Hãy để con sai cho con luôn nhớ điều đúng. Một chút gập ghềnh cố ý sẽ làm thiên thần nhỏ thêm mạnh mẽ thay vì cứ mãi dễ thương, mãi mong manh cần được nâng niu, bảo bọc.
Trong hàng vạn công việc trên đời, có lẽ khó nhất vẫn là việc làm mẹ. Bạn sẽ là một “mẹ hổ”? Bạn sẽ là một bà mẹ tận tụy, chỉ biết chồng con? Bạn sẽ là một bà mẹ tự do, hiện đại? Quả là chuyện khó nghĩ. Vậy thì sao chúng ta không thể chỉ là một bà mẹ vừa đủ tốt thôi?
Dĩ nhiên tôi sẽ không khuyên các bạn… bớt tốt với con để còn chút gì đó cho riêng mình. Bạn hãy từ bỏ nỗ lực làm người mẹ tốt hoàn hảo. Thay vào đó, bạn nên để con tự lớn lên, phát triển tốt lành một cách tự nhiên.
Thêm một chút… tàn nhẫn
Thật ra, khái niệm “người mẹ vừa đủ tốt” đã được nhà phân tâm học người Anh Donald Winnicott đưa ra vào năm 1956 để trình bày quan điểm của ông về mối quan hệ gắn bó giữa người mẹ và trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời.
“Người mẹ đủ tốt bắt đầu dừng việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của đứa trẻ. Bà dần dần đáp ứng ít đi. Đứa trẻ lớn lên không phải với sự thực hiện thay của người mẹ” là định nghĩa mang nhiều tính học thuật của Winnicott.
Chúng ta hãy nhặt ra ý chính của định nghĩa trên: Người mẹ tốt sẽ bắt đầu bằng việc bớt đáp ứng nhu cầu của con. Bạn hãy cho con biết cách ra hiệu khi đói; hãy cho con chút thèm thuồng sữa mẹ để con biết khát khao, biết tìm kiếm; hãy để con sai cho con luôn nhớ điều đúng. Điển hình nhất, nếu người mẹ không tập cho con cai dòng sữa ngọt ngào của mình thì đứa trẻ không có cơ hội thử những điều tuyệt vời khác của thế giới.
Người mẹ vừa đủ tốt của Winnicott bắt đầu bằng việc cho trẻ đối diện với cuộc sống thực tế, từng bước đẩy con ra khỏi thiên đường hạ giới của mẹ.
Hiển nhiên điều này sẽ làm trẻ sốc, buồn, phản ứng đòi các đáp ứng tức thì. Chúng ta hẳn phải nghe những câu trách móc kèm tiếng khóc nức nở của trẻ: Tại mẹ, tại cái bàn, tại cái ghế hay tại ông trời chứ không bao giờ liên quan đến đứa bé đang tưởng mình ngự trị ở trung tâm vũ trụ ấy. Tuy nhiên, đây là bước phải thực hiện để làm người mẹ tốt.
Bạn hãy làm con bừng sáng mắt với thực tế xung quanh bằng cách mỗi ngày rút bớt một cái tốt của mẹ khỏi đời con. Khi người mẹ bớt tốt với con từng chút một thì sẽ làm cả hai thật đau lòng. Thế nhưng, nỗi đau ấy chỉ là khoảnh khắc trước mắt. Về lâu dài, các bà mẹ không có gì phải hối tiếc khi con mình đã là một tráng sĩ tự tin bước vào cơn bão cuộc đời.
Làm mẹ - hành trình của sự tách rời
Tôi từng được nghe nói, tình mẫu tử đâu đó lại là một cuộc chia ly thần thánh. Khi ân phước gặp nhau thì đã nhuốm màu chia ly. Không phải như vậy sao? Hãy nhìn lại hành trình làm mẹ. Khi tin vui vừa đến, con trong bụng mẹ, con với mẹ là một. Mẹ ăn gì con ăn đó. Mẹ phải làm thay tất cả để con trọn vẹn hình hài. Rồi khởi sự cuộc chia ly. Con rời bụng mẹ, con không còn là nhất thể với mẹ mà bắt đầu trở thành sinh vật nhỏ bé tầm gửi luôn dính sát, đeo bám “vật chủ”.
Tách khỏi cơ thể mẹ nhưng con vẫn còn được bế bồng, ôm ấp. Rồi những cái ngóc đầu, cú lật và con bò quanh chân mẹ. Con đã tách rời mẹ thêm chút nữa. Rồi những bước đi chập chững, những bước chạy… Con nắm tay mẹ, mẹ luôn đi phía sau con để nâng đỡ khi cần. Cuộc chia ly bắt đầu tăng tốc từ đây.
Con phải rời vòng tay mẹ, bước ra khỏi mái nhà với sự an toàn quen thuộc để ra phố vui với bạn, để đến lớp học làm người… Đến lúc này, cuộc chia ly mang đậm hình thái vắng mặt. Con phải vắng mẹ để tự học, để có thể trở thành người giống mẹ giống cha.
Rồi con trưởng thành, cuộc chia ly đưa con vào thế giới rộng lớn. Mẹ con có thể cách nhau cả nửa vòng trái đất. Con có gia đình riêng, dọn ra khỏi mái ấm thân thuộc cả quãng đời từ ấu thơ đến lúc trưởng thành. Rồi cuộc chia ly sinh tử hoàn tất hành trình của mẹ và con viên mãn. Nghe có vẻ buồn bã quá phải không?
Dù vậy, mọi người hẳn dễ dàng nhận ra rằng càng chia ly thì tình mẫu tử càng gắn chặt. Thuở ban đầu, tình mẫu tử được ban phát bởi sự bú mớm nâng niu; con đón nhận một cách bản năng, bằng các cú chạm da thịt. Càng xa nhau, sợi dây liên kết giữa mẹ và con càng bắt đầu bằng những bước sóng của nơ-ron thần kinh.
Rồi khi đứa trẻ thuở nào độc lập, trải nghiệm thì tình cảm mẹ con càng bền chặt, mang đậm tính ý thức. Thậm chí khi con của bạn làm mẹ, làm cha, sợi dây này bắt đầu nhiệm màu, thiêng liêng. Thế thì cuộc chia ly quả rất đáng giá.
Khi tình thương có biên giới
Một nhà phân tâm học khác là Anna Freud cũng rất chú trọng vào sự kiện chia tách giữa đứa con và người mẹ. Theo Anna Freud, sự kiện chia tách này có vai trò rất quan trọng.
Nếu mọi thứ thuận buồm xuôi gió, cuộc chia ly sẽ giúp đứa trẻ không bị phụ thuộc cảm xúc mà trở nên độc lập với người mẹ, với thế giới. Tuy nhiên, vẫn có một chút lắt léo ở đây - thời điểm nào thực hiện cuộc chia tách?
Nếu quá sớm, đứa trẻ chưa đủ cứng cáp, chưa sẵn sàng, cuộc chia ly sẽ gieo vào lòng trẻ sự lo lắng, sợ hãi, gây ảnh hưởng về sau. Các cách nuôi dạy con vẫn nêu được những thời điểm tương đối cụ thể cho việc đẩy con ra xa. Vậy nhưng mỗi trẻ mỗi khác nên chính yếu vẫn thuộc về tình thương, sự nhạy cảm, sự quan sát của người mẹ.
Người mẹ tốt chính là người cùng con thực hiện tốt cuộc chia ly này để con từng ngày thêm tự lập, thành một ngọn cây độc lập reo trong gió. Chậm rãi, mẹ xây dựng các giới hạn, làm thành không gian cho trẻ tự do, không là người mẹ khư khư ôm chặt con trong lòng.
Mẹ chịu đựng sự nhói lòng để đưa con vào thực tế đời sống. Giọt nước mắt rơi của con lẫn mẹ vào ngày đầu con đến lớp thương lắm, quý giá lắm nhưng bạn đừng tìm cách ngăn sự chia ly ấy, đừng ôm trẻ quay về nhà ấp ủ trong lòng mẹ mãi.
Bạn tuyệt đối không thể thay con bước vào thế giới. Mẹ yêu con chính là người mẹ luôn yêu thương con không điều kiện nhưng phải biết tách rời để con độc lập, tự quyết.
Tôi rất thích tựa đề cuốn sách dạy con của tác giả người Do Thái Sara Isma: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương. Tuy có chút gì thái quá, mạnh bạo nhưng đó thật sự là quan điểm của một bà mẹ tuyệt vời, đậm chất yêu thương và trách nhiệm.
Thôi thì trên thế gian này có hàng tỷ bà mẹ thì có bấy nhiêu kiểu yêu con.
Liệu bạn đã sẵn sàng để trở thành một người mẹ vừa đủ tốt?
Nắng