền đã giúp vợ chồng chị làm giấy đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú, khai sinh cho con; các nhà hảo tâm gần xa cũng giúp con chị khoản chi phí mổ tim 80 triệu đồng. Sau ca mổ tim, con trai chị dần hồi phục sức khỏe, phát triển bình thường. “Khi con em khỏe rồi, buổi tối, em đẩy hai đứa con đi bán vé số ở khu vực chợ Tân Trụ, Tân Sơn. Tết này là cái tết thứ bảy, tụi em không về quê ăn tết. Em sẽ ráng ở lại Sài Gòn, tranh thủ lúc bạn hàng bán vé số về quê hết để bán vé số, hy vọng sẽ kiếm được ít tiền để sang năm cho con gái lớn đi học mẫu giáo” - chị Hiền nêu dự tính.
|
Shop 0 đồng phục vụ công nhân, lao độ ng nghèo ở phường 15, quận Tân Bình, TPHCM |
3. Từ tháng 8/2020, khoảng 8-10g sáng Chủ nhật, một shop quần áo, sữa, gạo được mở tại điểm sinh hoạt văn hóa của khu phố 10 trên đường Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình. Những bộ quần áo mới được trưng bày trên các giá, kệ như trong shop quần áo, siêu thị. Điều đặc biệt là quần áo ở đây được bán với giá 0 đồng. Ngoài các bộ quần áo tự chọn, người bán vé số, công nhân còn được tặng gạo, sữa, mì tôm, nước tương.
“Tính đến nay, shop “người thiếu đến nhận, người dư đến cho” này đã được duy trì 22 phiên. Nguồn hàng do hội viên phụ nữ, người dân, doanh nghiệp đóng góp nhằm chia sớt khó khăn với các đối tượng công nhân nhà trọ, người lao động làm nghề tự do. Tết này, shop tăng cường nhiều mặt hàng để những người khó khăn không cần phải mua áo mới và các nhu yếu phẩm” - chị Huỳnh Thanh Trúc, Chủ tịch Hội LHPN phường 15, quận Tân Bình, cho biết.
Tại shop này, ngày 22 tháng Chạp tới đây, UBND và Hội LHPN phường sẽ tổ chức ngày hội gói bánh tét để tặng các chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhân đó tặng quà cho các chị không có điều kiện về quê đón tết.
Hoài An