Người Mỹ phải tiếp tục chờ vị nữ tổng thống đầu tiên

08/11/2024 - 09:37

PNO - Giống như ứng viên Hillary Clinton năm 2016, bà Kamala Harris đã có cơ hội trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ Phòng Bầu dục nhưng đã vấp ngã ở rào cản cuối cùng.

Trong khi chiến thắng của ông Donald Trump được xem là ngoạn mục thì nhiều nhà quan sát cũng coi sự kỳ thị phụ nữ là một yếu tố trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong các chiến dịch tranh cử song phương của mình, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đã đưa ra tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về địa vị và quyền của phụ nữ.

Cựu Tổng thống Trump đã tìm cách truyền bá hình ảnh cực kỳ mạnh mẽ và nam tính. Ông và những người đại diện cho chiến dịch của mình cũng đưa ra nhiều bình luận bị chỉ trích là xúc phạm hoặc coi thường phụ nữ. Ông gọi bà Harris là “điên rồ”, “khuyết tật về mặt tinh thần” và tuyên bố bà sẽ “không làm được gì” trước các nhà lãnh đạo thế giới khác nếu được bầu.

Tuy nhiên, ông Donald Trump cũng cho biết mình là “người bảo vệ” phụ nữ, sẽ bảo vệ phụ nữ dù họ “có thích hay không”.

Phó tổng thống Kamala Harris thừa nhận thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình - Nguồn ảnh: Aljazeera
Phó tổng thống Kamala Harris thừa nhận thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình - Nguồn ảnh: Aljazeera

Ngược lại, bà Kamala Harris lại dựa rất nhiều vào những người nổi tiếng nữ như Beyoncé, Jennifer Lopez, Lady Gaga và Oprah Winfrey đặt cược rằng họ sẽ giúp bà tiếp cận cả những cử tri nữ bảo thủ.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử, bà đã đưa việc bảo vệ quyền phụ nữ và đặc biệt là quyền phá thai, trở thành một trong những nền tảng trong chiến dịch của mình. Song điều này dường như không thuyết phục được nhiều phụ nữ có quan điểm bảo thủ.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, phá thai không phải là vấn đề mạnh mẽ và gây xúc động để giành được phiếu bầu như trong cuộc bầu cử giữa năm 2022 - nơi nó được ghi nhận là đã đánh bại làn sóng Cộng hòa. Là phụ nữ, bà Harris trở thành người ủng hộ hoàn hảo cho quyền sinh sản nhưng lợi thế đó dường như không đáng kể.

Sự thất bại của bà Harris khiến Mỹ vẫn nằm trong cùng một nhóm với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới khi chỉ 7% trong số 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc có phụ nữ đứng đầu chính phủ. Và cũng chỉ có 30% trong số 193 quốc gia đó từng có lãnh đạo là phụ nữ.

Trung tâm Phụ nữ và Chính trị Mỹ nói bà Harris là một người gây quỹ đáng gờm và có khả năng kết nối với cử tri. “Thật không may, cuộc đua này cũng là ví dụ điển hình cho nghiên cứu về những trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt khi ra tranh cử, trong đó chủ yếu là kỳ vọng không bình đẳng đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu”.

Phụ nữ đã nắm giữ “mọi chức vụ chính trị ở Mỹ, ngoại trừ một chức vụ” - báo cáo nêu.

Thảo Nguyễn (theo AFP, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI