Người Mỹ gốc Á đổ xô mua súng trong đại dịch

17/08/2022 - 18:52

PNO - Hơn 5 triệu người, trong đó có nhiều người Mỹ gốc Á, lần đầu tiên trở thành chủ sở hữu súng trong đại dịch, đẩy doanh số bán súng cho các cộng đồng ở nước này tăng khoảng 43%.

Vivian Moon là một nghệ sĩ đồng thời là một người làm nghề môi giới bất động sản. Chưa bao cô giờ cảm thấy lo sợ như hiện nay, nhất là khi đang phải sống một mình ở Buena Park, một thành phố nhỏ của California nằm ở khu ngoại vi Los Angeles.

Theo Hiệp hội Bắn súng thể thao quốc gia của Mỹ (NSSF), số người sở hữu súng ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong thời kỳ đại dịch
Theo Hiệp hội Bắn súng thể thao quốc gia của Mỹ, số người sở hữu súng ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong thời kỳ đại dịch

Khi các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào phụ nữ và người cao tuổi châu Á gia tăng trên khắp nước Mỹ vào đầu năm ngoái, giống như nhiều người Mỹ gốc Á khác, Moon đã quyết định mua một khẩu súng. “Tôi nhận ra rằng, tôi cần phải làm chủ cuộc sống của mình”, người phụ nữ 33 tuổi, chia sẻ.

Moon cho biết, sau đó cô đã dạy cho bạn bè của mình, nhiều người trong số đó là phụ nữ da màu, về an toàn súng.

Theo Hiệp hội Bắn súng thể thao quốc gia của Mỹ (NSSF), số người sở hữu súng ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Hiện, quốc gia này có hơn 5 triệu người lần đầu tiên sở hữu súng đạn, trong đó có nhiều người Mỹ gốc Á.

Khi các đoạn phim video về bạo lực nhắm vào người châu Á xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội và các kênh tin tức chính thức, doanh số bán súng cho người Mỹ gốc Á ước tính đã tăng 43%. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan và Đại học Đông Michigan (EMU), hơn một nửa số người mua súng ở Mỹ hiện nay là chủ sở hữu lần đầu.

“Tình trạng phân biệt chủng tộc đang tạo ra sự căng thẳng và lo lắng từ các cộng đồng, đẩy nhu cầu sở hữu súng đạn tăng cao”, Tsu-Yin Wu, một nhà nghiên cứu của EMU cho biết.

Việc sở hữu súng trong gia đình cũng dẫn đến nhiều rủi ro, trong đó có sự gia tăng số vụ giết người và tự sát. Theo một nghiên cứu do tổ chức Annals of Internal Medicine thực hiện vào tháng Tư, dựa trên khảo sát hơn nửa triệu người dân California, những người sống chung với người sở hữu súng ngắn bị bắn chết với tỷ lệ cao hơn những người sống trong những ngôi nhà không có súng. Phụ nữ chiếm 84% số nạn nhân.

Hiện, dữ liệu về việc sử dụng súng của người Mỹ gốc Á (đang chiếm khoảng 7% dân số Mỹ) vẫn còn hạn chế. Trước đây, nhóm này có tỷ lệ sở hữu súng khá thấp. Từ năm 2015-2019, Báo cáo về các vụ giết người của FBI đã ghi lại 37 vụ sát hại bằng súng với hung thủ là người Mỹ gốc Á. Ngược lại, trong cùng một khoảng thời gian này, hơn 3.000 người Mỹ gốc Á đã chết trong các vụ tự sát bằng súng, giết người và xả súng bừa bãi.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ tự sát bằng súng trong thanh niên Mỹ gốc Á đã tăng 71% trong thập niên qua - mức tăng lớn nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào.

Trong khi đó, các nhà sản xuất súng đã tranh thủ đại dịch như một cơ hội để tiếp thị súng cho người Mỹ gốc Á. “Họ đang trực tiếp khai thác nỗi đau của cộng đồng chúng ta, với các chiến dịch tiếp thị trực tiếp, nhắm đến mục tiêu tăng số lượng người sở hữu súng trong các cộng đồng vốn không sử dụng súng trước đây. Và họ đang làm điều đó chỉ vì lợi nhuận”, Varun Nikore, Giám đốc điều hành của AAPI Victory Alliance (Liên minh người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương), lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI