Người miền núi chất và những thanh âm trong trẻo của núi rừng

26/09/2023 - 14:40

PNO - Sinh ra, lớn lên ở 1 xã miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang, cách xa tỉnh lị gần trăm cây số, hoàn toàn không được học nhạc nhưng Bùi Xuân Trường đã trở thành quán quân cuộc thi Rap Việt mùa 3.

Đặc biệt, ở tiết mục của Trường, trên sân khấu Rap Việt đã vang lên những thanh âm trong trẻo của núi rừng, những tiếng lý lơi, quyến mời của khèn, của đàn tính.

Người miền núi chất đã hòa quyện thổ cẩm cùng phong cách hiện đại
Người miền núi chất đã hòa quyện thổ cẩm cùng phong cách hiện đại

“Cậu bé” còi trong lễ hội thành Tuyên 

Bùi Xuân Trường (tên thật của Double2T) sinh năm 1996 ở xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Với 1 gia đình người Tày miền sơn cước, học nhạc dường như không có trong khái niệm. Vậy nên cậu bé Trường chỉ biết mải mê với những bản rap trên chiếc vô tuyến đen trắng.

Lên THPT, những tiệm internet (bọn trẻ thường gọi là quán nét) lân cận trường cấp III thường là nơi chat chít, chơi game của đám trẻ mới lớn. Với Trường, quán nét hấp dẫn anh theo cách mà có lẽ hiếm đứa trẻ trường huyện nào thấy được. Ở quán nét, Trường nghe, tìm hiểu và mày mò mọi thứ thuộc về rap. Trường bảo lúc đó anh chỉ muốn biết nhiều hơn về thứ mình rất thích, cho thỏa những tò mò, thắc mắc của bản thân. Trường chưa nghĩ được rằng không được học ở đâu, không có ai dạy thì tìm học ở trên mạng. Quán nét cũng là nơi ra đời bản rap đầu tiên của Trường, được thu âm bằng chiếc tai nghe và micro của quán.

Ca khúc À lôi - Masew, Double2T:

 

 

Hết phổ thông, Trường về thành phố Tuyên Quang học nghề tóc. Làm, nhận lương đến đâu, Trường lại dốc hết vào các sản phẩm âm nhạc. Có lần, khi anh làm nhạc, đang thu thì khách gọi “Trường ơi, cắt cho anh cái tóc” và câu gọi đó cũng bị thu vào. Trung thu năm 2017, trên đường phố tấp nập, tưng bừng đèn, xe của Lễ hội thành Tuyên; Trường đứng trên “sân khấu” - vốn là cái rạp do 1 cửa hàng dựng lên để tổ chức khai trương - tự tin biểu diễn bản Trung thu Tuyên Quang. Với 1 sự kiện đường phố, tiết mục của Trường khi đó đủ để lại ấn tượng nơi những người có mặt. Năm ấy, Trường 21 tuổi, cao lêu đêu và gầy guộc. Đặc điểm ấy cũng là lý do để Trường chọn cho mình “biệt danh” Còi Thiki.

Còi Thiki khi đó cũng “trẻ trâu” đúng như lứa tuổi. Anh có những bài rap chế mà sau này khi chững chạc và nghiêm túc hơn với âm nhạc, anh đã chủ động đóng lại. Trường giã biệt Còi Thiki với những nhăng nhố của gã trai mới lớn để trách nhiệm hơn, trau chuốt hơn với Tuyên Quang miền gái đẹp, Nhà em ở lưng đồi… Những ca từ giản dị, mộc mạc, gần gũi, thân thuộc như hơi thở của người vùng cao hòa vào những âm thanh hiện đại đã hấp dẫn, lôi cuốn người trẻ. Nhưng, cậu bé Còi Thiki năm nào còn làm được hơn thế. Trong rap hiện đại của Trường có cả “Lễ hội Lồng tồng”, “À lôi” - vốn là nét văn hóa độc đáo, rất riêng của vùng cao. Những tiếng khèn, tiếng tính tẩu được Trường đưa vào rap một cách rất tự nhiên, khiến nghe rap của Trường mà thấy cả dáng múa khèn của chàng trai H’mông, thấy cả dáng áo chàm duyên dáng của những cô gái Tày. Tất cả những gì rất rẻo cao, rất miền núi ấy có lẽ chỉ gặp trong rap của chàng trai ấy.

Bùi Xuân Trường khi làm thợ tóc
Bùi Xuân Trường khi làm thợ tóc

Bền bỉ với đam mê 

Mạng internet đã ít nhiều bù đắp cho Trường những thiếu thốn, để anh tự bồi đắp cho mình cái nền, theo cách riêng. Tuy nhiên, việc không được sống trong môi trường âm nhạc cũng khiến anh chông chênh. Sau những năm làm nghề tóc nuôi sống bản thân và nuôi cả đam mê là rap; 24-25 tuổi, bạn bè gặp nhau, thấy ai cũng ổn định cả công việc và cuộc sống, Trường buộc phải nhìn lại con đường anh đang đi. Suy nghĩ của tuổi đã bắt đầu chín chắn, cùng rất nhiều yếu tố khác khiến Trường quyết định dừng cuộc chơi với âm nhạc. Trường mở 1 hiệu tóc ở thị trấn Sơn Dương, cách thành phố Tuyên Quang hơn 10km, vừa làm nhân viên, vừa làm chủ.

Sau nhiều năm nuôi âm nhạc theo đúng nghĩa đen, Rap Việt mùa 3 đánh dấu lần đầu tiên Bùi Xuân Trường kiếm được tiền từ âm nhạc. Anh xúc động: “Con chỉ muốn nói cảm ơn bố mẹ đã luôn ủng hộ, để con có thể chạm vào giấc mơ hôm nay. Cảm ơn mẹ đã luôn hỏi thăm con có đói không, có cần tiền ăn không… Từ nay, mẹ sẽ không cần phải lo cho con nhiều nữa”.

Tiền thưởng của giải khá lớn, Trường nói như đinh đóng cột: “Tiền đó, tôi sẽ mang về giúp đỡ bản làng và mang điện lên vùng cao”.

Làm nghề tóc ở thị trấn, không quá xa thành phố nên thu nhập của Trường khá cao. Có tích lũy, cuộc sống bớt chật vật nhưng anh lại không cảm thấy hạnh phúc như những ngày giật gấu vá vai sống cùng âm nhạc. Khát khao trở thành ca sĩ nhạc rap sau mấy năm nén lại đã bùng lên mạnh mẽ. Anh cho mình cơ hội cuối: Dành trọn 1 năm cho âm nhạc, nếu không thành danh sẽ quay về toàn tâm toàn ý với nghề tóc. Trình bày nguyện vọng với cha mẹ, được cha mẹ ủng hộ, động viên, ngay lập tức Trường đăng ký thi Rap Việt mùa 3 và có rất nhiều trải nghiệm “lần đầu”.

Tóc nhuộm màu, vuốt keo dựng đứng, ăn mặc đúng chất rap, hip hop, đẩy vali vào quầy làm thủ tục trong sân bay Nội Bài; Trường lúng túng vì đó là lần đầu tiên anh đi máy bay. Qua cửa kiểm soát an ninh, nghe yêu cầu bỏ điện thoại, tháo giày, bỏ dây lưng…, anh cũng vừa làm theo vừa run. Vào sảnh chờ, mua chiếc bánh bao lót dạ, Trường tròn mắt, há hốc khi vừa nhận bánh bao vừa nghe câu “của anh 80.000 đồng”. Trường sốc vì bao năm anh vẫn ăn bánh bao ở quê với giá 5.000 đồng. Đó là khởi đầu đến với Rap Việt mùa 3 của Bùi Xuân Trường.

Lần đầu tiếp xúc với rap một cách bài bản, Trường có phần choáng. Nhưng, như chiếc bọt biển thấm nước, anh cố gắng đón nhận những gì được học, được góp ý, được rèn. 2 ngày trước khi bước vào vòng chinh phục, Trường nhận tin cha gặp tai nạn. Tâm trí phân tán, bụng dạ không yên, người ở Sài thành mà lòng ngóng mãi về Tuyên Quang. Anh tính bỏ cuộc thi để về thì nhận tin tình hình của cha đã ổn. Mẹ anh còn động viên: “À lôi (“trời ơi” trong tiếng Tày), con phải ở lại thi tốt chứ. Con thi tốt thì cha mới nhanh khỏe được”. Anh thở phào và hít một hơi thật sâu trước khi biểu diễn. Trường đã mang thêm cả trách nhiệm với cha, để từng bước đi qua các vòng thi.

Bùi Xuân Trường và bà con dân bản
Bùi Xuân Trường và bà con dân bản

“Người miền núi chất”

Lần đầu tiên trên sân khấu rap, đoạn đọc rap “Tại vì thích em nhiều quá nhưng em lại nói là “à lôi”. Cũng định solo hip hop cùng với trai bản nhưng mà thôi. Anh gửi vào trong câu rap cho em dính cả thính, cả mồi. Nhà em có mấy quả đồi, ừ thì anh cũng tính cả rồi” hòa quyện cùng những giai điệu lý lơi như từ non xa vang tới: “Ơi noọng ơi, ơi noọng ơi. Thương em mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Nhà em ở ngay lưng đồi, nếu như có dịp mời chàng tới chơi…”. Lần đầu tiên trên sân khấu rap với âm thanh, ánh sáng hiện đại, họa tiết thổ cẩm sáng bừng. Nhìn chàng trai Tày Bùi Xuân Trường tự tin trên sân khấu, dành trọn tâm, trí, cảm xúc trong từng ca khúc và khuấy động khán giả; thật khó hình dung chỉ vài ngày trước đó, anh còn run khi ngồi máy bay. Rap, thổ cẩm; rap, tiếng khèn, tiếng sáo H’mông; rap, tiếng đàn tính của người Tày… như được hòa quyện trọn vẹn trong trái tim, trong tâm hồn Trường rồi chạm vào trái tim, cảm xúc khán giả. 

“Ta mang thanh âm miền núi đến từng tai người nghe. Tự hào đến từ bản làng không sợ ai cười chê. Đi khắp năm châu bốn bể không quên đường về. Mang bản sắc dân tộc vào Rap Việt là cách anh muốn được khoe” (Thanh âm miền núi). “Đây là người miền núi đi thi trong Nam. Đưa bản sắc vào trong câu rap với niềm tự hào anh đang mang” (Người miền núi chất). “Anh đưa em về phải theo luật pháp. Xuống chợ tình, có đôi mình giao duyên” (Kéo em về làm vợ).

Trường chia sẻ: “Tôi muốn đưa những thanh âm, cụm từ, bản sắc của người miền núi nói riêng và âm hưởng dân gian Việt Nam nói chung vào âm nhạc. Qua rap, tôi cũng muốn đem những bản sắc, thanh âm, chất mộc mạc, giản dị của người miền núi đến gần hơn với mọi người, nhất là người trẻ, để khoảng cách vùng miền ngắn lại, để mọi người có thể hiểu nhiều hơn phong tục tập quán cũng như cuộc sống của người vùng cao”. 

Ngọc Minh Tâm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI