Người mẹ sống chết không rời quê hương

03/11/2020 - 05:41

PNO - Đàn bà miền Trung chỉ muốn sống chết trong ngôi nhà của mình. Họ không thể dứt ra mà đi đâu khi mọi thứ đã bọc họ bằng tình yêu vĩnh cửu.

Sau nhiều ngày trầy trật mới mua được vé xe, cuối cùng, bạn cũng về được đến quê. Từ Quảng Nam, bạn gửi cho tôi dòng tin: “Mình vừa bước vô cổng, thấy má ngồi trầm ngâm trong căn nhà thông thốc gió, nền nhà đầy ngói vỡ. Má ôm trong lòng bức ảnh của gia đình. Bức ảnh vùi trong mưa bão, đất cát nên rất bẩn và nhòe ố. Nhìn thảm gì đâu...”.

Bạn nói, về quê chuyến này, bằng mọi giá phải đưa má vào TPHCM sống hẳn với vợ chồng bạn. Còn ngôi nhà ở quê, ai hỏi mua thì bán.

Ba mất khi bạn học cấp II, anh trai học cấp III. Một mình má bạn nuôi dạy các con khôn lớn. Xong lớp 12, anh em bạn lần lượt vào TPHCM học đại học. Ra trường, thương má một mình nên đều chọn về quê lập nghiệp. Nhưng, lá đơn xin việc gửi đi nhiều nơi mà không thấy hồi âm.

Những người đàn bà một mình xoay trở trong bão lũ, vì chồng đã đi xa lập nghiệp. Mảnh đất miền Trung năm nào nếu không bão lũ cũng hạn hán xoay vần, đàn ông thường phải đi tứ xứ mưu sinh
Mảnh đất miền Trung năm nào cũng đối diện thiên tai, mất mát - Ảnh minh họa

Cuối cùng, lần lượt hai anh em đành quay lại Sài Gòn và sớm có việc làm "ngon lành". Sau vài năm, người nào cũng có gia đình riêng. Cuộc sống của các con nơi thành phố ổn định, khá giả; nhưng mẹ bạn khước từ mọi lời mời của con vào thành phố sống cùng. Bà nhất quyết ở lại quê nhà, tiếp tục sống một mình. 

Như bao bà mẹ trên xứ sở này, bà nói nhẹ tênh: “Quê cha đất tổ, ai mà bỏ đi cho đành”. Một mình ở quê, bà không hề thấy buồn, bà nói sống ở thành phố mới là “chết người”. Mỗi ngày, bà quẩn quanh heo, gà, ngỗng với đám rau. Đêm, bà thắp nén hương lên bàn thờ của chồng, tổ tiên và đủ thấy ấm lòng.

Bà thương từng con ngõ bằng đất quanh nhà, mến cách giao tiếp chân chất ngoài chợ quê. bộ bà ba mặc hoài không thấy chán. Dăm ba tháng, bà lại lên mộ chồng, mộ ông bà cha mẹ để làm sạch cỏ...

Rồi cứ hai tháng một lần, cảm tưởng như bà gom hết hàng hóa ở chợ quê, nào cá thịt, rau củ đóng vào thùng, gửi cho các con. Bạn tôi chốt: “Má vui với những niềm vui như vậy. Không sao thay đổi được".

Và, cũng như mọi bà mẹ trên xứ xở này, khi con cái cần, bà sẵn lòng giúp đỡ. Hơn một năm nay, bà vào Sài Gòn chăm bạn tôi sinh nở, rồi phụ chăm cô cháu ngoại cho bạn tôi đi làm. Ba, bốn tháng một lần, bà “xin” bạn mua vé xe khách cho về quê vài hôm.

Bà thường nói: “Về rồi lại vô. Chớ má nhớ nhà, nhớ quê không chịu được”.

Vừa rồi, cũng từ cơn nhớ bất tử đó mà bà trở về quê. Trước thông tin sẽ có lũ lụt, bạn năn nỉ bà mau trở lại thành phố. Bà đáp, năm nào xứ này chẳng lũ lụt, phải ở lại, chờ lũ đi qua, xem nhà cửa ngập không, dọn xong rồi quay vào.

Nhưng người tính đâu bằng trời tính. Lũ ồ ạt đổ về khắp các tỉnh miền Trung. Đêm đó, nước tràn vô nhà bà. Khi nước trong nhà dâng lên hơn nửa mét, một chiếc xuồng của ai đó chạy ngang, bà lội thật nhanh ra thềm, gọi khản giọng xin chở đến nhà người quen trú lũ.

Đêm đó, ở thành phố, bạn tôi nức nở, gào thét, hết gục đầu vô người chồng đấm thình thịch đến vơ vội bộ đồ, đòi phải về quê bằng được. Cho đến khi mẹ bạn điện thoại, thông báo an toàn rồi, bạn mới thôi “phát điên”.

Lũ qua, anh trai bạn quyết tâm phải về quê đón mẹ, đi nửa đường đành quay lại thành phố, vì vợ anh sắp sinh. Mẹ bạn điện vào trấn an các con: “Bùn đóng nhiều lắm. Má lau dọn nhà cửa, rửa mớ chén bát, tủ bàn; giặt phơi quần áo, giường chiếu tinh tươm rồi vô liền”.

Mẹ bạn chưa kịp vào Sài Gòn thì bão về. Cơn bão số 9 dự đoán rất lớn. Bạn gọi cho mẹ, khóc. Bà nói qua điện thoại, giọng cũng nghẹn: “Má không vào đâu. Má vào, ngoài này nhỡ bão vô, phá nhà phá cửa, phá hết mọi thứ vợ chồng má gầy dựng, mấy món đồ chồng để lại cho má, sao đành”.

Bà chọn ở lại một mình, loay hoay mua mấy thùng các tông, đóng kín từng món đồ trong nhà,  phủ bạt che chắn rất kỹ. Xong, bà sang nhà người quen kiên cố hơn tránh bão.

Chắc trong cơn dọn dẹp loay hoay mệt nhoài, bà quên mất tấm ảnh treo trên tường. Tấm ảnh với đầy đủ người thương yêu nhất, gồm cha mẹ hai bên, chồng và các con chụp nhân một dịp Tết năm bạn tôi còn nhỏ xíu.

Ngôi nhà, đất quê, kỷ niệm với từng người mất dấu trong bão lũ
Những người đàn bà ở lại giữ ngôi nhà, đất quê, kỷ niệm với từng người thân... - Ảnh minh họạ


Bão lũ dội về, nhà cửa tan hoang, đàn ông đau nỗi đau khánh kiệt, trắng tay; đàn bà, còn có nỗi đau mất dấu những kỷ niệm, những yêu thương...

Không biết chuyến này bạn có thành công trong cuộc thương thuyết đưa mẹ vào thành phố sống hẳn hay không. Nhưng, tôi biết rất nhiều bà mẹ "cố thủ trên cố hương" như vậy ở dải đất miền Trung. Họ chẳng chịu rời nhà, bỏ quê đi đâu bao giờ.

Xứ sở không năm nào yên ổn với thiên tai. Đàn ông có thể dạt tứ xứ mưu sinh vì vai trò trụ cột. Cũng có thể do sự phân công, nhưng đàn bà thường là người ở lại, chọn ở lại. Họ gắn mình với mái nhà, với đất quê; không phải họ ngại đến xứ người mưu sinh; mà thường là suy nghĩ "ngôi nhà phải có mình".

Đàn bà giỏi chăm con, giữ nếp nhà. Đàn bà tròn trịa trong giao đãi xóm làng, chỉn chu trong thờ phụng. Đàn bà yêu ngôi nhà của mình, lau từng góc bếp, hộc bàn, quét từng chiếc lá rụng trên mảnh sân con con... Khó mà dứt đi khi mọi thứ chung quanh đã bọc họ bằng tình yêu vĩnh cửu.

Tuyết Dân

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI