Người mẹ Indonesia gian nan tìm công lý

19/07/2019 - 10:00

PNO - Một người mẹ ba con, sống tại đảo Lombok (Indonesia) muốn truyền cảm hứng cho phụ nữ nói không với lạm dụng tình dục, thông qua cuộc chiến pháp lý dai dẳng bà đang thực hiện


Lãnh án phạt tù vì ghi âm cuộc gọi quấy rối tình dục của cấp trên, một người mẹ ba con, sống tại đảo Lombok (Indonesia) muốn truyền cảm hứng cho phụ nữ nói không với lạm dụng, thông qua cuộc chiến pháp lý dai dẳng bà đang thực hiện.

Chặng đường gian nan

Baiq Nuril Maknun vẫn còn rùng mình khi nhớ lại việc sếp cũ gọi điện và nói chi tiết về cách quan hệ với phụ nữ. Người mẹ ba con theo đạo Hồi, 41 tuổi, nhớ lại trong nước mắt về vị hiệu trưởng tại ngôi trường bà làm nhân viên ghi chép sổ sách. Nhiều lần, ông hiệu trưởng gọi Nuril vào văn phòng và quấy rối. “Tôi xin ông ta dừng lại. Tôi không muốn chịu đựng, nhưng sợ sẽ bị sa thải nếu kể với mọi người, vì ông ấy có quyền uy rất lớn”. Những trò quấy rối tồi tệ đến nỗi Nuril phải ghi âm lại một trong hơn 50 cuộc điện thoại, bắt đầu từ năm 2012, làm bằng chứng. Đoạn ghi âm được đồng nghiệp của bà chuyển đến Sở Giáo dục địa phương. Không lâu sau, Nuril bị đuổi việc và kẻ quấy rối kiện ngược lại bà vì tội phỉ báng.

Nguoi me Indonesia gian nan tim cong ly
Baiq Nuril Maknun (trùm khăn) nói chuyện với báo chí bên ngoài văn phòng Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia ngày 8/7

Sau một năm bị quấy rối tình dục, Nuril tiếp tục phải ngồi tù hai tháng, để phục vụ công tác điều tra vào năm 2017. Dù tòa án tuyên bố bà không phạm tội, các công tố viên đã kháng cáo. Phán quyết năm 2018 cho rằng, Nuril vi phạm Luật Thông tin và Giao dịch điện tử (ITE) của Indonesia, vì lan truyền bản ghi âm “thiếu đứng đắn”. Đầu tháng 7/2019, Nuril thất bại trong lần kháng cáo cuối cùng và Tòa án Tối cao Indonesia kết án bà 6 tháng tù giam, đồng thời phạt bà 500 triệu rupiah (hơn 35.000 USD). Theo luật sư của Nuril, phán quyết trên quá sức bất công, vì kẻ quấy rối không phải đối mặt với hậu quả pháp lý. 

Vụ án hình sự tác động mạnh đến Nuril, nhưng sự động viên của chồng và những đứa con đã giúp bà tiếp tục hành trình tìm công lý. Câu chuyện cũng làm dấy lên làn sóng ủng hộ từ các nhóm nhân quyền địa phương và quốc tế - những người đang tìm cách đưa trường hợp của Nuril ra thế giới với chiến dịch #SaveBuNuril. Một bản kiến ​​nghị trên trang Change.org kêu gọi Tổng thống Joko Widodo ban lệnh ân xá Nuril, thu hút hơn 300.000 chữ ký.

Vì vụ án trở nên phức tạp, cơ quan chức năng Indonesia chưa thể chuyển Nuril đến nhà tù ngay sau phán quyết. Tổng thống Joko Widodo cũng vừa gửi thư đề nghị ân xá cho Nuril tới Hạ viện để xem xét thông qua trong tuần này.

Chuyện dài ở quốc gia vạn đảo

Những vụ quấy rối tình dục mà nạn nhân âm thầm chịu đựng không hiếm ở Indonesia. Ủy ban Quốc gia về bạo lực chống phụ nữ (Komnas Perempuan) ghi nhận năm 2018 có 260.000 trường hợp bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối. Số trường hợp không được báo cáo có thể nhiều gấp năm lần. Ngoài ra, cuộc khảo sát do Bộ Bảo vệ phụ nữ và trẻ em Indonesia thực hiện cùng Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) năm 2017 cho thấy, hơn 41% phụ nữ Indonesia từng trải qua ít nhất một trong bốn loại bạo lực: thể chất, tình dục, tình cảm hoặc kinh tế.

Luật sư của Nuril cho biết, hệ thống pháp luật hiện hành có những sai sót cơ bản, gây khó khăn cho các phụ nữ bị lạm dụng, quấy rối trong việc tìm kiếm công lý. Những rào cản đó bao gồm văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. Một xã hội gia trưởng và đậm tính tôn giáo đã góp phần ngăn cản phụ nữ lên tiếng hoặc tố cáo tội ác. Trao đổi với CNN, Tổng thống Joko Widodo cho rằng, phán quyết đưa nạn nhân vào tù là “không đúng và không tốt”. Ông nói thêm: “Nhưng vấn đề vẫn xảy ra ở một đất nước lớn như Indonesia. Tôi nghĩ, đó là lý do tại sao mọi người muốn thay đổi”.

Hiện các nhà lập pháp Indonesia đã có những động thái nhằm tăng cường luật chống bạo lực tình dục. Dự thảo luật mới, do ​​Komnas Perempuan đệ trình, đang được thảo luận tại Quốc hội Indonesia, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm tôn giáo và đại biểu theo định hướng bảo thủ - những người cho rằng, dự luật mới vi phạm các giá trị Hồi giáo và thúc đẩy tình dục ngoài hôn nhân. 

Viện Cải cách Tư pháp hình sự và các nhóm xã hội dân sự khác cũng lên tiếng yêu cầu cải cách Luật Thông tin và Giao dịch điện tử. Họ cho rằng, những quy định không rõ ràng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và khiến những người dễ bị tổn thương (như trường hợp bạo lực tình dục của Nuril), các nạn nhân phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI