PNO - Từ hơn chục năm nay, những người lao động nghèo miền Tây ở huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn mưu sinh bằng nghề kéo dây thừng. Họ miệt mài làm việc từ sáng đến tối với thù lao 200 ngàn đồng/ngày.
Những khu đất rộng lớn thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM trở thành làng nghề kéo dây thừng. Những người làm nghề này đa phần là lao động từ các tỉnh miền Tây (An Giang, Sóc Trăng) lên TP.HCM mưu sinh.
Hầu hết người làm nghề se dây thừng dựng chòi sống ngay trên các khu đất. Công việc này cần một người đứng phân loại, chia số lượng dây cước nhỏ ban đầu rồi buộc vào đầu máy se. Một người cầm dây kéo thẳng sang đầu máy bên kia và người đầu máy bên kia giữ máy mỗi lúc bắt đầu se dây để dây được cố định, thẳng hàng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ, trong các công đoạn thì khâu cước khá lâu. Nếu thừng to phải chọn đến hơn trăm sợi, thừng nhỏ thì vài chục sợi. Lấy và phân chia đều thì từng sợi thừng cũng nhỏ đều nhau, theo đó thân dây thừng thành phẩm sẽ tròn đều, đẹp và chắc chắn hơn.
Nghề se dây thừng nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khá kén công, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và kiên trì.
Người đàn ông tập trung se dây.
Để làm ra được một sợi dây thừng phải trải qua nhiều công đoạn. Tùy kích thước khác nhau mà người dân phải kéo dây đi xa 270 mét, luồn qua những cọc gỗ để tách các dây không bị rối nhau, sau đó quay trở lại chiếc máy quấn dây. Một lượt chạy hơn 500 mét. Điểm cuối của đường chạy dây là một xe có gắn các móc để dây có thể treo lên để quay về điểm xuất phát.
Cuộn dây sau khi cho vào máy kéo được căng ra và xỏ qua khe chiếc cào (thanh gỗ có những móc sắt tạo thành từng khe như chiếc lược). Tùy kích cỡ dây thừng mà mỗi khe có từ 5 đến 10 dây.
Nghề kéo dây thừng xuất phát từ miền Tây và tồn tại từ lâu. Ttrước đây khi chưa có máy móc hiện đại, nghề này làm thủ công là chính. Đây cũng là một phần công việc chính của bà con sông nước.
Trời càng nắng thì người kéo dây càng vất vả, nhưng ngược lại sẽ cho ra những bó dây bền chắc hơn, bán được giá hơn. Ngày trời nắng tuy cực nhưng người nào người nấy đều tươi tỉnh, ngày trời mưa xem như không kiếm gì về được cho gia đình.
Bà Bé (An Giang) mang theo bàn thờ tổ tiên lên Sài Gòn để mưu sinh với nghề.
Chị Nguyễn Thị Vân đứng điều khiển chiếc máy quay, người khác phải đứng để kiểm tra những đầu cọc đóng sẵn, đề phòng dây bị rối, bị đứt hay chồng chéo lên nhau.
Có gia đình gửi con ở quê học hành, cũng có gia đình mang theo cả con cái về đây phụ giúp cha mẹ. Trong ảnh, bé Huỳnh Thanh nằm trên giường học bài trong khi cha mẹ vẫn miệt mài làm việc.
Bà Võ Thị Chài (tỉnh Sóc Trăng) cùng gia đình chuyển lên TP.HCM để làm nghề kéo dây thừng. Bà cho biết, mỗi ngày bà và mọi người ở đây làm việc từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối.
Giữa cái nắng gắt 350C của Sài Gòn, anh Huỳnh Thanh Biển (tỉnh An Giang) vẫn miệt mài kéo dây thừng. Anh chia sẻ: "Công việc này là nghề cha truyền con nối nên từ nhỏ đến lớn, tôi cùng gia đình phải kiếm sống bằng nghề này. Công việc lắm vất vả nhưng làm chung với mọi người, thấy rất thoải mái và vui vẻ nên đỡ cực hơn".