Suốt 40 năm, mái tóc chị lúc nào cũng dài, dày và suôn mượt. Lần đầu chị phải cắt trọc mái tóc ấy là trước khi chuẩn bị vào đợt xạ trị thứ 2.
Chị kể: “Ngày đầu tiên sau xạ trị, tóc chị vẫn dài ngang lưng. Bác sĩ bảo chuẩn bị tinh thần, sẽ rụng tóc. Chị đi cắt tóc ngang vai để tập làm quen với diện mạo mới. Nhưng 10 ngày sau đó, mỗi lần vuốt tóc là một nhúm tóc rụng. Sau mỗi đêm, tóc dưới gối và phòng tắm rất nhiều. Chị quyết định đi cắt tóc ngắn như đàn ông”.
|
Trong 40 năm, mái tóc dài, đen mượt là thứ chị yêu thích nhất |
|
Lần đầu chị cắt tóc là khi vừa trải qua lần xạ trị thứ nhất |
Chị Cát Uyên (40 tuổi, hiện đang sống tại thành phố San Jose, California) chấp nhận phác đồ điều trị căn bệnh ung thư vú với một tâm thế bình tĩnh như vậy. Nhưng ngày phát hiện mình bị bệnh, như bao người khác, chị đã không thể tin nổi.
“Tháng 7/2020, chị vừa sinh nhật 40 tuổi xong thì nhìn thấy cục u, ban đầu còn nghĩ là cục xương. Nhưng sau đó thấy ngực bên trái ngày càng to ra, cảm giác tê tê. Sang tháng 8, chị mới đi tìm bác sĩ. Khám xong, bác sĩ thông báo phát hiện tế bào hơi lạ và chỉ định làm sinh thiết. Kết luận có vào 2 tuần sau đó là chị bị mắc ung thư vú giai đoạn 2. Nguyên nhân là cục u từ nhụy hoa đã lan ra nách dưới. Nếu là u lành, nó đã không chạy lan ra như vậy”.
Dù những lời bác sĩ nói sau đó: “Ung thư không có kịch tính và được phát hiện sớm nên sẽ có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn” nhẽ phải giúp chị nhìn thấy một chút ánh sáng. Nhưng sự thật là chị vẫn đối mặt bằng trạng thái shock, hoang mang và buồn đến tê tái.
|
Gia đình hạnh phúc của chị Cát Uyên tại Mỹ |
Buồn cho mình xong rồi, chị nhìn về chồng và hai con. Chị vẫn muốn được cùng chồng già đi, muốn được chứng kiến những khoảnh khắc con vào đại học, lập gia đình, sinh con. Chị khao khát mình có mặt trong những viễn cảnh tương lai đẹp đẽ ấy.
Chị nhớ, chị sang Mỹ định cư vào năm 1997 theo diện đoàn tụ. Sang Mỹ được 3 tháng thì chị gặp anh. Anh là người Hồng Kông, dù cả hai không biết tiếng của nhau, nhưng cảm mến nhau từ những giây phút đầu tiên. Quen nhau 9 năm, anh chị mới kết hôn. Chị sinh liền 2 đứa con và ở nhà từ năm 2006 đến bây giờ để chu toàn chăm sóc gia đình, con cái.
Bây giờ khi con lớn, đã 8 tuổi và 12 tuổi, chị mới quyết định đi làm, hòa nhập trở lại với dòng chảy xã hội. Chị cũng bắt đầu có những ngày tháng thảnh thơi hơn, muốn cùng anh tận hưởng nhiều khoảng thời gian chỉ có 2 vợ chồng bên nhau. Nhưng cục u lại chặn đứng tất cả suy tính tưởng chừng như rất đàn bà, rất giản đơn ấy của chị.
Đầu tháng 11/2020, chị đi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư vú lần đầu. Bác sĩ nói: “Dựa theo kết quả là ung thư giai đoạn 2. Phác đồ bắt buộc phải xạ trị để giết mầm mống ung thư, 4-6 lần tùy theo mức độ. Sau khi xạ trị, chị sẽ được phẫu thuật cắt bỏ tế bào chết - cắt bỏ ngực bên trái của mình”.
Ngoài lời khuyên cần phải lạc quan, bác sĩ cũng nói trước với chị về việc phải chuẩn bị sức khỏe tốt nhất có thể. Thuốc xạ trị vào có thể giết chết mầm mống ung thư nhưng đồng thời cũng tiêu diệt cả những tế bào tốt.
“Chị quyết định mình sẽ chiến đấu tới cùng, sẽ lạc quan và chọn chiến thắng”, chị nói.
|
Qua mỗi lần xạ trị, chị lại cố gắng vực dậy tinh thần để chiến đấu tiếp |
Mỗi lần vào ra bệnh viện, chồng chị đều là người đứng bên cạnh chị từng giây từng phút. Với 2 con, chị chỉ nói chuyện sơ qua về bệnh của mẹ, để các con không suy nghĩ nhiều. Biết mình sau khi xạ trị sẽ yếu, chị lên một danh sách để gọi đồ ăn trong suốt 4 ngày về cho các con. Gia đình chồng giúp chị chuẩn bị đồ ăn bổ dưỡng trong nhà. Chồng túc trực bên chị.
Chị quyết định: bất kỳ việc nào có thể giúp mình tích cực hơn, chị đều sẽ làm. Như sau lần xạ trị đầu tiên, tóc rụng hết, chị quyết định đi chụp một bộ ảnh thật xinh đẹp. Đến spa của người bạn gái để chuyện trò, uống trà sữa và lưu lại những khoảnh khắc tươi trẻ của mình, chị thấy vui vẻ hơn rất nhiều. Chị tránh xa những người nói lời tiêu cực và chỉ muốn tiếp chuyện những người yêu thương mình thực sự.
Chị vẫn thường mặc đẹp để ra ngoài hít thở không khí, đi dạo, đi mua sắm, xem phim... Tóc rụng rồi, chị mua tóc giả theo nhiều kiểu khác nhau. Chị cũng có sẵn rất nhiều khăn để che đi cái đầu đã không còn tóc. Mỗi lần bước ra đường, chị vẫn chải chuốt xinh đẹp để nhìn lại hình ảnh cũ của mình và như không hề có khối u nào bên trong. Bạn bè đùa rằng nhìn chị cứ ngỡ như một fashionista.
|
Chị đến spa của một người bạn để lưu lại bộ ảnh, tìm những cảm hứng tích cực |
Còn với chồng, anh chị vẫn rất tình cảm và lãng mạn từ xưa đến nay. Dịch bệnh, nhà hàng đóng cửa, nhưng hai vợ chồng vẫn có thể đi công viên, đến những nơi riêng tư để chụp ảnh kỷ niệm. Anh lúc nào cũng bên chị để ân cần chăm sóc, động viên. Anh gọi chị là "người phụ nữ kiên cường nhất tôi từng biết".
Thế nhưng dù cố gắng để tâm trạng tích cực lên, vẫn có những lúc chị bị tuột dốc: “Nhiều khi đang nửa đêm, bỗng nhiên mệt mỏi, buồn tủi quá, chị chạy vào phòng tắm và khóc. Rồi hờn trách: “Tại sao là tôi?”. Hay những lúc chị bần thần, nước mắt tự nhiên chảy ra. Nhưng chị biết mình vẫn phải khóc, phải than vãn nhưng khóc xong rồi lại kiên cường cố gắng. Chị lau nước mắt tự động viên mình: “Sẽ qua, sẽ qua thôi. Mái tóc sẽ mọc lại, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”. Chị chấp nhận số phận và chiến đấu”.
Cứ thế, chị bồi đắp sự lạc quan để có sức bước qua từng bước. Đến nay, sau 3 lần xạ trị, cục u đã biến mất, đúng dự đoán của bác sĩ. Chị đã thấy những tia sáng đầu tiên trên con đường mình đi và càng tin tưởng vào chiến thắng.
|
Mỗi lúc ra ngoài, chị vẫn luôn giữ cho mình một diện mạo xinh đẹp |
Một mùa Xuân nữa lại về, như bao năm trước, dù định cư ở Mỹ, chị vẫn luôn có những cái tết truyền thống Việt Nam, sum vầy bên người thân. Chị kể: "Cộng đồng Việt Nam ở bên này vẫn có chợ tết, trào lưu áo dài, đi chùa, sum vầy mâm cơm chiều 30. Nhưng năm nay, do dịch bệnh, không được gặp nhau nhiều, mọi người dùng mạng xã hội và hẹn từng nhóm 5 - 10 người thay vì khoảng 25 người như trước. Mọi người vẫn sẽ ăn cơm gia đình, mua sắm đồ tết, chúc tết... Chị vẫn luôn rất yêu thích cảm giác được sống giữa ngày tết".
Chị mong sự lạc quan và những tia sáng trong câu chuyện của mình sẽ truyền được niềm an ủi, động viên những người phụ nữ cùng hoàn cảnh khác. “Ung thư không phải là điểm cuối, mình không thể khuất phục được. Mỗi ngày dù nhìn mình héo úa như bông hoa tàn trong gương, bạn hãy tự động viên rằng mùa đông qua đi, mùa xuân sẽ tới. Tóc rụng rồi thì sẽ mọc lại thôi”, chị nói.
Linh Nguyễn