LTS: Ngày 17/1/2016, lễ động thổ khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa rộng 2ha, kinh phí chừng 70 tỷ đồng với biểu tượng trung tâm là hình ảnh “Người mẹ thắp lửa”, nhằm vinh danh những người Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư, đã được thực hiện trên núi Thới Lới (Lý Sơn - tỉnh Quảng Ngãi).
Gần ba năm trôi qua, viên đá xanh khá lớn với dòng chữ “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” được đặt xuống buổi khởi công đó, cô đơn dằng dặc với cỏ, với sóng gió Biển Đông, bởi mọi thứ từ đó “án binh bất động”. Trả lời cho câu hỏi “vì sao như thế” có lẽ không thỏa mãn được nỗi niềm đi qua chừng đó thời gian, bởi ngọn lửa hy vọng đã thắp rồi lặng lẽ...
|
Bạn nói với tôi, rằng anh hãy thử, sẽ biết. Tôi chạy xe băng qua cánh đồng tỏi bạt ngàn, nhắm núi Thới Lới lúc sáng lúc tối bởi mưa rồi nắng, như màn trập máy ảnh cứ đóng mở không ngừng.
|
Ngày động thổ khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa |
Chạy tới, mang theo lời khuyên đó, hỏi một bà đang chống cuốc trên ruộng tỏi. “À, ở chỗ ủy ban”. “Không, tượng đài cách đây gần ba năm đã khởi công”. “À, cột cờ trên đỉnh đó”. “Không, tượng đài người mẹ Hoàng Sa mà”. Bà dừng mấy giây, nỗi ngơ ngác giăng màn như thể chính tôi nhầm. “Ừ, à, à đúng rồi, đằng kia, gần chùa Hang, mà có làm đâu, có thấy gì đâu”.
Gió băng qua hẻm núi, thổi tạt chiếc nón lá đã cũ làm lộ hết gương mặt giông gió của người đàn bà Lý Sơn. Nỗi nhớ như gió vừa đi qua trong đôi mắt như bao đôi mắt xứ này, vốn đã nghiền nát những đêm tối thăm thẳm ngóng trùng khơi, nhìn như muốn bong mặt biển, lại có phút như cái quay đầu não nề khi sóng tung ghềnh trong chiều tắt nắng mà tàu không về.
Lại một đoạn nữa, người đàn ông trung niên đi xe máy cùng chiều chở hai đứa con nít, lại câu hỏi vừa rồi, lại nhận được thoáng đăm chiêu, rồi ồ à, chỗ đó, chỗ đó, nhưng họ làm cho có rồi bỏ… Lời bạn khuyên tôi hãy thử, không sai, rằng đau lắm, buồn lắm, ra đó mà hỏi dân xứ đảo tượng đài Người mẹ thắp lửa, mấy ai còn nhớ…
***
Bữa đó là ngày 17/1/2016, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đặt viên đá khởi công khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa với tượng đài trung tâm có tên Người mẹ thắp lửa. Theo ban tổ chức, công trình dự kiến kinh phí khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn vận động trong cả nước, xây dựng trên diện tích 2ha, khoảng một năm sau hoàn thành. Ông Đặng Ngọc Tùng, lúc đó là Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nói trong nghẹn ngào, rằng tượng đài này tạc dáng người mẹ đứng nhìn ra biển, tay phải cầm ngọn đèn dầu mù u bằng chai thủy tinh để ngang ngực.
|
Ngư dân Lý Sơn chuyển cát từ Hoàng Sa trong buổi lễ động thổ |
Đó là ngọn lửa của người mẹ nhớ con, chờ chồng; ngọn lửa của lòng tri ân bao thế hệ người Việt đã dâng mình cho cương thổ quốc gia, cũng là ngọn lửa của niềm tin rồi Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ; là lời thề thắp đỏ trong tim bao đứa con xứ sở, rằng mãi mãi Hoàng Sa là của chúng ta.
Bữa đó, trong cái nắng chát chúa hiếm hoi cuối năm, mồ hôi và nước mắt đã chảy, mừng cho cái ngày mà tâm niệm đâu chỉ của dân Lý Sơn - hậu duệ của những hùng binh xưa ra đi giữ gìn từng tấc lãnh hải, mà có cả đại diện người lao động cả nước, lãnh đạo Trung ương, những người trực tiếp tham gia và gia đình của những ai có chồng con hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm, rằng những ai bỏ mình vì Hoàng Sa đều là con cháu Lạc Hồng, xứng đáng được tạc tên vào sử sách… Sân khấu buổi giao lưu xanh màu của cỏ, của nước biển và xanh cả những hy vọng. Bữa đó, những đôi mắt như không buồn nữa, khi lửa đã được thắp lên thêm một lần.
***
Tôi vạch cỏ leo dốc. Tấm pa-nô phác thảo tượng đài ngay đầu dốc đã úa màu thời gian. Bà chủ quán gần đó nói vọng theo: “lên đó thì phải đi bộ, lâu lắm không thấy ai lên”. Nơi đó cách vệ đường đâu chừng 100m, chẳng cheo leo gì, thậm chí bằng phẳng bởi đã được san dọn. Mình tôi và cỏ. Cỏ mọc có đoạn lút ống chân, có đoạn như trân mình không chịu vượt lên khỏi đất. Những nhấp nhô nối tiếp như muốn nói, lại muốn im.
Viên đá còn nguyên màu sáng, nhưng chữ Lý Sơn ở dưới như dòng lạc khoản ấy, màu sơn đã bắt đầu phai. Tôi chạm tay vào đó. Lạnh như thể cái nhắm mắt đã lâu. Tôi nhìn cỏ đã bắt đầu len dần vào chân đá, lấn lên trên cát. Cát để làm lễ đặt viên đá đầu tiên này, chính là cát được ngư dân của sáu dòng tộc ở Lý Sơn mang từ Hoàng Sa về.
Bữa đó, cát được đựng trong sáu lọ lớn, chuyền tay từ những ngư phủ đã và đang trần mình với sóng nước, chuyền qua tay những người mẹ, người chị có chồng mãi mãi nằm lại Hoàng Sa, qua tay những chiến binh dũng cảm năm 1974 đối mặt với đạn thù như ông Lữ Công Bảy, rồi được sáu vị chức sắc của Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đổ xuống, làm lễ động thổ. Cát bữa đó ấm hơi người. Bây giờ, chỉ có cát và cỏ. Có hạt cát ánh lên, sắc, nhỏ, nghiêm nghị như nhìn tôi, không hỏi, không nói điều gì.
Dưới xa kia là chân núi giao hòa với biển. Vẫn sóng như bữa đó, tung trắng bờ. Bữa đó, trời động, nhiều người đã say sóng. Tôi nhớ bà Ngô Thị Kim Thanh nói trong hơi thở mệt, là bà bị say sóng khi phải di chuyển một mạch từ Sài Gòn ra Đà Nẵng rồi đi Lý Sơn, nhưng lòng vui lắm. Chồng bà, ông Nguyễn Thành Trí - Hạm phó Hộ tống hạm Nhựt Tảo - tử trận tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Lúc đó, bà mới 28 tuổi, đang mang thai đứa con thứ hai.
Tôi nhớ ánh mắt bà, người đàn bà ở phố thị mà thăm thẳm buồn không khác gì mắt người đàn bà Lý Sơn. Khi bà cùng con gái đứng cạnh viên đá tưởng niệm để chụp hình, tôi thấy bà cười, hiền hậu, nhẫn nhịn, lặng thầm mà đầy nội lực. Có người đàn bà Việt nào ở xứ sở này lặn lội chồng con, một mình chèo chống bão tố để đi qua bao canh thâu trong nước mắt cô phụ mà không can trường? Họ giấu tất cả sau ánh mắt, trả lời đời bằng nụ cười như thách thức đau thương, bởi chỉ có cười mới giúp họ đứng vững, nuôi con, sống hết một đời dân lam lũ... Bà Thanh mất ngày 7/1/2017.
Bữa đó, bà đi lẫn trong dòng người, dáng nhỏ, chênh vênh như mất hút giữa bao người đàn bà miền biển mất chồng mất con ở Hoàng Sa. Bà với họ là một.
***
Tôi ngồi bệt lên cỏ, nhớ ca dao xứ này: Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng/ Ngó ra ngoài biển, biển động thinh thinh/ Ngó vô trong dạ buồn tình/ Đêm nằm nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng/ Đêm nằm nước mắt rơi nghiêng/ Áo em năm vạt ướt liền cả năm. Cỏ như người đàn bà miền biển, giờ nằm nghiêng nhìn viên đá, như muốn hỏi liệu có nhớ buổi động thổ cảm động đó không? Câu hỏi rằng, vì sao động thổ rồi để đó?
|
|
Một người có trách nhiệm ở Quảng Ngãi trả lời, là phải xem lại địa điểm, vì nơi này lưng chừng núi, tượng chỉ cao 18m, người đi biển nhìn vào sẽ không thấy, chắc là phải dịch chuyển lên cao hơn nữa, gần cột cờ trên đỉnh núi, nâng chiều cao lên 35m; bức tượng chắc phải thêm thắt, không chỉ mẹ mà có thêm hai đứa con nhỏ hai bên; tiền vận động cũng chưa đủ… Một người rành chuyện này, gạt phắt liền, không phải tiền, không phải tượng, không sửa chi nữa hết, nếu có chăng là vị trí, nhưng chừng đó không phải là lý do để dừng thi công gần ba năm rồi. Chừng đó thời gian, anh có biết nỗi chờ đợi và niềm tin bị bào mòn thế nào không?
Thêm một ngày kéo dài ra, là có lỗi với bao người. Chúng ta sống có trách nhiệm, hứa với dân, gieo niềm tin sâu thẳm trong họ, vì đụng đến Hoàng Sa là sục sôi ngay, nhưng chừng đó năm không một lời giải thích. Có cái gì lớn hơn lòng tự tôn dân tộc, là Tổ quốc, là đất đai tổ tiên? Làm mà để dân quên, là nguy rồi.
Trả lời tôi qua điện thoại, ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nói rằng, có lý do khách quan và chủ quan nên công trình chưa tiến hành thi công, mọi việc sẽ được khởi động vào đầu năm 2019. Tôi nghe điện thoại xong và nhìn cỏ như một dấu lặng nằm nghiêng khổng lồ nhìn ra biển. Những dấu giày in trên cỏ bữa đó bay biến lâu rồi, chỉ còn cỏ và phiến đá lẫn vào nhau. Cỏ là bậc tiên tri hành hiệp bình thường, nhỏ nhoi nhưng kiên gan như chứng nhân ở nơi không người. Đá cũng không vô tri, khi im lặng, lắm lúc là lời nói quyết liệt nhất.
Cách tôi một tay với, có ngọn cỏ cứng, nhỏ, mọc thẳng lên như cô lẻ giữa rừng cỏ mượt mềm, nhìn như đoạn xương người không chịu hủy bởi nước mặn và bão tố lạnh lùng quăng quật, dạt trôi từ xanh thẳm Hoàng Sa tìm về đất mẹ. Tôi không nén được nghẹn ngào khi nhớ thơ Lý Văn Hiền viết về dân binh Lý Sơn và những ngôi mộ gió: Thân còn sót đoạn xương thừa/ Cũng mài vào đá mà thưa cùng người/ Đây là cương thổ muôn đời/ Sống làm lưỡi kiếm vạch trời đất ghi.
Sắc biển đã bầm đỏ nơi cuối chân trời. Tôi ngó lần nữa, lần này cả núi Thới Lới hình như cũng nghiêng theo cỏ và đá. Nhà trên đảo đã lên đèn…
Trung Việt