Người Mỹ lo chính sách thuế ảnh hưởng xấu đến cuộc sống

11/04/2025 - 06:30

PNO - Trong tuần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên hàng hóa của nhiều quốc gia, người tiêu dùng tại Mỹ đã tìm cách tích trữ hàng hóa vì lo ngại giá cả leo thang.

Tranh thủ mua hàng

Từ lâu, Charlene và Phil Willingham đã có dự định thay thế các thiết bị gia dụng đã 20 năm tuổi trong bếp của họ. Trước viễn cảnh giá cả tăng cao, họ xem đây là thời điểm thích hợp để thực hiện. Vợ chồng Willingham (đều đã nghỉ hưu) đến một cửa hàng ở vùng ngoại ô thành phố Chicago với danh sách mua sắm khá dài: bếp, tủ lạnh, lò vi sóng và máy rửa chén.

Bà Willingham (64 tuổi) cho biết: “Chúng tôi dự định đổi dần các thiết bị gia dụng, nhưng vì mức thuế mới nên tôi muốn mua tất cả chúng ngay bây giờ, trước khi tăng giá”. Khi được hỏi về việc tăng thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, bà nhận xét: “Nó như châm ngòi cho một cuộc chiến”.

Nhiều người Mỹ đã tranh thủ mua sắm trước khi mức thuế mới khiến hàng hóa tăng giá  - ẢNH: MARK ABRAMSON (The New York Times)
Nhiều người Mỹ đã tranh thủ mua sắm trước khi mức thuế mới khiến hàng hóa tăng giá - ẢNH: MARK ABRAMSON (The New York Times)

Tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý ô tô, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng giảm giá lớn trên khắp nước Mỹ, nhiều người đang chạy đua để mua sắm trước kế hoạch áp thuế mới. “Sự hoảng loạn đủ khiến tôi muốn mua hàng” - Shali Santos (28 tuổi) chia sẻ sau khi tích trữ các mặt hàng thiết yếu với số lượng lớn như nước, xà bông, nước súc miệng từ một cửa hàng tại quận Los Angeles, bang California.

Shali nhận thấy, nhiều người xung quanh cô dường như đang tích trữ nhiều hơn bình thường các mặt hàng thiết yếu. Tại một siêu thị ở New York, Anastasia Nevin cho biết hiện cô đang ở “chế độ sinh tồn”.

Người phụ nữ chia sẻ, với 2 đứa con, cô đang cố gắng xoay xở. Mọi thứ thật khó khăn và cô có thể sẽ phải cắt giảm chi tiêu nếu giá cả tăng cao hơn nữa. Các hộ gia đình tại Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng lớn bởi lạm phát cao sau COVID-19 và giá cả hầu như không giảm trong những năm tiếp theo, chúng chỉ tăng chậm hơn khi lạm phát hạ nhiệt.

Một số người tiêu dùng khác cho biết thói quen mua sắm của họ không thay đổi sau các thông báo về thuế, phần lớn là vì họ kiên nhẫn và tin tưởng vào “trò chơi dài hạn” của Tổng thống Donald Trump. Theo họ, bất kỳ “nỗi đau” ngắn hạn nào, bao gồm cả khả năng tăng chi phí sinh hoạt, đều sẽ được giải quyết.

Gregg Harris (61 tuổi) chia sẻ khi mua thực phẩm tại một cửa hàng ở thành phố Nashville, bang Tennessee: “Tôi tin rằng kinh tế sẽ phục hồi”. Tuy nhiên, hầu hết đều bày tỏ sự không chắc chắn về cách thức chính xác mà các mức thuế sẽ tác động đến cuộc sống hằng ngày.

Tại một cửa hàng Target ở vùng ngoại ô thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Mitchell Kwapick (28 tuổi) trả lời khi chọn mua quà sinh nhật cho cháu trai: “Tổng thống đang đưa ra rất nhiều sự thay đổi. Điều đó có thể đem đến triển vọng mới, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều thứ khiến tôi lo lắng ngay bây giờ”.

Chính sách thuế mới sẽ tác động đến giá cả

Hơn 2.000 người tiêu dùng được Liên đoàn Bán lẻ quốc gia khảo sát. Có 76% người tin rằng thuế quan sẽ tác động đến giá cả, trong khi 37% cho rằng các chính sách của chính phủ sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại, 75% mong đợi chính phủ ưu tiên giảm giá hàng thiết yếu trong năm 2025.

Theo một cuộc khảo sát với 1.645 người tiêu dùng do Công ty YouGov thực hiện vào tháng Ba, người Mỹ gần như chia đều quan điểm về việc thuế quan sẽ gây tổn hại nhiều (38%) hay ít (31%) cho họ.

Phân tích từ Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale thuộc Đại học Yale (bang Connecticut) cho thấy, ước tính chính sách thuế mới đối với hàng nhập khẩu sẽ khiến một hộ gia đình trung bình tại Mỹ mất 3.800 USD vào năm 2025, với các tác động đến quần áo và hàng dệt may.

Nhà phân tích Mike Baker của ngân hàng đầu tư D.A. Davidson cho biết, thực phẩm thô có khả năng phải đối mặt với mức tăng giá lớn và nhanh, trong khi thực phẩm đóng gói và chế biến sẽ có mức giá tốt hơn. Hàng hóa có thời hạn sử dụng dài hơn (như đồ gia dụng) có thể đã được người tiêu dùng dự trữ trước khi chính sách thuế mới có hiệu lực và thường cần nhiều thời gian hơn để tăng giá. Các nhà bán lẻ lớn như Costco, Target và Walmart sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ ít có khả năng được các nhà cung cấp nhượng bộ.

Là nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, Walmart phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới. Doug McMillon - Giám đốc điều hành của Walmart - thừa nhận sự không chắc chắn về tương lai. Trả lời một trong nhiều câu hỏi về chính sách thuế, ông cho biết: “Có rất nhiều biến số tác động đến chi phí, nguồn cung ứng. Chúng ta sẽ phải quản lý điều này như chúng ta vẫn làm hằng ngày”.

Hiện Tổng thống Trump đã tạm dừng thuế đối ứng trên toàn thế giới trong 90 ngày ngoại trừ việc tăng thuế đối với Trung Quốc lên 125%. John David Rainey - Giám đốc tài chính của Walmart - nhấn mạnh, 2/3 những gì Walmart bán tại Mỹ được sản xuất, trồng hoặc lắp ráp trong nước, con số này bao gồm cả hàng tạp hóa, thường có biên độ lợi nhuận thấp hơn. 1/3 còn lại đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc và Mexico.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho lễ Phục sinh (ngày 20/4/2025) dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 5% khi họ mua sắm kẹo và quà tặng để ăn mừng bất chấp những lo ngại về lạm phát cao và bất ổn kinh tế.

Theo một báo cáo của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia vào ngày 8/4, người mua sắm dự kiến ​​sẽ chi khoảng 23,6 tỉ USD cho mùa lễ năm nay (tăng so với mức 22,4 tỉ USD vào năm 2024). Các cửa hàng giảm giá được coi là điểm đến hàng đầu cho hoạt động mua sắm lễ Phục sinh.

Linh La (theo The New York Times, USA Today, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI