Người nấu, người dọn, ai cực hơn?

23/02/2023 - 12:47

PNO - Hãy thử “dòm vào bếp” một số gia đình hiện đại để “soi” xem có những chuyện vui chuyện lạ nào!

Nhiều ông chồng khoe tài nấu ăn ngon, “dìm hàng” bà vợ không thương tiếc trước mặt người quen, bạn bè. Vậy nhưng vợ của những ông chồng quý báu này không hề muốn chồng vào bếp. Lý do: mỗi lần ông “quậy”, thì bà lập tức thành osin, bươn bả từ chợ tới bồn rửa rau, căn bếp thì hệt… bãi chiến trường. “Bãi chiến trường” ấy ai dọn? Bà chứ ai!

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Cũng không cần nói cách đánh giá của xã hội hiện đại khác xa quan niệm xưa đàn bà quanh quẩn xó nhà; vì đàn bà giờ đã có người bay vào vũ trụ, chinh phục nóc nhà thế giới. Còn đàn ông chăm con, đi chợ, nấu ăn giờ được khen là… đẹp, tử tế, đầy hấp dẫn với phái nữ, giành được thiện cảm của xã hội. Ở nhiều mái nhà Việt ngày nay, đang bữa cơm mà đứa con nhỏ đòi đi tè và ông ba đứng dậy phục vụ con trong khi mẹ nó vẫn ngồi ăn là chuyện bình thường.

Hãy thử “dòm vào bếp” một số gia đình hiện đại để “soi” xem có những chuyện vui chuyện lạ nào!

Nhà trí thức nọ, bà vợ đau ốm nên ông chồng vào bếp, đi chợ. Ông lại khoái đi xe đạp như tập thể dục, đôi khi vội cứ dựng xe vào góc tường, gốc cây nào đó không sợ mất, rất tiện. Bữa đó nhà có giỗ, ông lại dựng xe vào chợ, ra về tay xách nách mang, chẳng may vướng bó hoa to dài nên xe ngã, người té.

Người bảo vệ chợ chạy đến đỡ ông dậy, nhìn ông với vẻ thông cảm, hỏi khẽ: “Anh… độc thân phải không?”. Ông chồng vui tính đáp: “Dạ, bà xã tui… chết cả chục năm rồi”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Về nhà, ông kể lại sự việc cho vợ nghe. Nếu bình thường như nhà khác, bà vợ hoặc sẽ tủi thân hoặc cãi nhau ngay. Đằng này bà vợ cười cười: “Báo cho ông một tin buồn. Người Việt Nam ta hay nói, đứa nào bị trù ẻo thì nó… sống lâu lắm. Ông chuẩn bị hầu dài dài nha”.

Chuyện chưa dừng ở đó. Bà vợ đau ốm không vào bếp thường xuyên được, lẽ thường phải chịu nhường nhịn. Nhưng không, tính bà ngăn nắp, sạch sẽ nên hễ đỡ mệt là ra lau dọn bếp - nơi ông chồng để lại cả “bãi chiến trường”.

Bà bảo: “Nấu bếp đâu phải cứ nấu xong là xong. Việc quan trọng là biết định liệu, trước khi ra chợ phải biết nhà còn gì, phải mua gì. Đằng này mở cái tủ lạnh ra là… muốn xỉu. Dọn cái tủ lạnh xong, dọn cái bếp, lau rửa kỳ cọ phải cả tiếng. Có lúc phát bực phát điên. Ốm đau mà quá là… tập thể dục, phải như lực sĩ có thần kinh tốt nữa (là bà ta nghĩ thế). Thế thì nhà đó ai là đầu bếp nhỉ?

Chồng nấu, vợ dọn (hoặc ngược lại vợ nấu, chồng dọn) không biết cái nào mệt hơn. Có bà thì la toáng lên. Có bà thì âm thầm dọn dẹp vì nghĩ nếu cằn nhằn thì mai mốt ổng không phụ nữa, mình sẽ mệt mà nhà cũng mất vui.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Nếu nghe chuyện nhà bên cạnh nữa có thể thấy giống giống. Cô con gái chê mẹ “nấu hoài ăn phát ngán một kiểu” nên cô tra trên mạng, trổ tài sáng tạo làm bánh đãi khách. Cô đi chợ, pha trộn, đánh trứng, đổ khuôn kiểu trang trí bông hoa rất cầu kỳ đẹp mắt. Mẹ phụ bên cạnh lúc thì lấy muỗng, khi rửa cái khuôn, dao thớt, lúc lại lặt rau thơm, xay tiêu tỉ mỉ.

Đến bữa tiệc, ai cũng khen cô gái khéo, bánh ngon và đẹp quá. Sao mẹ vụng đẻ con khéo. Đâu ai nhìn thấy cái “bãi chiến trường” cô con gái để lại sau khi tiệc tan.

Bà mẹ mất gần nửa buổi dọn dẹp toát mồ hôi nhưng không ai tính công. Nhưng bà “Thôi kệ, con gái mà, nay mai nó đi lấy chồng, còn ai bày ra cho mình dọn nữa”. 

Quảng Yên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI