Người mẹ nghèo 25 năm bán vé số nuôi đứa trẻ bại não bị bỏ rơi

21/02/2025 - 14:17

PNO - Câu chuyện của bà Liên và “cậu bé” Huỳnh Nhứt Lãm 25 tuổi không chỉ là hành trình của tình mẫu tử bao la mà còn truyền cảm hứng về nghị lực phi thường...

“Cô ơi, bé Lãm nhà tôi nay biết tự nấu mì rồi”. Đây là nội dung cuộc gọi cho phóng viên vào những ngày đầu năm của bà Lưu Thị Kim Liên - 59 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM.

Bà Liên đã dành trọn 25 năm đi bán vé số, giúp việc nhà để cưu mang đứa trẻ bại não, câm, bại liệt bị bỏ rơi. Câu chuyện của bà Liên và “cậu bé” Huỳnh Nhứt Lãm 25 tuổi không chỉ là hành trình của tình mẫu tử bao la mà còn truyền cảm hứng về nghị lực phi thường, lòng nhân ái đáng quý giữa đời thường.

Số phận nghiệt ngã

Cách đây hơn 1 năm, bà Liên và Lãm (mà bà luôn gọi là “bé Lãm”) tìm đến Báo Phụ nữ TPHCM với tờ đơn xin giúp đỡ có chứng thực của UBND phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân.

Đơn có nội dung: “Tôi đang nhận nuôi cháu Huỳnh Nhứt Lãm, sinh ngày 30/4/2000, bị mẹ bỏ rơi từ khi 4 tháng tuổi. Cháu Lãm bị khuyết tật nặng: bị bại não, bị câm, bị liệt không đi đứng được. Nay tôi làm đơn nhờ báo giúp cho Lãm chi phí giám định ở Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM để Lãm được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người khuyết tật”.

Bà Liên cho biết, 25 năm trước, khi bà còn ở Cần Thơ thì có một cô gái đưa đứa trẻ bị bại não 4 tháng tuổi nhờ bà trông giúp với giá 600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, cô chỉ trả lương tháng đầu tiên và khi Lãm 8 tháng thì cô bỏ đi, sau khi để lại thư: “Con đi chuyến này ráng kiếm tiền mua cho vú với Lãm cái nền nhà, để vú sống và nuôi thằng Lãm. Kiếp này con nợ vú, kiếp sau con trả”.

Bà Liên và Lãm trong lần phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đưa đi giám định sức khỏe
Bà Liên và Lãm trong lần phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đưa đi giám định sức khỏe

Từ đó, Lãm trở thành con út của vợ chồng bà Liên và bà cũng chết danh “Liên khùng” vì bà vừa nghèo, vừa phải nuôi 2 con Huỳnh Hữu Lợi (sinh năm 1987) và Huỳnh Thị Kim Nhung (sinh năm 1988), nhưng vẫn không gửi Lãm vào trại trẻ mồ côi như nhiều người khuyên.

Vợ chồng bà cũng kiên quyết không mang theo đứa trẻ khuyết tật đi bán vé số để mong sự thương hại của khách như nhiều người chỉ dẫn. Bà Liên chỉ đi bán vé số gần nhà trọ và cứ 1-2 giờ lại chạy về thăm bé Lãm (bà nhờ hàng xóm trông giùm khi đi bán vé số).

Trong lúc bà Liên kể chuyện, Lãm cứ đưa đôi mắt ngờ nghệch nhìn mẹ cười, đôi tay huơ vào không trung và miệng ú ớ gọi mẹ. Bà Liên mở túi lấy bánh cho Lãm ăn và nhỏ nhẹ: “Con ăn đi, ráng chờ chút xong mẹ chở về”.

Năm Lãm 3 tuổi (2003), Lợi - con trai của bà Liên - bỗng dưng mất tích. Bà báo công an và lặn lội khắp nơi để tìm con nhưng vô vọng. Bà 2 lần định gửi Lãm vào trại trẻ mồ côi ở TP Cần Thơ để đi tìm con trai. Nhưng Lãm khóc ngặt, chắp tay như van lạy và cố lết tới ôm lấy bà. Thế là bà lại bồng Lãm về nuôi tiếp.

Thế nhưng, nỗi nhớ con trai da diết khiến bà lại có ý định gửi Lãm vào trại trẻ mồ côi. Một lần, bà nói với Lãm: “Lãm ơi, mẹ khổ quá, mẹ phải đi tìm anh Lợi. Mẹ gửi con, khi nào tìm được anh, mẹ sẽ đón con về nghen”. Khi đó, Lãm bỗng dưng trợn trắng mắt, co giật, phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Trong lúc Lãm đang được cấp cứu, bà Liên vừa khóc vừa nguyện: “Lãm ơi, con tỉnh đi, mẹ nuôi con đến chết, mẹ không bỏ con đâu”.

Năm 2007, vợ chồng bà Liên vừa bán vé số vừa ròng rã tìm con trai bị mất tích. Tiền lời bán vé số như muối bỏ bể khi phải lo cho 4 miệng ăn, nuôi Nhung đi học và Lãm thường xuyên đau ốm, ra vô bệnh viện như cơm bữa. Cũng trong năm 2007, gia đình bà Liên chuyển lên TPHCM vì thầy bói chỉ dẫn “sẽ tìm được Lợi ở Sài Gòn”.

Cuộc sống khó khăn khiến bà Liên ngoài việc bán vé số còn phải đi giúp việc nhà. “Những năm tháng đó, nếu không vì thằng Lợi và thằng Lãm, chắc tôi đã gục chết lâu rồi. Bao nhiêu lần tôi bệnh, tôi ngất xỉu nhưng đều may mắn lướt qua được” - bà Liên kể.

Đến năm 2008, bà Liên phát hiện ra Lợi đang sống cách khu nhà trọ của bà chỉ 1 con hẻm. Cả nhà đoàn viên trong niềm vui và nước mắt. Nhiều người cho rằng, vì bà Liên làm điều tốt, cưu mang bé Lãm, nên con trai bà được người khác giúp đỡ và tìm lại được gia đình.

"Cô giáo" mẹ

Gia đình bà Liên luôn vui cười khi nhắc về Lãm. Bà Liên hay khoe với phóng viên: “Lãm tự đi vệ sinh được rồi, tự xúc ăn được rồi cô ơi”. 25 năm qua, bà Liên không chỉ nuôi Lãm mà bà luôn dành trọn tâm sức “phải dạy để bé Lãm có nhận thức, biết tự làm những việc đơn giản”. Đó là lý do khi gặp lại phóng viên lần thứ hai - lúc dẫn Lãm đi giám định sức khỏe - thì cậu đã nhận ra người quen và cười vui.

Tuy nhiên, Lãm cứ hướng ánh nhìn lo lắng về phía bà Liên, vì bà đang bệnh, cơn đau đầu lại tái phát. Lãm đưa bàn tay quắn quéo sờ trán mẹ và miệng ú ớ gọi “mẹ, mẹ”. Bà Liên xoa đầu con trai, trấn an: “Mẹ khỏe, con đừng lo”.

Để một đứa trẻ khuyết tật, khiếm khuyết nặng về trí não và cả thể chất có thể nhận thức và thể hiện sự yêu thương, quan tâm như thế, bà Liên đã trải qua bao vất vả, cực nhọc. Bà cho biết: “1 tuổi Lãm mới biết nghiêng, 3 tuổi mới nhổm bò và 7 tuổi Lãm mới biết bung bàn tay (trước đó Lãm chỉ nắm chặt tay vô thức) nhưng tiểu tiện không kiểm soát”. Dù không được đào tạo cách dạy trẻ khuyết tật, bằng tình mẫu tử thiêng liêng, bà Liên đã đóng vai cô giáo của trẻ khuyết tật hoàn hảo.

Khi còn nhỏ, Lãm như người thực vật. Thế nhưng bà Liên vẫn thường xuyên nói chuyện với Lãm như một đứa trẻ bình thường: “Đây là chiếc xe, đây là cái chén, cái muỗng… Đây là cơm, cơm bỏ vô miệng ăn, mình ăn là phải nhai, nhai xong rồi nuốt cho mau lớn”. Bà giải thích: “Tôi nói thường xuyên cho bé Lãm nhớ, nhớ rồi hiểu, rồi Lãm mới nhận thức được”. Bà cũng dạy Lãm bằng cách hay nhờ: “Con lấy giùm mẹ cái muỗng”, “Lấy cái chén cho mẹ”… để Lãm nhận biết từng món đồ và tập vận động. Bà Liên cũng luôn khen ngợi: “Bé Lãm giỏi quá”, “Bé Lãm thông minh quá” để động viên con.

Khó khăn nhất là lúc bà tập cho Lãm tiểu tiện kiểm soát: “Khi Lãm còn nhỏ, tôi gần như thức cả đêm để canh xi cho con tè, ị”. Sự kiên trì của bà đã có kết quả. Cách đây 2 năm, Lãm đã tự biết đi vệ sinh và điều khó tin nhất là bà Liên đã dạy Lãm nói được. Bà kể: “Khi bé Lãm gọi “mẹ”, tôi mừng như ai cho mình vàng bạc. Có lần tôi nói: “Lãm ơi, lỡ mẹ chết con làm sao?”, bé liền ấn cho tôi ngã xuống rồi nằm kế bên và nói to: “Chết theo”. Kể đến đó, nước mắt bà Liên trào ra vì hạnh phúc.

Đến nay, bà Liên vẫn chưa ngừng dạy con. Lãm đã đếm được từ 1-100 và ráp được chữ cái. Bà thật thà: “Chắc ông trời phú, chứ tôi có học hành gì đâu. Tôi đi bán vé số về là bé Lãm bóp chân, đấm lưng cho mẹ. Tôi muốn xem ti vi đài nào, kêu “Lãm ơi mở coi” là thằng bé mở liền”.

Nhắc đến mẹ và bé Lãm, chị Kim Nhung không giấu được sự tự hào và yêu thương: “Nhà tôi ai cũng thương bé Lãm. Ba mẹ còn thương Lãm hơn tôi và anh Lợi. Nhưng tôi thấy điều đó bình thường, vì Lãm là út cưng của cả nhà mà. Tôi và anh Hai (Lợi) cũng rất thương Lãm”. Bà Liên nói bà sợ nhất là mang tiếng lợi dụng khuyết tật của con để lấy lòng thương hại, nên vợ chồng bà không bao giờ cho con đi theo bán vé số. “Nhà tôi nghèo, nhưng bé Lãm phải được no đủ” - bà nói chắc nịch.

Hiện nay, bà Liên vẫn đi bán vé số mỗi ngày, chỉ bán ở gần nhà để tiện về nấu cơm, chăm sóc Lãm.

Ước mơ của bà Liên là có chiếc xe lăn tự điều khiển để có thể cho Lãm đi ra ngoài chơi hoặc tới chỗ học nghề, bà không phải bồng ẵm, vì Lãm ngày càng lớn, quá nặng so với sức khỏe ngày càng yếu của bà.

Nhìn bà Liên chăm lo cho Lãm, tôi tin rằng, dù số phận có nghiệt ngã đến đâu thì tình yêu thương, lòng nhân ái và nghị lực sống vẫn có thể chiến thắng tất cả. Hy vọng rằng, trong tương lai, Lãm sẽ luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và nhận được thật nhiều tình yêu thương. Tôi cũng mong rằng, những tấm lòng nhân ái như bà Liên sẽ ngày càng lan tỏa, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI