Người Mỹ nhập cư thà chịu bạo lực ngầm, còn hơn là bị trục xuất

04/06/2017 - 06:00

PNO - Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy những người nhập cư bị tấn công tình dục và bạo hành gia đình đang lảng tránh cảnh sát và từ bỏ các vụ kiện tụng.

Có bằng chứng về những lời đe dọa của chồng, nhưng một phụ nữ giấu tên lại chỉ dám gọi điện cho Đường dây nóng về Bạo lực Gia đình Quốc gia nhờ giúp đỡ.

Nguoi My nhap cu tha chiu bao luc ngam, con hon la bi truc xuat
 

Cô không muốn liên quan đến luật pháp, bởi anh ta là công dân Hoa Kỳ, còn cô chỉ được phép ở lại nước này nhờ chương trình DACA (tức Tạm Hoãn Thi Hành (Lệnh Trục Xuất) Những Người (Đến Hoa Kỳ) Từ Thơ Ấu) của Tổng thống Barack Obama. Rõ ràng, cô không muốn gặp bất kỳ rắc rối nào để bị trục xuất.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Theo một điều tra vừa được công bố ở 46 tiểu bang và bang Columbia, người nhập cư ngày càng không muốn báo cáo về bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục do lo sợ bị trục xuất dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tháng 4 vừa rồi, một liên hiệp các tổ chức quốc gia làm việc để chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực tình dục đã tiến hành "Khảo sát về Dịch vụ pháp lý và Luật sư cho người nhập cư", cho ra dữ liệu cứng về sự thay đổi mà chính sách nhập cư tác động đến khách hàng.

Gần 80% luật sư cho biết, người nhập cư rất lo ngại về việc liên lạc với cảnh sát, 43% nói họ đã làm việc với các cá nhân từng từ bỏ một vụ án dân sự hoặc hình sự vì quá sợ hãi để tiếp tục. 3/4 số người được hỏi thừa nhận rằng dân nhập cư rất sợ phải ra tòa.

Phát hiện của cuộc khảo sát đã chứng minh dự đoán của luật sư và các nhà lãnh đạo: Chính sách nhập cư của Tổng thống Trump đang biến người nhập cư thành nạn nhân của bạo lực ngầm.

Monica McLaughlin, phó giám đốc chính sách công tại Mạng lưới Quốc gia Chấm dứt Bạo lực Gia đình, nói: "Là nạn nhân của bạo lực thì rất đáng sợ, nhưng bị giam giữ và trục xuất cũng tệ không kém. Càng sợ liên quan đến luật pháp, nạn nhân càng dễ bị cô lập và làm tổn thương.”

Trong tuần đầu tiên làm Tổng thống, Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp tạo cơ hội cho các cơ quan nhập cư, quyết liệt mở rộng phạm vi trục xuất và kêu gọi thực thi pháp luật ở mỗi địa phương hướng tới việc thực thi nhập cư liên bang.

Sau 100 ngày đầu tiên dưới chính quyền Trump, tỷ lệ bắt giữ người nhập cư tăng gần 40%.

Nguoi My nhap cu tha chiu bao luc ngam, con hon la bi truc xuat
 

Sự việc một phụ nữ chuyển giới, nhập cư trái phép, bị bắt trong một tòa án ở Texas ngay trong khi nhờ công lý chống lại bạn trai cũ của cô đã gây hoảng sợ cho các nạn nhân.

Theo McLaughlin, "nếu tòa án bị coi là một nơi nguy hiểm, hành vi của con người sẽ thay đổi. Trong thực tế, khi nạn nhân từ chối gọi cảnh sát, điền báo cáo, và hợp tác với chính quyền, họ có thể bị "lạm dụng một cách vô cớ".

Katie Ray-Jones, Giám đốc điều hành của Đường dây nóng về Bạo lực Gia đình Quốc gia, cho biết, nhiều nạn nhân gọi tới để bày tỏ lo lắng về việc làm thế nào để được trợ giúp mà không gây nguy hiểm cho chính họ.

Bà nói: "Vốn dĩ các nạn nhân của bạo lực đã chịu rất nhiều áp lực rồi. Tôi cảm thấy nản lòng khi họ phải lo sợ nhiều đến vậy."

Những kẻ lạm dụng có thể tận dụng nỗi sợ hãi đó, đe dọa đưa nạn nhân của chúng cho các cơ quan nhập cư nếu họ báo cáo lạm dụng.

Tuần trước, cảnh sát đã bắt giữ một luật sư biện hộ ở Baltimore vì nghi ngờ ông này đe dọa trục xuất một nạn nhân ra làm chứng.

Ở Los Angeles, số lượng báo cáo về hiếp dâm của dân gốc Latin giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở Houston giảm 42.8%.

Rosie Hidalgo, Giám đốc Chính sách Công của Casa de Esperanza, bày tỏ: "Sự rối loạn gia tăng giữa việc thực thi pháp luật địa phương và thực thi nhập cư liên bang làm xói mòn các nỗ lực lập pháp và gây ảnh hưởng xấu đến an toàn chung của cộng đồng.”

David Alan Sklansky, giáo sư đại học Stanford kiêm cựu công tố viên liên bang nói: "Trật tự phải được thực hành dựa trên niềm tin. Nếu nạn nhân lo sợ khi báo cáo về tội phạm hoặc hợp tác với cảnh sát trong việc điều tra tội phạm, thì cảnh sát không thể làm công việc của họ. Bạn không thể giữ an toàn cho thành phố khi nạn nhân và nhân chứng không tin tưởng bạn."

Ngọc Anh (theo Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI