Người mẹ hiếm muộn trong phòng khám sản khoa

01/10/2018 - 08:00

PNO - “Sao em muốn có một đứa con mà khó quá chị ạ! Chẳng bù với người khác, có con thì đem phá bỏ”.

Hành lang khu khám sản phụ khoa ngắn chứ không dài hun hút như bao khu khác. Nhưng mỗi gương mặt phụ nữ là một nỗi niềm ẩn chứa, dù trên người họ có thể là bộ quần áo sang trọng, bộ trang sức  nặng nề hay tấm áo bầu thùng thình…

Ngọc ngồi kế bên tôi, số thứ tự cũng sát nhau, đã thay váy chờ gọi nhưng gương mặt không giữ được sự bình thản.

- Chị sao vô đây?

- À, tháng trước phát hiện vài cái echo tử cung, đã uống thuốc, nay vô theo dõi lại. 

- Vô đây mà sao chị nói nghe nhẹ hều vậy?

- Chứ có gì mà nặng. Bệnh đã có bác sĩ rồi.

- Ước gì em được như chị.

- Đời ai biết ai sao mà ước. Em sao, bệnh gì?

- Không biết bệnh gì, lấy chồng tám năm, ba lần thai lưu, đã ba chín tuổi giờ muốn kiếm đứa con dưỡng già. Mấy nay đau vùng bụng dưới, quặn từng cơn.

Da mặt Ngọc bắt đầu nám, dù nét xuân sắc của chiếc mũi cao, làn da trắng hãy còn.

- Ảnh làm gì? Nhiêu tuổi rồi? 

- Ảnh đời vợ trước có đứa con nhưng nó ở với mẹ. Ảnh bốn lăm tuổi, bán vé số, em may gia công…

Phòng trong bác sĩ đã gọi tên Ngọc, em đứng lên đi nhanh vào. Bấy giờ, tôi mới phát hiện đôi chân Ngọc run run theo từng bước, dấu vết của trận sốt bại liệt thuở nhỏ.

Nằm cách nhau một bức màn, tôi nghe rõ từng hơi thở vì lo lắng của Ngọc: “Em có thể có con không bác sĩ?”. “À, tuổi hơi lớn, sức khỏe kém, mấy lần thai lưu khiến thành tử cung mỏng… Nói chung là còn chu kỳ thì có thể nhưng hơi khó em à”. “Có cách nào không?”. “Em cố gắng bồi dưỡng sức khỏe tốt, con cái là quà của trời ban, có người cầu chẳng được, người không mong lại có”. “Dạ!”.

Bỗng có tiếng gọi thảng thốt từ cửa phòng:

- Bác sĩ cứu em với, em uống viên nội khoa mà sao giờ máu ra nhiều quá.

Tiếng người ồn ào nhốn nháo, tiếng băng-ca đẩy tới ren réc. Có tiếng la “xỉu rồi”. 

Bệnh nhân được đẩy thẳng vô phòng số hai, mọi bàn luận để lại sau cánh cửa màu trắng vô trùng kia. Chỉ có Ngọc là bần thần bên dãy ghế chờ toa thuốc. Mấy cánh quạt trần lách cách xoay nhưng lại là âm thanh ầm ĩ nhất trong phòng số một này. Còn lại là tiếng lọc cọc của bàn phím và tiếng thở dài đầy lo lắng của những gương mặt phụ nữ nhiều độ tuổi, nhiều chứng bệnh.

Bác sĩ phòng số một của chúng tôi đã phải qua phòng số hai trợ lực cùng đồng nghiệp sau lời nhắn “các chị em vui lòng chờ một chút”.

Ngọc ngồi bên tôi thủ thỉ: “Chắc em không sinh con được quá, nhưng làm cách nào để có một đứa con nuôi hả chị?”. Giọng em nhỏ như hơi thở nhưng rõ từng lời. Tôi nói: “Trước tiên là tài chính. Em và chồng phải chứng minh thu nhập theo quy định của pháp luật để nuôi một đứa con nuôi. Rồi đi tìm cơ sở nuôi trẻ mồ côi hoặc trung tâm bảo trợ xã hội nào đó tìm một đứa trẻ. Máu thịt ruột rà thì dễ, chứ con nuôi cũng năm bảy đường em ạ”. “Sao em muốn có một đứa con mà khó quá chị ạ! Chẳng bù với người khác, có con thì đem phá bỏ”. 

Tôi thở dài bảo Ngọc, hãy cứ nghĩ họ không có duyên làm mẹ con với nhau, hoặc cô gái ấy quá trẻ, lỡ lầm rồi sợ cha mẹ biết nên đành phải bỏ. Chứ có ruột thịt nào rứt mà chẳng đau. 

Ngọc cầm tay tôi như lời chấp nhận. Phía bàn bác sĩ đã gọi tên em tới nhận toa. 

Đào Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI