Người mẹ hành khất và lá thư đẫm nước mắt

06/02/2015 - 10:53

PNO - PN - Thư đã dài nhưng dường như chưa gói ghém đủ ý tình, chị lại sang trang, tái bút; miên man những lời căn dặn vì “Tết này chắc mẹ sẽ không về với con”. Đây không phải lần đầu chị xa con ngày Tết sau tám năm trời xa nhà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguoi me hanh khat va la thu dam nuoc mat

Chị Thiên Thư bùi ngùi viết thư cho con những ngày cận Tết

Lý giải cho tình cảnh khốn khổ đến phải sống nhờ vào tình thương của bao người, chị mếu xệch: “Em khổ lắm”. Bị bỏng độ ba vì hỏa hoạn, lại thêm bệnh thận giai đoạn cuối, chồng dứt áo ra đi, chị tột cùng đau khổ, muốn cất lên tiếng khóc cho nhẹ lòng cũng trở nên khó khăn. Tiền lời bán hột vịt lộn, cơm cháy chà bông của chị đã không còn đủ trang trải khi tai ương ập đến. Chị không còn khỏe để buôn bán, cơ thể vốn nhiều vết thẹo chằng chịt lại thêm teo gầy, xanh xao khiến thực khách ngần ngại. Đùm túm hai con lên TP.HCM thuê trọ, chị bán vé số và đi xin để vừa chạy thận vừa nuôi con ăn học. Không kham nổi chi phí, chị lại gửi con về quê, gửi tiền mướn người coi sóc, nén chặt thương nhớ trong lòng.

Khí trời se lạnh, người người lặt lá mai chờ ngày bung nở đón xuân, chị lại cồn cào nỗi nhớ hai con ở quê nhà Sóc Trăng. Năm mới này, Bi 11 tuổi còn Bo thì lên 9. Rã rời đôi chân đi tìm lòng thương cảm của người dưng, lúc ngồi nghỉ mệt, chị lại thì thầm: “Không biết tụi nhỏ có nhớ mẹ không? Bây giờ các con đang làm gì? Bi có ăn hiếp em không? Tụi nhỏ có về nhà hay lại rủ nhau ra ngủ dưới chân tượng đài?”. Có điện thoại nhưng sợ người bắt lỗi “đi ăn xin mà đua đòi” nên dù chỉ là điện thoại “cùi bắp”, chị cũng giấu kỹ. Nhớ con lắm, chị mới nạp ít tiền gọi về để nghe tiếng con thỏ thẻ.

Lấy Bệnh viện Chợ Rẫy làm nhà, lấy băng ghế trại chờ làm giường, đêm khuya thăm thẳm với nỗi cô đơn của người mẹ. Nhớ năm nào ba mẹ con cùng thuê trọ gần bệnh viện, món ngon ngày Tết chính là khoanh bánh tét chiên, cũng tạm gọi là hương vị ngày xuân, cũng tạm gọi là ấm áp gia đình. Nhớ thằng Bo không chịu mua đôi dép đi chơi Tết, để dành tiền cho mẹ đi xe về Sài Gòn chạy thận, kẻo trễ thời gian, phải cấp cứu, thở máy.

Nhớ thằng Bi ham chiếc xe tải bằng nhựa, xin hoài mẹ không mua nên đánh liều ăn cắp tiền mua khi mẹ say ngủ. Nhớ lần chị dành dụm được ít tiền, đưa con từ quê lên chơi Thảo Cầm Viên, chúng trố mắt khi xem cọp với gấu. Nhớ hai con được hàng xóm lì xì, mải chơi nhà banh đến hết tiền, về nhà mới chạnh nhớ mẹ, khóc òa, không ngủ được. Với chị và các con, lúc nào có tiền chữa bệnh và được gần nhau, lúc ấy là ngày Tết, dù không có dưa hấu, mai vàng hay cơm thịt.

“Tết này, chị và các con có quần áo mới mặc không?”, chị thú thật: “Năm nào cũng có người cho quần áo, “cũ người mới ta”, hai con cứ có đồ là mừng quắn lên. Đồ người ta cho em mặc, em chỉ chọn những cái không quá rộng, không quá mới. Dù Tết phải mặc đồ đẹp nhưng mặc đẹp thì không thể đi xin được. Đến đêm mới mặc áo đẹp nằm ngủ và lại thổn thức nhớ con”. Lầm rầm khấn vái nơi một góc nhà thờ vào những ngày cận Tết, chị vẫn gọi tên Bi, Bo với tấm lòng tha thiết: “Con cầu mong được gặp những tấm lòng nhân ái, cầu mong được sức khỏe để tụi nhỏ thêm một năm, một năm nữa… còn có mẹ. Cầu mong chúng học giỏi, ngoan hiền, mai này khôn lớn đừng buồn tủi nhiều!”.

TÔ DIỆU HIỀN
(Ghi theo tâm sự của chị Thiên Thư, 33 tuổi, ngụ P.1, TP. Sóc Trăng, ĐT: 01284400710).

Từ khóa quấn áotết
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI