Người Mỹ gốc Á tìm tiếng nói chung chống nạn kỳ thị

19/04/2021 - 06:07

PNO - Hiện có 20 triệu người gốc Á ở Mỹ, đến từ hơn 20 quốc gia. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, bất chấp sự khác biệt lớn về sắc tộc, thế hệ và văn hóa, người gốc Á đã tìm thấy điểm chung, đó là bị phân biệt đối xử.

Một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á tại quảng trường Union ở San Francisco vào ngày 27/3
Một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á tại quảng trường Union ở San Francisco vào ngày 27/3

Bị bạo hành từ thể xác đến tinh thần

Một buổi sáng tháng Hai, Natty Jumreornvong - người Thái Lan, đến Mỹ học đại học - đang đi bên ngoài Bệnh viện Mount Sinai ở New York thì một người đàn ông đến gần và gọi cô là “vi-rút Trung Quốc”. Natty nói với anh ta rằng mình là sinh viên y khoa và cố gắng bỏ đi, nhưng người đàn ông này vẫn đi theo rồi đá vào đầu gối, kéo lê cô trên mặt đất. Natty đã kêu cứu nhưng không ai  giúp đỡ.

Việc căm ghét người châu Á càng lúc càng tăng trong hai năm nay. Tháng 4/2020, một phụ nữ có con đã nhổ nước bọt vào Natty và chửi cô với những lời tục tĩu về chủng tộc. Các bệnh nhân lớn tuổi cũng gọi Jumreornvong là “Cúm Kung”, thậm chí cô thấy nhiều người châu Á khác có vết bầm, họ nói bị đánh nhưng không nói ai đánh, có thể do xấu hổ. 

Kể từ vụ tấn công hồi tháng Hai, Jumreornvong đã lên tiếng phản đối sự căm ghét người châu Á. Cô đã viết một bài báo về trải nghiệm của mình, tập hợp các sinh viên khác để thúc đẩy trường y nơi cô học nhìn nhận nghiêm túc về sự phân biệt đối xử đối với người châu Á. Cô cũng đã phát biểu chống lại sự căm ghét người châu Á tại một cuộc biểu tình của các nhân viên y tế thành phố New York.

Jumreornvong cho biết, mình đã nhận được những tin nhắn thù hận trên mạng vì dám công khai về trải nghiệm của bản thân. Nhưng nhiều người đã liên hệ và nói với cô rằng, chia sẻ của cô đã tác động đến họ và họ bắt đầu lên tiếng. “Chia sẻ những câu chuyện của bản thân cũng là một cách thể hiện sự phản đối mạnh mẽ. Nếu không, mọi người nhầm tưởng rằng, sự thù ghét không tồn tại” - cô nói.

Người Mỹ gốc Á xích lại gần nhau hơn

Jumreornvong chỉ là một phần của phong trào ngăn chặn bạo lực chống người châu Á ở Mỹ khi số vụ việc liên quan đến thù hận tăng lên đến mức đáng báo động trong thời gian qua. Theo báo cáo của Stop AAPI Hate - một tổ chức phi lợi nhuận đã theo dõi các vụ chống người châu Á kể từ khi bắt đầu đại dịch - có ít nhất 3.800 vụ người gốc Á bị đánh hoặc chửi rủa.

Vài tuần qua, có hàng chục cuộc biểu tình chống lại sự kỳ thị chủng tộc đối với người châu Á trên khắp nước Mỹ. Các chiến dịch lan truyền nhận thức về vấn đề này thu hơn 25 triệu USD quyên góp cho các nhóm ủng hộ người Mỹ gốc Á và quần đảo Thái Bình Dương. John Yang - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Advance Justice, nhóm vận động ủng hộ người Mỹ gốc Á - cho biết: “Trong thời điểm này, bạn thấy những người Mỹ gốc Á xích lại gần nhau hơn bởi tất cả đều nhận ra nỗi đau chung. Chúng tôi hiểu cảm giác bị dán nhãn là người nước ngoài, bất kể chúng tôi được sinh ra ở nước Mỹ”.

Manjusha Kulkarni - Giám đốc điều hành của Hội đồng Kế hoạch và Chính sách châu Á - Thái Bình Dương, đồng sáng lập Stop AAPI Hate - nói: “Điều quan trọng là chúng tôi phải hiểu và nói lên kinh nghiệm của mình, chúng tôi không chấp nhận khi bị đối xử như một người nước ngoài”.
Dưới áp lực chống phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á, Nhà Trắng đã áp dụng hàng loạt biện pháp, bao gồm chi 49,5 triệu USD giúp đỡ nạn nhân các vụ tấn công và kêu gọi Bộ Tư pháp thu thập dữ liệu cũng như thực hiện những nỗ lực mới để thực thi luật chống tội phạm do thù hận. Nhiều người đã ca ngợi hành động của Tổng thống Joe Biden nhưng nhấn mạnh rằng, vấn đề này cần được tiếp tục và nên đi sâu vào gốc rễ để giải quyết triệt để.
Kulkarni nói: “Phân biệt chủng tộc có trước đại dịch và nó sẽ tiếp diễn sau khi đại dịch kết thúc. Đại dịch chỉ là cái cớ. Để giải quyết nó, cần thực hiện hành động quyết liệt để chống lại quan niệm “người da trắng thượng đẳng”. 

Thảo Nguyễn (theo Reuters, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI