Người mẹ khốn khổ đòi quyền nuôi con

23/03/2018 - 16:27

PNO - Cuộc chung sống đầy áp lực, chị Ánh N. rơi vào bế tắc khi trong suốt thời gian ấy, chỗ dựa duy nhất là chồng cũng không có. Anh T. nghe lời mẹ, tin rằng vợ không biết chăm con.

“Người mẹ không lo được cho con là người mẹ bỏ đi. Tôi thương Ánh N., chỉ dạy cho cách chăm con nhưng nó có tiếp thu được đâu”, bà Phạm Thị Kim N. (ngụ P.Tấn Tài, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) phân trần về nguồn cơn xung đột mẹ chồng - con dâu, khiến con dâu Lê Thị Ánh N. (SN 1984) phải đau đớn rời khỏi nhà chồng, để lại đứa con khi mới 7 tháng tuổi.

Nguoi me khon kho  doi quyen nuoi con
Mẹ chồng cho rằng, con dâu không xứng đáng làm mẹ

Bi kịch từ ca sinh mổ?

Trước ngày sinh con, chị Ánh N. nghỉ việc tại TP.HCM, về TP.Phan Rang - Tháp Chàm để được mẹ chồng chăm sóc. Chị cho biết, nhà chồng luôn muốn con dâu sinh thường, để hai năm sau, có thể sinh thêm một đứa nữa… hợp tuổi chồng. Chẳng may, trong cuộc vượt cạn vào tháng 8/2016, biến chứng suy thai buộc chị phải lên bàn mổ gấp.

Ca mổ thành công, nhưng người mẹ trẻ phải đối diện với cơn phẫn nộ từ nhà chồng. “Họ bảo tôi không cố gắng, không chịu khó sinh thường và coi tôi như tội đồ hủy hoại tương lai của ảnh”, chị Ánh N. kể. Cháu mới hai ngày tuổi, bà Kim N. đưa về nhà tự mình chăm sóc. Ngày xuất viện về nhà chồng, niềm vui gần gũi con chưa trọn, chị lại tiếp tục chịu đựng những “nguyên tắc” khắt khe của mẹ chồng.

“Trước khi sinh con, nhà chồng bảo đứa trẻ chào đời không hợp tuổi sẽ khó nuôi nên không cho tôi gọi bằng con, xưng mẹ mà là bằng bé, xưng mợ. Hát ru con, mẹ chồng cũng không cho hát những bài có liên quan tình cảm mẹ con” - chị Ánh N. bức xúc. Hơn thế, cho rằng con dâu từng có bệnh ảnh hưởng đến bầu sữa, bà Kim N. không cho cháu bú mẹ mà thay bằng sữa công thức.

Những nguyên tắc đè nặng tâm lý, cộng với sự vụng về trong lần đầu làm mẹ khiến chị Ánh N. thi thoảng quên pha sữa cho con, dỗ con không nín. Mỗi lần như vậy, mẹ chồng chị trách mắng: “Mày muốn giết con mày phải không? Để tao thu âm tiếng khóc con mày gửi cho thằng T. (chồng chị Ánh N., ở TP.HCM) để nó xem mày làm mẹ như vậy được chưa”.

Chị Ánh N. cám cảnh: “Tôi làm gì mẹ chồng cũng không vừa ý. Tôi giặt khăn bà chê không sạch, quét nhà chê dơ. Ngay cả cách tôi đi đứng bà cũng không vừa lòng, bảo đi tướng đó… nghèo”. Tệ hơn, không chỉ trách móc, mà còn cả bạo hành. Tã bọc cho cháu ướt chưa kịp thay, bà Kim N. lập tức tháo tã, ném vào con dâu; sữa trong bình cháu uống còn, bà Kim N. tạt vào con dâu… kèm theo cái bạt tai, véo tai rồi đạp lên người... 

Nguoi me khon kho  doi quyen nuoi con
Con dâu mỗi lần ra thăm phải đến nhà hàng xóm hỏi thăm tình hình con

Cuộc chung sống đầy áp lực, chị Ánh N. rơi vào bế tắc khi trong suốt thời gian ấy, chỗ dựa duy nhất là chồng cũng không có. Anh T. nghe lời mẹ, tin rằng vợ không biết chăm con. Muốn gọi cho chồng để giải thích, mong được động viên song “kết nối” giữa chị Ánh N. và chồng gần như không có; do nhà chồng không muốn con dâu dùng điện thoại, sợ… mất tập trung chăm con.

Con được 5 tháng tuổi, nhà chồng yêu cầu chị Ánh N. viết cam kết, nội dung không biết chăm con, con chủ yếu do mẹ chồng chăm, nếu không khắc phục được sẽ tự nguyện ra đi bỏ con lại cho nhà chồng nuôi dưỡng… Con hơn 7 tháng tuổi, vẫn những mâu thuẫn cũ khiến cha chồng khuyên chị Ánh N.: “Thôi con nên ra đi, vì ở lại sẽ có ngày xảy ra… án mạng”. Sau đó, chị nhận được cuộc điện thoại “động viên” của chồng: “Thôi mày đi đi để con tao còn sống”. Đau đớn, người mẹ trẻ đành rời nhà chồng. Không việc làm, không tiền bạc, chị không dám mang theo con.

Vào TP.HCM, buồn vì chồng hết yêu thương mình, chị Ánh N. về thẳng Bến Tre thăm gia đình. Nhà chị biết chuyện, mâu thuẫn hai gia đình nảy sinh. Để rồi trong một lần về thăm con, bà Kim N. tuyên bố nếu con dâu muốn ở lại với chồng con phải cam kết từ bỏ gia đình. Hiển nhiên, chị Ánh N. không chấp nhận.

Ngược xuôi thăm con  

Chuyến về TP.HCM không đến gặp chồng ấy của chị Ánh N. trở thành lý do anh T. tránh mặt mỗi lần chị muốn gặp chồng nói chuyện. Bày tỏ ý muốn được nuôi con, chị bị chồng thách thức: “Thân mày lo chưa xong, nuôi con để mày giết nó à? Tự lo thân đi rồi mai mốt ra tòa giành con với tao”.

Không còn hy vọng nào về một cuộc đoàn tụ, người mẹ trẻ ngược xuôi xin việc, mong ổn định cuộc sống để chăm lo được cho con. Hiện tại, chị đã có công việc và thu nhập ổn định. 

Một lần trở lại TP.Phan Rang - Tháp Chàm thăm con, chị Ánh N. bị mẹ chồng lớn tiếng chửi mắng, rằng chị không có trách nhiệm làm mẹ, là đồ bỏ con, theo trai… Cuộc gây gổ ấy được Công an P.Tấn Tài xác nhận: “Chị Ánh N. đến thăm con nhưng gia đình chồng không cho, có sự chứng kiến của công an phường và nhiều người dân xung quanh”.

Sau lần đó, mỗi tháng chị Ánh N. đều thu xếp ra thăm con song đều bị mẹ chồng xua đuổi. Chị B. - hàng xóm của bà Kim N. cho biết: “Thương Ánh N. không bỏ cuộc. Không được gặp con, Ánh N. vẫn kiên trì ra thăm, dù chỉ được tiếp xúc với hàng xóm để hỏi thăm tình hình con mình”.

Bà C. - một hàng xóm khác xót xa: “Hồi Ánh N. còn ở với mẹ chồng, thi thoảng tôi có nghe tiếng đánh đập, rồi tiếng khóc của Ánh N.”. Ở P.Tấn Tài, hỏi thăm nhiều người dân, phóng viên đều nhận được sự thương cảm dành cho người mẹ trẻ, đồng thời lên án chuyện đối đãi với con dâu của bà Kim N.

Bà Kim N. cho hay, lý do gia đình cản trở con dâu thăm con là vì chị Ánh N. coi thường nhà chồng, ra thăm con song vô nhà gặp người lớn không chào. Mâu thuẫn càng không thể hóa giải khi bà Kim N. nghĩ rằng, việc con dâu tìm hàng xóm hỏi thăm, lôi chính quyền vào cuộc là… bêu riếu gia đình. “Tôi nuôi cháu từ một ngày tuổi đến nay, không bú giọt sữa mẹ nào mà cũng không đòi mẹ. Ai nuôi sẵn đến bây giờ con dâu đòi về bắt con đi!” - bà Kim N. kết luận. 

Tuyết Dân

“Pháp luật quy định cha mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng con chứ không phải ông bà nội, ngoại; trừ trường hợp con chưa thành niên không có cha mẹ hoặc cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự. Do vậy, chuyện bà Kim N. tự nuôi cháu, hạn chế quyền làm mẹ, cản trở việc thăm nuôi con của con dâu, trong khi đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi cần sự chăm sóc của người mẹ là vi phạm pháp luật” .

Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM

Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận gây khó dễ?

Tháng 11/2017, chị Ánh N. gửi đơn xin ly hôn, giành quyền nuôi con đến Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận. Chị không biết ông Huỳnh Ngọc Tuân - thẩm phán thụ lý vụ việc đã gây khó dễ. Trong một lần tiếp xúc, ông Tuân nói đang cân nhắc có nên ra TP.Phan Rang - Tháp Chàm để xác minh: con trai chị hiện có được mẹ chồng nuôi, sức khỏe ra sao…? Theo chị Ánh N., ông Tuân có nhiều yêu cầu mà chị Ánh N. không đáp ứng được.

Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết án ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, thạc sĩ luật Trần Hoài Nhân (Công ty Luật Vĩnh Huy) cho biết: “Cá nhân có quyền thu thập chứng cứ hoặc yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Tòa có nhiều biện pháp thu thập chứng cứ như: lấy lời khai, đối chất đương sự, người làm chứng; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ. Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền lấy lời khai của đương sự, người làm chứng... Luật đồng thời quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ việc “ly hôn, tranh chấp nuôi con” là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Quá thời hạn này, đương sự có quyền làm đơn khiếu nại hành vi trong tố tụng của thẩm phán lên chánh án tòa án, nơi thụ lý vụ việc để bảo vệ quyền lợi cho mình”.  

Trả lời phóng viên về những yêu cầu của ông Tuân đối với chị Ánh N., ông Phạm Doãn Hiếu - Chánh án Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận - nói: “Vụ án đang trong quá trình thu thập chứng cứ, do đó sự trao đổi và yêu cầu giữa thẩm phán với các đương sự bao gồm quyền và nghĩa vụ của đương sự được giải thích nội dung, yêu cầu hoặc quyền khiếu nại những hành vi và những quyết định của thẩm phán. Nếu đương sự không đồng ý với giải thích của thẩm phán thì khiếu nại lên chánh án tòa án nơi thụ lý giải quyết vụ án đó để giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại”. 

Con trai chị Ánh N. hiện chưa đầy 20 tháng tuổi. Và cho đến nay, chị chưa biết chính xác ngày diễn ra phiên xử. Mỗi ngày trôi qua là một ngày chị thêm lo!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI