Người Mỹ gốc Á vẫn đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc

08/09/2021 - 06:09

PNO - Ngày nay, sự thành công của người Mỹ gốc Á đã trải đều trên tất cả lĩnh vực. Ngay trong nghệ thuật hàn lâm, các nghệ sĩ nhạc cổ điển xuất thân từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đoạt được những giải thưởng cao quý. Tuy nhiên, hào quang đó lại đang che khuất một thực tế: Nhiều đồng nghiệp khác thường xuyên đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc.

Do bạn không đủ... “trắng”

Làn sóng ác cảm với người châu Á lên cao trào ở Mỹ đầu năm nay hệt như giọt nước tràn ly với David Kim, thành viên dàn nhạc giao hưởng San Francisco. Một người Mỹ gốc Hàn như anh càng xác thực hơn về nỗi thất vọng từ lâu của mình. Theo Kim, sự kỳ thị khá phổ biến trong giới âm nhạc cổ điển. Nghệ sĩ vĩ cầm gốc Á thường bị gạt ra bên lề, bị đối xử “như một robot chơi nhạc”.

Các đồng nghiệp da trắng chiếm 83% trong dàn nhạc và họ không chia sẻ sự có mặt của Kim trong nỗ lực xây dựng một nền văn hóa đa dạng những người chơi đàn gốc Á, Phi hay Mỹ Latinh.

Vào tháng 3/2021, Kim đã rút lui khỏi dàn giao hưởng với tư cách nghệ sĩ da màu duy nhất ở đó. “Tôi cảm thấy mình vô hình. Đôi khi việc chơi nhạc lại càng làm tôi thêm quẫn trí. Tôi đã đánh mất niềm đam mê âm nhạc của mình”, anh tức  giận nói.

David Kim rút lui với tư cách nhạc sĩ da màu duy nhất của dàn nhạc giao hưởng San Francisco vì cảm thấy bị kỳ thị - ẢNH: NYT
David Kim rút lui với tư cách nhạc sĩ da màu duy nhất của dàn nhạc giao hưởng San Francisco vì cảm thấy bị kỳ thị - Ảnh: NYT

Ngay cả một số nghệ sĩ thành công nhất cũng xác nhận không khí phân biệt chủng tộc thường xuyên ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ. Sumi Jo, 58 tuổi, một giọng nữ cao nổi tiếng gốc Hàn Quốc, kể rằng bà đã từng bị hủy vai diễn vì đạo diễn cho rằng bà “không đủ da trắng”. “Nếu là người châu Á và muốn thành công, chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn gấp 100 lần, đó là điều chắc chắn”, bà khẳng định.

Người gốc Á vẫn cảm thấy là thiểu số ngay tại Silicon

Hơn ai hết, các công ty công nghệ đánh giá cao sự đa dạng, hòa nhập. Thung lũng Silicon là điển hình của sự tiến bộ trong cách đối xử với người Mỹ gốc Á vốn chiếm 1/4 dân số phía Bắc California. Alphabet, DoorDash và Zoom đều có CEO là người châu Á. Facebook thậm chí có số nhân viên gốc Á nhiều hơn người da trắng. Thế mà, ngay cả ở đây, câu chuyện kỳ thị còn phức tạp và gây nản lòng hơn.

Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ gốc Á, phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử. Chúng ẩn dưới nhiều dạng, như bị gán cho hình ảnh khiêu dâm, bị mặc định châu Á thì chắc “phải giỏi lập trình lắm”, hoặc hiệu suất làm việc bị đánh giá thiên về chức danh hơn là những điều đã thể hiện. Nạn phân biệt chủng tộc bám lấy họ từ những ngày đầu sự nghiệp cho đến khi vào vị trí quản lý trung cấp, kể cả giám đốc điều hành.

Thung lũng Silicon vẫn là nơi xảy ra bất bình đẳng thu nhập của nhân viên công nghệ người Mỹ gốc Á. Họ bị “phân loại” kinh nghiệm gắt gao từ lúc còn là thực tập sinh cho đến những người may mắn lọt vào vị trí lãnh đạo cấp cao.

Tại Facebook, với chu kỳ thăng cấp hai lần một năm, Ren đã nhận được những đánh giá hết sức cảm tính. “Chị không giành được sự tôn trọng của cấp dưới”, một quản lý nói với cô trong một cuộc họp và đặt vấn đề liệu Ren có đáng tin cậy hay không? Theo nữ kỹ sư, với tấm bằng Đại học Nam California, nơi cô nhận học bổng toàn phần, đã tự học lập trình kèm nhiều năm kinh nghiệm, thì đó là một câu hỏi nực cười. Nhưng tất cả dường như không quan trọng bằng “suy nghĩ” của quản lý cấp trên. Ren đã chọn rời khỏi Facebook, thay cô là một người đàn ông da trắng. 

Điều tra của chính phủ năm 2016 phát hiện Palantir Technologies Inc. (nhà thầu quốc phòng khai thác dữ liệu) đã nhận hơn 130 đơn xin việc kỹ sư với 73% là người châu Á, nhưng công ty chỉ thuê bốn ứng viên gốc Á. Công ty này đã phải trả 1,66 triệu USD vì cáo buộc phân biệt đối xử. Vào tháng 2/2021, Google phải trả 3,8 triệu USD cho vụ kiện tương tự vì phân biệt đối xử với ứng viên châu Á cho vị trí kỹ sư phần mềm. 

Nam Anh (theo NYT, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI