Người mới ở đâu ra mà nhanh đến thế!

14/10/2022 - 05:48

PNO - Giang mất vừa hơn một tháng, tro cốt cô còn chưa kịp đưa về Bình Dương cải táng, Tuấn đã đưa cô gái trẻ hơn Giang 8 tuổi về căn nhà mới xây của hai vợ chồng để… mừng tân gia. Hàng xóm hỏi nhau: “Người mới ở đâu ra mà nhanh vậy”.

 

Ảnh minh họa
Giang đã yêu thương và lo cho chồng một cách mù quáng - Ảnh minh họa

Giang và Tuấn cưới nhau năm 2014. Khi đó, Giang vừa ra trường được một năm, tìm được việc làm chưa đầy tháng. Tuấn thì vừa tốt nghiệp nửa năm, nhờ anh trai của Giang đã xin cho vào làm chung công ty của anh ngay lúc đơn vị này thiếu nhân sự. Nhìn vào ai cũng thấy có vẻ gia đình Tuấn - Giang rất ổn.

“Yêu nhau từ thời sinh viên, đợi Giang có việc làm là cưới” là câu giới thiệu đầu môi của Tuấn mỗi lần ai nhắc về bà xã. Họ sống với nhau khá hạnh phúc. Hai con gái trai lần được ra đời. Bạn học, người thân, đồng nghiệp ai cũng nói hai vợ chồng “điểm 10”. Giang cũng thật tình: “Anh Tuấn hiền lành, nghe vợ lắm, việc lớn nhỏ trong ngoài gì cũng hỏi Giang”.

Người không biết chuyện thì nghe Giang nói vậy vui mừng cho cô, nhưng người hiểu chuyện thì lắc đầu. Bởi ngoài cái mã đẹp trai, giỏi ăn nói chiều lòng Giang, thì Tuấn thật sự không có tài cán gì. Thời sinh viên năm nhất, Tuấn học hành trầy trật, nợ rất nhiều môn mới phải học lại cùng lớp Giang ở trường đại học kinh tế.

Sau khi quen Giang, toàn bộ bài tập, tiểu luận rồi cả luận văn tốt nghiệp của Tuấn đều do Giang chăm chút, làm thay. Dĩ nhiên là các kết quả Tuấn nhận về vô cùng tốt đẹp. Với cái lý lịch đẹp đó, nên anh trai Giang không chút ngờ vực giới thiệu vào công ty anh làm.

Không ngờ, từ đó anh trai lại thay em gái ôm nợ, vì Tuấn liên tục làm ăn trật giuộc, sai hợp đồng, có lần phải đến tiền đến hàng trăm triệu đồng. Vốn tính tình nóng nảy, bộp chộp, năm 2018, một lần đã làm sai hợp đồng, Tuấn cự cãi sếp và cuối cùng bị sa thải. May có anh vợ đi cầu xin sếp thương tình cho Tuấn đường lui bằng cách viết đơn xin thôi việc,

Mất công việc phù hợp trình độ, vác đơn đi tìm lại việc gì cũng khó khăn. Việc Tuấn muốn xin làm thì không ai tuyển dụng, còn những nơi chấp nhận tuyển thì chỗ Tuấn chê lương thấp, chỗ Tuấn bảo xa nhà, chỗ thì không phù hợp trình độ của anh.

Ba năm trời sau đó, Tuấn mải miết… đi xin việc. Ban đầu, mỗi lần thấy Tuấn chuẩn bị hồ sơ xin việc, Giang cũng lăng xăng phụ chồng. Cô lấy hồ cho Tuấn dán hình, lấy bìa nhựa để hồ sơ, chạy pho to, công chứng sẵn sàng cả xấp căn cước công dân, hộ khẩu, lý lịch…

Nhưng một năm, hai năm rồi ba năm trôi qua, Giang không còn hào hứng chờ kết quả ứng tuyển của chồng nữa. Mà thay vào những việc làm linh tinh, cô xin tăng ca, nhận thêm hồ sơ kế toán của các công ty nhỏ về làm thêm để kiếm tiền trả tiền vay xây lại nhà cho phía ngân hàng, lo tiền học hai con, tiền chợ búa, điện nước… Trong khi đó, Tuấn vô tư sáng đưa con đi học xong về quán cà phê ngồi, trưa về ngủ, hoặc lên máy tính mở mạng… tìm việc, xin việc.

Thấy hoàn cảnh, nhiều người thương, an ủi Giang, thôi, coi như con còn nhỏ, Tuấn ở nhà tiện việc đưa đón các bé. Họ còn nói, Giang xây nhà mới, có Tuấn coi công trình, cũng đỡ một gánh lo.

Thế rồi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đường tìm việc của Tuấn coi như bị chặn ngang. Một mình Giang gồng gánh gia đình nhỏ trong suốt nhiều năm khiến cô lao lực.

Ngày Giang nhiễm COVID-19 hôm tháng 7/2022 này, ai cũng nghĩ Giang sẽ như là cảm cúm giống tình trạng nhiều người, bởi cô đã tiêm đủ 3 liều vắc xin. Thế nhưng không ai ngờ, người phụ nữ 27 tuổi ấy lại mang trong người rất nhiều bệnh: viêm xoang, viêm phổi mãn tính, loét dạ dày… Các bệnh lý nền này và COVID-19 cướp đi sinh mạng của Giang chỉ trong một tuần lễ tấn công cơ thể.

Giang mất hơn một tháng, tro cốt cô còn chưa kịp đưa về Bình Dương cải táng, Tuấn đã đưa cô gái trẻ hơn Giang 8 tuổi về căn nhà mới xây của hai vợ chồng để… mừng tân gia.

Hàng xóm hỏi nhau: “Người mới ở đâu mà "mọc" ra nhanh vậy”. Bà Trâm, mẹ Giang khóc nấc, ôm tro cốt, di ảnh con gái và dắt hai cháu ngoại về quê.

Hỏi sao bà không để hai cháu lại cho Tuấn có trách nhiệm với con. Bà Trâm nói: “Con gái tôi chết còn chưa đầy 49 ngày, nó đã đưa người mới về làm tu hú chiếm chỗ. Làm sao tôi tin được đó là người cha có trách nhiệm với con. Tôi cũng không tin người phụ nữ có liêm sỉ nào mà vợ người ta chết chưa mãn thất tuần đã ngang nhiên vào nhà ở, rồi làm lễ mừng tân gia như chủ vậy. Chưa kể, để cháu ở lại, cháu tôi phải chịu cảnh dì ghẻ, con chồng. Lỡ đâu có gì tôi sợ mình hối còn không kịp”.

Trên chuyến xe đưa con gái về Bình Dương, bà Trâm không thể ngừng khóc: “Giá như tôi biết khuyên con thương chính mình. Giá như tôi sớm ngăn nó đừng lao tâm lao lực, đừng yêu chồng con mù quáng, thì đâu đến nỗi nó phải bán cả sinh mạng để đổi lấy nhà cao cửa rộng cho người khác. Mà cô ơi, tôi nghĩ hoài cũng không ra, sao người mới ở đâu ra mà "mọc" nhanh dữ vậy?”. Thế rồi tiếng bà nghẹn lại trong cơn gió luồn qua cửa xe…

Thụy Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI