|
Phụ nữ Chữ thập đỏ đang làm khẩu trang chống cúm ở Chicago (Illinois) vào năm 1918 - Ảnh: USA Today/ Chicago History Museum |
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi mạng sống của gần 256.000 người Mỹ, nhiều thành phố bị phong tỏa, những thử nghiệm vắc-xin đang chạy đua với thời gian. Và thông điệp Lễ Tạ ơn năm 2020 - vào ngày thứ Năm, 26/11 - hẳn sẽ mang một nội dung tương tự.
Brittany Hutchinson, trợ lý giám đốc Bảo tàng Lịch sử Chicago, khẳng định bối cảnh lễ Tạ ơn năm nay đã từng xảy ra vào năm 1918. Ông nói, ngày đó, nhiều người Mỹ cũng phải cách ly kiểm dịch và mang khẩu trang; hàng triệu người cũng thương tiếc người thân qua đời và cảnh báo của các quan chức y tế nhiều thành phố cũng tương tự như ngày nay: Hãy ở nhà và giữ an toàn!
Lễ Tạ ơn năm 1918 là một sự kiện đặc biệt để ăn mừng chiến thắng của Thế chiến I và tập trung dập dịch. Lúc đó, nước Mỹ đang chiến đấu với làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch cúm H1N1, còn được gọi là cúm Tây Ban Nha.
Các ca nhiễm đầu tiên của cúm Tây Ban Nha được phát hiện ở Mỹ tháng 3/1918, sau đó tăng lên theo cấp số nhân vào mùa thu. Đến tháng 10, virus H1N1 đã bùng phát khắp cả nước. Hàng chục thành phố khắp nước Mỹ thực thi lệnh đeo khẩu trang và lệnh giới nghiêm bắt buộc, đồng thời phong tỏa từ 2 đến 3 tuần; tạm thời đóng cửa các trường học, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà thờ, tiệm kem và tiệm nước ngọt. Virus cúm Tây Ban Nha đã giết chết gần 195.000 người Mỹ chỉ riêng trong tháng 10.
Khi lễ Tạ ơn diễn ra, một số thành phố đã ăn mừng việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch cúm - một phần là do các chiến dịch “phản đối thành công” của các nhà bán lẻ, chủ rạp hát, công đoàn, công ty vận tải và hàng loạt các bên liên quan đến kinh tế. Washington, D.C., Indianapolis và Oakland vừa dỡ bỏ các hạn chế vài ngày trước đó, và San Francisco (một điểm nóng phản đối việc đeo khẩu trang) sắp dỡ bỏ quy định về khẩu trang.
Tờ San Francisco Chronicle đăng trên trang nhất ngày 22/11/1918: "San Francisco vui mừng vứt bỏ khẩu trang trong nháy mắt".
|
Trang 7 San Francisco Examiner số ra ngày 23/11 có bài: “Những chiếc khẩu trang cúm sẽ bị vứt bỏ trong lễ Tạ ơn” - Ảnh: USA Today, Influenza Encyclopedia |
Các chuyên gia lịch sử nói, sự phản kháng đối với các biện pháp y tế công cộng không "rầm rộ hoặc phổ biến như ngày nay", vì nhiều quy tắc và quy định này thấm đượm lòng ái quốc trong Thế chiến I và hầu hết mọi người đều tuân theo.
Ở một số thành phố, nghi thức lễ Tạ ơn mang lại cảm giác bình thường. Nhiều người Mỹ trở lại các dịch vụ tôn giáo, thực hiện công việc từ thiện và đi xem các trận bóng đá, tiệc tùng và biểu diễn theo kế hoạch. Tuy nhiên, một số thành phố khác, lễ Tạ ơn vẫn mang màu sắc u ám của đại dịch.
Đến cuối tháng 11, các ca bệnh đã tăng lên ở các thành phố Atlanta, Denver, Louisville, Milwaukee, Omaha, Portland và Richmond. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân "đại dịch lan nhanh là do hội hè" ngày 11/11, sau này được gọi là ngày đình chiến, với hàng triệu người đổ ra đường phố kỷ niệm kết thúc Thế chiến I.
|
Người dân đổ ra đường phố kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất vào ngày 11/11/1918 ở Chicago - Ảnh: USA Today/Chicago History Museum |
Các biện pháp khẩn cấp được ban hành sau đó ở các thành phố St. Louis, Buffalo, Salt Lake City…
Một bài báo trên trang nhất tờ Desert Evening News cho biết: "Do việc kiểm dịch cúm, các lễ hội công cộng trong ngày phải hoãn lại cho đến ngày Giáng sinh, nhưng các dịch vụ lễ Tạ ơn vẫn được tổ chức ở hầu hết mọi nhà".
Các quan chức Los Angeles kêu gọi "Tuần lễ ở nhà" trong lễ Tạ ơn. Tờ Los Angeles Times đã đưa ra lời hiệu triệu trên trang nhất "Hãy nhớ lễ Tạ ơn được xiết chặt, cấm cúm cũng là tạ ơn”.
|
Các tiêu đề báo chí liên quan đến dịch cúm trên một tờ báo năm 1918 ở Chiacago - Ảnh: USA Today/Chicago History Museum |
Thành phố Denver áp dụng lệnh đeo khẩu trang và mới mở thêm ba bệnh viện cấp cứu, đồng thời tuyển mộ gấp y tá. Các nhà thờ dự kiến sẽ tổ chức các lễ Tạ ơn, nhưng "các biện pháp phòng ngừa bổ sung sẽ được thực hiện để đề phòng dịch bệnh lây lan", tờ Rocky Mountain News đưa tin một ngày trước đó.
"Những nỗ lực đặc biệt được thực hiện để cung cấp các hệ thống thông gió cần thiết và đảm bảo việc tham dự các lễ an toàn bất chấp dịch cúm. Tại một số nhà thờ, quạt điện đã được đặt trong khán phòng để thông gió vài phút một lần", theo tờ báo.
Ở nhiều thành phố, các cuộc thi hoa hậu trong lễ Tạ ơn truyền thống được tổ chức ngoài trời. Ở Cincinnati, nơi chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm ở trẻ em và lính cứu hỏa, các em được làm bài tập trong giảng đường lớn, thay vì trong lớp học để "tránh mật độ đông đúc", theo tờ Cincinnati Enquirer ngày 28/11/1918.
Tuy vậy, một số ít các thành phố - trong đó có Cincinnati, Kansas - chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm vào chính lễ Tạ ơn.
Vào mùa thu năm 1918, các nhà khoa học khắp nước Mỹ tập trung nghiên cứu tìm ra vắc-xin cúm và nhiều loại vắc-xin đã được phát triển và sử dụng trong quá trình diễn ra đại dịch. Các nhà nghiên cứu ở New York, Boston, Pittsburgh, New Orleans và Seattle đã phát triển vắc-xin, hàng ngàn người ở những thành phố đó và nhiều người khác đã được tiêm chủng.
Vài ngày trước lễ Tạ ơn, các nhân viên y tế ở Rochester đã khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin có sẵn tại một văn phòng y tế địa phương. Tại thành phố Salt Lake, bệnh viện cấp cứu đã tiêm hơn 100 liều vắc-xin vào ngày 30/11. Đến đầu tháng 12, các phòng tiêm chủng miễn phí đã được thành lập trên toàn thành phố và hàng ngàn người dân đã xếp hàng để được tiêm chủng.
Tuy nhiên, thời đó các nhà nghiên cứu chưa biết cúm là một loại virus. Và vắc-xin được sản xuất là vắc-xin chống vi khuẩn, nên kém hiệu quả. Các loại vắc-xin năm 1918 không ngăn được đợt cúm thứ 3 xảy ra sau kỳ nghỉ lễ.
Đến tháng 1/1919, nước Mỹ hoàn toàn chìm trong đợt dịch cúm thứ 3. Virus lây lan trong suốt mùa đông và mùa xuân, giết chết hàng ngàn người khác. Cuối cùng nó lây nhiễm sang 1/3 dân số thế giới và giết chết khoảng 675.000 người Mỹ, trước khi lắng xuống vào mùa hè năm 1919.
Cẩm Hà (theo USA Today)