Người Mỹ tạo ra nhiều rác thải nhất thế giới

05/07/2019 - 10:00

PNO - Nếu xét trên từng đơn vị dân cư, người Mỹ tạo ra số chất thải trung bình gấp ba lần toàn cầu, bao gồm cả nhựa và thực phẩm.

Theo báo cáo mới nhất của Verisk Maplecroft - công ty nghiên cứu chuyên về rủi ro toàn cầu, sử dụng dữ liệu công khai, cộng với nghiên cứu học thuật để phát triển một bức tranh chung về cách các quốc gia đối phó khủng hoảng môi trường - mỗi năm, thế giới tạo ra hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn đô thị, đủ để lấp đầy khoảng 800.000 bể bơi có kích cỡ Olympic. Chất thải rắn đô thị là rác được thu gom từ các nguồn dân cư, phần lớn trong đó là nhựa.

Nguoi My tao ra nhieu rac thai nhat the gioi
Hôm 2/7, các quan chức Indonesia thông báo, họ sẽ gửi trả 49 lô hàng rác thải về "nguyên quán"

Trong 2,1 tỷ tấn rác, chỉ có 16% được tái chế, còn 46% được xử lý bằng các biện pháp không bền vững. Thống kê cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 36% dân số toàn cầu và thải ra 27% tổng lượng chất thải. Tuy nhiên, nếu xét trên từng đơn vị dân cư, người Mỹ tạo ra số chất thải trung bình gấp ba lần toàn cầu, bao gồm cả nhựa và thực phẩm. Không chỉ vậy, khi nói đến tái chế, Mỹ hoàn toàn tụt hậu so với các nước khác, với mức tái sử dụng chất thải rắn là 35%. Trong khi đó, Đức là quốc gia “sống xanh” nhất với tỷ lệ tái chế 68%.

Trung bình, mỗi người dân Mỹ tạo ra 773kg rác thải/năm và quốc gia này thải khoảng 12% tổng số rác toàn cầu, cao gấp ba lần so với Trung Quốc và gấp bảy lần so với Ethiopia. Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp và Đức, cũng góp mặt trong danh sách “đen” về rác. Dễ nhận thấy, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất có lượng chất thải vượt xa khả năng tái chế. Khi nói đến việc tái chế ở Mỹ, vấn đề dường như xuất phát từ ý chí chính trị và cơ sở hạ tầng.

Will Nichols - người đứng đầu nhóm nghiên cứu môi trường tại Verisk Maplecroft - cho biết: "Sau khi Trung Quốc ngừng tiếp nhận rác, rất nhiều chất thải của Mỹ bị tiêu hủy bằng cách đốt, vì quốc gia này không đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giải quyết vấn đề này". Việc cấm nhập khẩu chất thải ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang thay đổi bộ mặt môi trường toàn cầu. 

Mới đây, chính phủ Canada phải xem xét nhận lại 69 container rác thải từ Philippines. Tương tự, hôm 2/7, giới chức Indonesia cho biết, họ sẽ gửi trả 49 lô hàng rác đô thị từ Mỹ, Úc, Pháp, Đức và Hồng Kông về "nguyên quán".

Ông Will Nichols nhận định: "Các nước châu Á không muốn trở thành bãi rác của thế giới nữa. Tại Trung Quốc, tầng lớp trung lưu đang phát triển không hài lòng với mức độ ô nhiễm và do đó, tình hình chính trị buộc nhà cầm quyền đưa ra chính sách để giải quyết các vấn đề này nhanh hơn các vấn đề khác".

Verisk Maplecroft mong muốn các chính phủ hành động nhiều hơn về chuyện lãng phí tài nguyên và xử lý rác thải. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp xem chừng vẫn muốn trốn tránh trách nhiệm với môi trường. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI