Người mẹ trong điện ảnh đương đại: chuyện xung đột thế hệ

12/05/2019 - 15:00

PNO - Không đi theo khuôn mẫu tần tảo, hy sinh đến quên bản thân, người mẹ trong điện ảnh Việt còn giải quyết một vấn đề của thời đại: xung đột thế hệ.

Đã qua rồi cái thời mẹ là phải hy sinh, điện ảnh Việt đương đại đã hướng tới một thực tế và cũng là "bài toán" khó của vai trò người mẹ hiện tại: những đứa con muốn bay nhảy, làm điều chúng thích, muốn thoát khỏi những sắp đặt của mẹ, dù vẫn rất yêu thương mẹ.

Hiểu Phương - bà mẹ của Tháng năm rực rỡ, vốn năng động và giàu sức sáng tạo nhưng cuộc sống gia đình phẳng lặng khiến Hiểu Phương dần trở thành một bà mẹ quá hiền lành, không thể hiểu được con cái. Hiểu Phương vẫn dậy sớm, chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, quần áo, giờ giấc đi học nhưng bà không hiểu được tâm lý của con, không thể sẻ chia, trở thành bạn của con, cũng không biết được con gái là nạn nhân của những vụ bắt nạt ở trường.

Nguoi me trong dien anh duong dai: chuyen xung dot the he

“Bi kịch” của Hiểu Phương chính là bi kịch của một bà mẹ quá hoàn hảo, không phạm lỗi, không mắc sai lầm. Điều này vô tình dựng nên bức tường giữa mẹ và con. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Hiểu Phương gặp lại những người bạn năm xưa, nhớ lại thời trung học nghịch ngợm nhưng vô cùng trong sáng.

“Bà nội” Thanh Nga trong Em là bà nội của anh là một hình thái khác. Bà thương con, thương cháu, dành cả tuổi xuân của mình nuôi dạy con trai nên người, có địa vị trong xã hội. Nhưng bà cũng luôn muốn mọi thứ phải theo ý mình, theo sự sắp đặt của bà, từ việc ăn uống cho đến tổ chức cuộc sống. Chính tình yêu thương quá lớn này dẫn đến việc bà can dự vào việc giáo dục con cái của gia đình con. Mâu thuẫn âm ỉ tích tụ. Đây có lẽ là câu chuyện không riêng của bất kỳ gia đình hiện đại nào. Chính vì thế phim tạo thành cơn sốt ở rạp. Người lớn tuổi đi xem để được sẻ chia, để nhìn lại bản thân trên màn ảnh. Người trẻ tuổi đi xem để hiểu hơn về bà/về mẹ.

Nguoi me trong dien anh duong dai: chuyen xung dot the he

Bà mẹ trong Yolo, bạn chỉ sống một lần thì mang bi kịch khác của người phu nữ hiện đại. Để con giữ mãi hình ảnh tốt đẹp về người chồng đã nhúng chàm, bà chấp nhận đóng vai “ác”. Con phản ứng, trách móc, bà cắn răng chịu đựng. Sợ con đàn hát rồi lại sa chân như chồng, bà tìm mọi cách ngăn cản cũng như thử thách. 

Nguoi me trong dien anh duong dai: chuyen xung dot the he
 

Trong khi đó, trong mắt con trai, bà là một bà mẹ lạnh lùng, vì công việc mà bỏ quên chồng con, chỉ biết lao đầu kiếm tiền. Bà lại ra sức ngăn cản giấc mơ trở thành ca sĩ khiến con phản ứng càng mạnh và quyết tâm bỏ nhà đi.

Một lần nữa, việc chia sẻ với con như hai người bạn, hãy xem con là một đứa trẻ trưởng thành là một điều không dễ của những người mẹ. Những đứa trẻ của xã hội hiện đại, chúng cần được thông tin và tự đưa ra nhận định của mình, dựa trên sự đồng cảm của bậc sinh thành. 

Làm gì khi con yêu sớm là nỗi trăn trở của người mẹ trong Em gái mưa. Từ quá khứ nông nổi của chính mình, người mẹ ấy đã cấm đoán con bằng nhiều hình thức, thay vì lắng nghe và tìm cách tháo gỡ.

Nguoi me trong dien anh duong dai: chuyen xung dot the he

Nhưng tình yêu là thứ càng cấm, càng bung nở. Mâu thuẫn giữa mẹ và con lớn dần. Đau đớn nhất có lẽ là lúc bà không kiềm chế được, tát đứa con gái bà nâng như trứng hứng như hoa một cái trời giáng. Mẹ một chiến tuyến, con một chiến tuyến, ai cũng muốn giành phần thắng về mình. 

Phải giải quyết xung đột thế hệ rõ nét nhất có lẽ là với bà mẹ trong Cô Ba Sài Gòn. Một bà chủ một tiệm may áo dài nổi tiếng nhất nhì đất Sài Gòn xưa muốn con nối nghiệp may áo dài, không chỉ vì cái nghề gia truyền của gia đình mà còn bởi tà áo ấy là hồn cốt văn hóa của người Việt. Nhưng cô con gái đỏng đảnh, sành điệu như phần đông các cô gái thời đại đó, chỉ thích văn hóa Âu Mỹ, thích những chiếc mini juyp, những bộ cánh tân thời hơn áo dài.

Nguoi me trong dien anh duong dai: chuyen xung dot the he

Một câu chuyện quen thuộc của rất nhiều gia đình, nhưng không như phim, sẽ chẳng có cánh cửa xuyên không nào để giúp những đứa con nhận ra mọi thứ trước khi quá muộn. Còn những bà mẹ, thay vì nghiêm khắc đến khắc nghiệt với con, hãy thử một lần lắng nghe và tiếp sức cho chúng. 

Đại Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI