Người mẹ vừa đủ tốt: Cứ bình thường mà làm mẹ được không?

19/10/2021 - 15:42

PNO - Những câu ông bà dạy như “Con hư tại mẹ” hoặc “Con vào dạ mạ đi tu”… có thể cho thấy từ xưa, trong việc dạy con, mẹ dường như là người chịu trách nhiệm chính. Làm thế nào để trở thành một người mẹ hạnh phúc - hạnh phúc từ những điều bình thường, hạnh phúc vì ta có một (hay nhiều) đứa trẻ để yêu thương?

Tôi, dù đã 44 tuổi, vẫn được mẹ bóc từng con tôm cho vào bát. Hay vợ tôi, dù con gái chúng tôi đang tuổi dậy thì, sau khi tham khảo nhiều nguồn, đã lên kế hoạch giảm cân, bỏ tinh bột, cô ấy cứ đứng ngồi không yên. Người mẹ nào chẳng vậy! 

Đừng bắt con “bay” thay mình

Những người bạn của tôi có mẹ chiều đến tận răng mà mãi… chẳng thấy hư. Lại có những “mẹ hổ” khiến cho trước mặt mẹ, con ngoan như cún, sau lưng mẹ, con… láo như ranh. Hóa ra chiều chuộng vốn chẳng phải là nguyên do sinh hư. 

Tôi đã gặp nhiều người mẹ hỏng như thế. Đó là những người mẹ không biết bay và đẻ ra quả trứng để… bắt nó bay thay mình. Đó là những người mẹ biến con mình thành thứ tranh thắng với thiên hạ, nỗ lực trở thành “người mẹ quốc dân” vì danh dự và sĩ diện của bản thân. Đó là những người mẹ nuôi con lớn để mai này con kiếm tiền thật nhiều… báo hiếu mẹ. Đó là những người mẹ tự biến mình thành người giúp việc, con đòi gì cũng chiều, sẵn sàng vay mượn tiền mua cho con chiếc điện thoại iPhone đời mới để con “bằng bạn bằng bè”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Những người mẹ hỏng như thế hiện diện rất nhiều quanh ta. Họ giàu, nghèo, ít học, nhiều bằng cấp… đủ cả. Họ hỏng do tư duy làm mẹ hỏng. Họ cứ ngỡ kiếm thật nhiều tiền về nuôi con là thành người mẹ vĩ đại.

Họ cứ ngỡ ép con đứng đầu lớp là đã làm mẹ thành công, cứ ngỡ họ hy sinh trọn đời mình là thành người mẹ tốt. Họ đâu thể ngờ rằng để dạy con nên người, đôi khi họ chỉ cần là một người mẹ bình thường.

Ngoài hiệu sách, những cuốn Làm mẹ kiểu Nhật, Làm mẹ kiểu Do Thái, Làm mẹ kiểu Mỹ… nhiều vô kể. Bạn mua về đọc cũng tốt vì kiến thức chẳng bao giờ thừa. Tuy nhiên, không sách vở nào dạy làm mẹ kiểu bình thường, nghĩa là học làm mẹ bằng những cái giật mình, sự để tâm và cả lòng yêu thương con mình một cách tự nhiên.

Khi con ngã, sách vở dạy hãy để con tự đứng lên cho con học tự lập. Song, một bà mẹ bình thường sẽ hiểu con khóc chẳng phải vì đau mà vì cần cái ôm của mẹ. Sách vở dạy hãy tảng lờ khi con ăn vạ, hãy cho con nhận hình phạt khi con sai bằng việc tước bỏ những thứ con yêu thích. Song một bà mẹ bình thường sẽ nhận ra đó là bỏ bê con, là bạo hành tinh thần con, là nhẫn tâm tước bỏ những thứ đứa trẻ yêu thích.

Một người mẹ bình thường vẫn có thể đôi lần sai khi quát mắng con, thậm chí đét vào mông con vì giận dữ. Dù vậy, ngay sau đó, người mẹ bình thường ấy sẽ áy náy, xin lỗi con, ôm con vào lòng.

Ảnh minh họa - Jcomp
Ảnh minh họa - Jcomp

Người mẹ bình thường không nghĩ điều xa xôi

Tôi có một người mẹ bình thường như thế. Các con tôi bây giờ cũng có một người mẹ bình thường như thế. Thật may, tôi không biến thành đứa trẻ hư. Các con tôi cũng vậy. Mẹ tôi chưa từng nghĩ mai này tôi sẽ tỏa sáng để mẹ mát lòng mát dạ. Vợ tôi cũng chỉ cần các con luôn vui vẻ, mạnh khỏe.

Người mẹ bình thường không nghĩ điều quá xa xôi, chỉ thấy những điều bình thường gần gũi. Chỉ là họ cần mẫn gieo trồng mỗi ngày những thương yêu thật lòng. Mỗi ngày, họ để con mình hạnh phúc bằng việc trở thành người mẹ hạnh phúc.

Người mẹ hạnh phúc là người mẹ luôn thấy đủ đầy. Họ không bị áp lực việc con mình phải đứng đầu lớp để rồi siết chặt quản lý. Họ không cáu giận khi con được chín điểm rồi cuống lên truy xem “một điểm đã mất đi đâu”. Họ cũng chẳng phải thao thức cả đêm khi ai đó buông lời: “Con chị gầy/béo thế/học kém thế…”.

Người mẹ hạnh phúc đi họp phụ huynh cho con sẽ hân hoan vì biết con mình hòa đồng với bạn bè, suy nghĩ tích cực chứ không hậm hực vì suốt buổi họp thầy cô chẳng nhắc đến tên con mình lấy một lần.

Tôi biết nhiều người mẹ cũng muốn làm một người mẹ bình thường. Chỉ là cuộc đời này đâu phải lúc nào cũng dễ dàng để làm mẹ bình thường. Thì đấy, cuộc hôn nhân của mẹ có bình thường không? Chồng lười biếng thảy hết việc nuôi dạy con cho vợ, mẹ đi làm về mệt rũ lại phải quần quật lo cơm nước cho chồng, cho con. Có khi đến 12 giờ đêm, mẹ mới được tắm táp. Hay tệ hại hơn, chồng bồ bịch, lòng mẹ đau đớn thế làm sao sống như người bình thường? Bởi vậy, nhiều mẹ hỏng vì có chồng hỏng. Chồng hỏng thì gia đình xộc xệch là lẽ đương nhiên. Con cái lớn lên trong một gia đình hỏng hóc khó tránh việc trở thành người không hỏng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tôi cũng biết có nhiều người mẹ sống giữa muôn trùng vây của áp lực. Hết mẹ chồng can thiệp chuyện giáo dục con cái đến chồng không làm gương tốt cho con. Chưa kể áp lực từ nhiều khoản chi tiêu cho cả gia đình.

Người mẹ ấy muốn làm nhiều thứ cho con nhưng năng lực có hạn. Học phí cứ tăng, hộ khẩu lệch tuyến nên phải cho con vào những ngôi trường không ưng ý, mắt ngún âu lo khi con mang về điểm kém… Người mẹ ấy nghĩ rằng mình học dốt nên giờ mình phải vất vả, thế nên mẹ chẳng muốn cuộc đời con cũng là bản sao cuộc đời mình. 

Vậy, làm thế nào để làm mẹ bình thường trong cuộc đời bất thường?

Tôi cũng chứng kiến những người mẹ mong lắm được làm mẹ bình thường nhưng con cái của họ lại… chẳng bình thường. Con đang học trực tuyến cứ chốc chốc lại đòi đi vệ sinh, đi uống nước hay… ngủ gật.

Nhà trường, cha mẹ dạy rất nhiều mà con chẳng chịu ghi nhớ. Đã thế con còn ngỗ nghịch, “bật” lại mẹ. Có người mẹ bực quá bảo: “Vậy con viết đơn xin nghỉ học đi”. Tưởng dọa như thế con sẽ biết sợ, nào ngờ sáng hôm sau đã thấy con chìa đơn xin thôi học trước mặt mẹ. Con bất thường thì mong gì làm mẹ bình thường?

Tuy vậy, sau tất cả, nếu bạn vẫn còn mong trở thành một người mẹ bình thường, đừng nghĩ nhiều nữa! Có một sự thật rằng luôn tồn tại một sợi dây liên kết vô cùng kỳ lạ giữa mẹ và con.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ khi con nằm trong bụng mẹ, hai mẹ con đã có sự kết nối đặc biệt nhờ sợi dây rốn. Vậy nên kể cả khi sợi dây rốn ấy bị cắt đứt, vẫn luôn có một sợi dây vô hình níu chặt hai mẹ con. Nó khiến con đau thì mẹ cũng thấy đau, mẹ xót thì con cũng thấy xót. C

hỉ là đôi khi ta chẳng nhận ra nó giữa những thanh âm hỗn tạp của cuộc sống, giữa quá nhiều thứ ta đòi hỏi con mình, giữa cả những hiếu động của con. Chỉ cần ta đủ tĩnh tâm, lắng nghe bản thân và lắng nghe con… Ta phải xây dựng hạnh phúc tự thân để truyền hạnh phúc đó tới con. 

20/10, tôi không chúc phụ nữ được bình đẳng hay mạnh mẽ mà chỉ chúc chị em trở thành những người mẹ hạnh phúc - hạnh phúc từ những bình thường, hạnh phúc vì ta có một (hay nhiều) đứa trẻ để yêu thương.

Đừng khoác lên các con bất cứ điều gì và cũng đừng ép bản thân phải làm mẹ ra sao, bạn cứ đơn giản thôi mà sống. Bạn cứ bình thường mà làm mẹ được không? 

Hoàng Anh Tú

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI