Thật khó để bắt đầu viết thêm một điều gì đó khi mà cảm giác buồn nôn đến tởm lợm sau khi đọc bài báo về K.A, bé gái bị cha xâm hại thường xuyên, mỗi ngày đến mất nhân tính. Phải, chuyện gì rồi cũng có thể xảy ra khi trong con người vẫn đầy những dục vọng, sân si ham muốn và vật chất. Nhưng, một người cha ruột hành hạ con gái mình bằng tình dục như thế, mỗi ngày, bất chấp làm con đau đớn, chảy máu... thì hình như đó không phải là một con người, đừng nói chi đến hai chữ "người cha".
Tôi chẳng muốn lên án hay chửi rủa ông ấy bằng những từ ngữ gì. Bởi có lẽ nói gì cũng bằng không, vì ông ấy đâu phải một con người! Người ta khi đã hành động bằng bản năng của một con thú, chắc chắn sẽ không thể nghe được tiếng người. Bản án dù có thế nào với ông ta, tôi nghĩ nó vẫn không đủ trả giá với những nghiệt ngã mà ông ấy đã gây ra.
Tôi cũng thấy mình quá bé nhỏ để nhìn vào hệ thống các trung tâm bảo vệ trẻ em trải dài trên khắp đất nước và tự hỏi họ ở đâu, họ làm gì? Những lời thăm hỏi khi mọi chuyện đã qua. Vài tờ đơn trình bày khi nỗi đau đã dường như khô lại, dính chặt trong trái tim, tâm hồn em liệu có làm được gì? Họ vẫn thế. Từ bao nhiêu năm tháng qua, họ vẫn luôn là người đến sau… Chỉ khi sự đã rồi, chỉ khi nỗi đau đớn đã chồng chất, chỉ khi nạn nhân phải tìm đến cái chết để kêu oan... Họ có trách nhiệm gì trong những nỗi đau mà các em gái như em đang trải qua. Tôi không biết, và có lẽ chính họ cũng không biết.
|
Hình minh họa |
Mới hôm qua thôi, tòa án vừa xét xử một vụ án mà nạn nhân cũng là một bé gái bị dâm ô. Em kêu cứu bằng những lá đơn để rồi tuyệt vọng chọn cách quyên sinh. Hôm kia và hôm trước nữa có biết bao vụ án tương tự và chúng ta cũng biết chắc rằng, sẽ còn rất nhiều những câu chuyện kinh tởm như thế...
Tôi cũng chẳng thể trách một nền giáo dục dạy cho trẻ em quá nhiều những kiến thức về địa lý và hình học không gian, về cả nguyên lý của địa cầu, cấu tạo vỏ vật chất, mà quên dạy cho cháu khả năng tự bảo vệ mình. Giá như, cháu được dạy về sự dũng cảm, về việc can đảm bước ra phía ngoài ánh sáng để bảo vệ chính bản thân mình. Giá cháu được giáo dục nhiều hơn về việc sống như thế nào được gọi là cuộc sống của một con người. Có thể cháu sẽ hành động khác. Không có bất cứ điều gì lớn lao hơn việc được sống và ước mơ cho chính cuộc đời mình, kể cả là cái chết.
Nhưng, tôi trách chị - người mẹ của bé ạ!
Tôi biết chị lầm lũi, cặm cụi suốt đời bán rau, núp bóng sự tần tảo và hi sinh của chính mình để lo cho tương lai của các con. Nhưng, có ý nghĩ gì nữa không, khi cuộc đời con chị đã bị hủy hoại bởi chính sự thỏa hiệp đến vô cảm của chị. Thật xót xa khi chị có thể nói: "Âu cũng là cái số con phải chịu vậy, nếu tuổi này con không bị mất trinh thì về sau, đời con còn khổ hơn”!. Có sai không khi tôi hình dung thấy sự cam chịu, chấp nhận và sự đồng lõa với cái ác, sẵn sàng đem con mình ném cho quỷ dữ của chị trong câu nói này? Đó không phải lời nói của những bà mẹ bình thường trong hành trình đòi công lý và bù đắp cho con gái của họ trước nạn nhân xâm hại tình dục.
Những người mẹ, là chiếc phao cứu sinh cuối cùng cho cuộc đời một đứa trẻ là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Nhưng trong câu chuyện này, con chị đơn độc trước cả chính chị.
Ai rồi cũng phải mưu sinh. Ai rồi cũng phải sống. Song, thực sự chẳng ai vì mưu sinh mà đánh mất cả cuộc đời của con mình cả. Liệu rằng có lúc nào đó về sau, chị vấn lương tâm của mình để nghĩ lại về nước mắt của con, về những lời kêu cứu chỉ qua ánh mắt mà chị hững hờ bỏ qua vì lý do một ngày mưu sinh mệt mỏi?
|
Hình minh họa |
Chúng ta đã bỏ rơi quá nhiều sự thấu hiểu, trong hành trình vẽ ra thứ gọi là mưu sinh.
Trong rất nhiều những câu chuyện về xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân thường nép rất chặt vào vòng tay của mẹ để được yêu thương và che chở. Đó là cách cách em tìm được sự động viên và lý do để tiếp tục vượt qua những tổn thương – mà chắc không bao giờ có thể lành lặn hoàn toàn. Nhưng K.A, đến tận thời điểm này, vẫn không thể có được điều đó. Sự thất vọng, tổn thương sâu sắc đã khiến em giờ đây không muốn nhìn vào mắt mẹ.
Trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài có câu: “Ở trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Có những đứa trẻ có thể mãi mãi lớn lên mà không hiểu được ngoài kia sẽ có nhiều hơn những điều tươi sáng, rực rỡ đang đợi chúng nếu ta không vẽ ra cho chúng một tầm nhìn. Vậy nên, những người mẹ hãy là người dẫn đường mạnh mẽ kéo con ra khỏi vùng tối chứ đừng là người phủ thêm lên con trẻ tấm chăn tăm tối của cam chịu.
Có những nỗi đau mãi mãi được giấu kín, và có những đứa bé bị xâm hại mãi mãi chìm đắm cuộc đời mình trong vực sâu, ngây thơ tự hỏi: “Thế giới này chỉ là bấy nhiêu đó thôi sao”.
Và rồi… phần còn lại trong câu chuyện cuộc đời những bé con, có lẽ người lớn nào cũng sẽ tự biết…
Ta sẽ làm gì? Ai đó sẽ làm gì?
Khánh Mai