Người mẹ làm chủ "cuộc chơi"

02/06/2016 - 06:42

PNO - Đừng mang cuộc hôn nhân gãy nứt ra để bào chữa, rằng đấy là chuyện của hai người, đâu ảnh hưởng liên quan gì tới con trẻ. Tội chúng lắm...

Ngày tôi còn bé, ba tôi hay đi nhậu say về, rồi “quậy”. Những trận tưng bừng khốn khổ ấy, ám ảnh đeo đẳng mãi không nguôi trong ký ức ấu thơ của chị em tôi, mãi đến sau này...

Hồi đó, mẹ tôi thường nín nhịn, lẳng lặng kêu lũ con nhanh chóng đi ngủ, hoặc tránh chỗ khác, qua nhà hàng xóm chơi, nếu là ban ngày. Tôi ít khi phải tận mắt chứng kiến ba mẹ gây gổ nhau trong những dịp ấy, bởi trận tung hê của ba tôi mới vừa bắt đầu, thường là chị em tôi đã được “di tản”. Khi lớn hơn đôi chút, tôi hiểu rằng, mẹ tôi một mình đương đầu với người say, vốn chẳng dễ dàng hoặc dễ chịu gì. Cứ nhìn vào đôi mắt hoặc rười rượi buồn hoặc sưng mọng của mẹ, là rõ.

May thay, chồng tôi bây giờ không hay bia rượu, nhưng anh nóng tính vô cùng. Người hiền thường cộc cằn. Dăm ba lần chúng tôi cãi nhau to, đề tài thường liên quan tới bên chồng, và anh có vẻ như không kiểm soát nổi cảm xúc, biểu hiện bằng thói vũ phu. Tôi cũng lên cơn điên, vỗ ngực thách thức. Hậu quả, gia đình chúng tôi ầm ĩ cả lên, may có người can ngăn, chứ không có khi lớn chuyện.

Cả hai chúng tôi, sau đấy thường ân hận. Mỗi người mỗi kiểu hối tiếc. Sẽ chứng nào tật nấy khó bỏ, nếu như các con tôi chẳng “can dự” vào mấy cuộc xào xáo ấy. Bằng đôi mắt nem nép hoảng loạn. Bằng tiếng khóc thét vì sợ hãi. Bằng tiếng kêu “Ba ơi!”, “Mẹ ơi” khản đặc nước mắt. Pha ấy, chắc không xa lạ gì với mỗi cặp vợ chồng?

Có bao giờ, sau một trận chiến máu lửa với chồng, bạn để mắt tới giấc ngủ của con mình, nhận ra, chúng co ro đến tội nghiệp hay chưa? Thậm chí, con trẻ khóc thầm trong mơ, ú ớ một nỗi bất an đáng buồn, bởi cuộc đời ấu thơ không bình yên như mong ước của bao người...

Nguoi me lam chu
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Làm gì đây với bọn trẻ ranh vướng tay vướng chân trong cuộc “nội chiến”? Chúng còn bé mà, biết gì đâu, cứ nhốt hết vô phòng, để ba mẹ thoải mái cãi cọ. Những suy nghĩ ấy, tôi cũng từng nhắm tới. Biết là con cái phải chứng kiến cảnh ba hùng hổ đánh mẹ, hoặc ba mẹ xô xát nhau là không nên, nhưng liệu có gia đình nào thật sự tránh được? Hay ông bố lúc lên cơn điên, tức giận có khi đánh luôn cả con? Hoặc bà mẹ để dằn mặt lẫn nhau đã tha hồ quăng ném, và con trẻ đương nhiên ít nhiều hứng chịu? Những cảnh ấy không hiếm, không lạ. Chính tôi đã đôi lần đẩy con mình vào tình huống như vậy, trong nỗi day dứt xót xa nuối tiếc muộn màng sau đó. Khi cậu con trai lên năm mếu máo bảo, mẹ tránh ra đi, hôm qua ba đánh mẹ kìa, mẹ phải cẩn thận...

Tôi tin rằng, cảnh bạo hành gia đình vẫn và sẽ còn tồn tại. Ai sẽ bảo vệ lũ trẻ? Làm gì để giữ cho con trẻ luôn được an toàn? Đưa đi lánh nạn, đợi chồng tỉnh táo rồi hãy về? Làm sao để giữ mái nhà êm ấm, khi cây muốn lặng mà gió chẳng dừng? Người mẹ phải luôn là cái phao tin cậy, tỉnh táo và khôn ngoan, để lũ con còn có chỗ bấu víu…

Một ông bố tốt, có chút lương tri, hẳn phải biết day dứt khi con thủ thỉ khuyên mình bớt nhậu. Bố không về trễ nhé. Bố đừng la mắng đánh đập mẹ con con nữa nghen... Hãy khéo léo dùng con để làm mềm trái tim sắt đá của người đàn ông. Cần đặt ra một giới hạn giữa hai vợ chồng, liên quan tới con. Dù thế nào cũng không được làm con sợ, con đau, con bị tổn thương cả thể xác và tinh thần. Chừng nào chồng còn biết dừng lại ở “vạch” đó, thì hãy nên tiếp tục. Còn không thể, người đàn bà làm mẹ phải nghĩ tới bình an cho con mình...

Nếu người đàn ông làm bố mà tiềm tàng nguy cơ gây hại cho chính con mình, thì tốt nhất nên ly hôn, tránh xa. Thà không có còn hơn tạm bợ vá víu khổ sở. Đâu còn lạ gì chuyện đau lòng bố nổi cơn điên sát hại cả vợ lẫn con kia chứ! Người mẹ nhất thiết phải đặt an toàn của con mình lên hàng đầu. Đừng mang cuộc hôn nhân gãy nứt ra để bào chữa, rằng đấy là chuyện của hai người, đâu ảnh hưởng liên quan gì tới con trẻ. Tội chúng lắm...

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI