Chị là Nguyễn Thị Tuyết Nga (38 tuổi, trú tại tổ 4, khu vực 2, phường Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn, Bình Định).
Sống được nhờ chồng, nhờ con
Khoảng cuối năm 2013, vì bảo vệ con trai út (lúc đó mới gần 3 tuổi) khỏi bị bỏng xăng, chị ôm đứa con đẩy ra xa, còn chị chắn toàn bộ ngọn lửa bùng lên từ bịch xăng mà đứa trẻ nghịch ngay gần bếp. Chị bị bỏng nặng, kết quả điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) cho biết người mẹ này bỏng gần 80%, khả năng phục hồi rất khó.
|
Vụ bỏng xong làm chị Nga bị bỏng đến 80%, khuôn mặt biến dạng, phần da mặt và cổ dính liền khiến chị không thể cử động đầu như bình thường. |
Vợ bị bỏng, chồng chị cắt bán mảnh đất trước nhà hơn 100 triệu đồng đưa vợ chữa trị. Hoàn cảnh thương tâm, nhiều mạnh thường quân chung tay giúp đỡ, sau một thời gian, không còn đủ chi phí điều trị tại BV, vợ chồng chị xin xuất viện về quê.
"Đó là những ngày tôi sống trong hình hài "xác ướp", toàn thân quấn kín băng gạc chỉ hở ra đôi mắt, miệng, mũi. Tôi nằm trên giường tròn 1 năm, mọi khâu sinh hoạt đều tại chỗ. Chồng tôi lúc đó vừa đi làm vừa chăm cho vợ. Những ngày anh không kịp về, con gái tôi thay bố chăm sóc mẹ", chị Nga nhớ lại.
Đầu năm 2014, Mỗi tuần 2 lần, chồng chị từ Quy Nhơn ra H.Phù Cát (Bình Định) cắt thuốc nam cho vợ uống. Kháng sinh tiêu mủ, thuốc ngứa, băng gạc y tế... hết thứ nào, mua thứ đó. Vừa lo cho 4 đứa con ăn học, vừa lo cho người cha tuổi gần 90, chăm vợ ốm... mọi sinh hoạt trong nhà đều nằm trên vai người chồng.
Tiều tụy, mệt mỏi và cả lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của anh Nguyễn Văn Hùng (chồng chị Nga). "Còn nước, còn tát" là suy nghĩ của anh Hùng khi đưa vợ từ BV Chợ Rẫy về nhà. “Tôi từng nghĩ buông xuôi, đến đâu mặc đến đó, nhưng thương vợ, xót con, lo cho người bố đã già… tôi ráng. Gia đình giúp đỡ, hàng xóm quan tâm, nhiều người tốt trợ giúp, gia đình tôi may mắn đi qua được biến cố”, anh Hùng tâm sự.
Khó diễn tả đau đớn mà chị Nga trải qua. Từ lúc nằm liệt giường một chỗ hơn 1 năm trời, đến lúc tự đứng lên đi lại, tự vệ sinh, tự ăn uống... là cả một quá trình vật lộn với bệnh tật.
|
Con gái chị Nga giúp mẹ làm công việc lau dọn các phần mộ. |
"Ngứa ngáy là cảm giác khó chịu nhất của người bị bỏng, chưa kể những nắng nóng, mồ hôi làm cho người bệnh ngứa thêm. Khuôn mặt biến dạng, cơ, xương chịu sự đau đớn. Lúc da non liền sự ngứa ngày càng khủng khiếp. Toàn thân tôi chỗ còn mưng mủ, chỗ bắt đầu lên da non... vừa thuốc kháng siêu tiêu mủ, vừa thuốc ngứa, thuốc làm mát, mới duy trì sự sống", chị Nga kể.
"Vui vì các con không sợ mẹ"
Ngày chị bị bỏng, con trai lớn Nguyễn Trung Nam mới 10 tuổi, con gái Nguyễn Thu Ngân (7 tuổi), con trai thứ Nguyễn Hồng Hưng (5 tuổi) và con út Nguyễn Hưng Thịnh (3 tuổi). Bốn đứa nhỏ như chim non mất mẹ, một mình ba xoay sở không đủ thời gian chăm các con, và thế những đứa trẻ tự chăm sóc lẫn nhau.
"Hạnh phúc lớn lao nhất của tôi là các con không sợ người mẹ trong hình hài "xấu xí" này. Tôi đã thôi mặc cảm, với tôi được sống lại, được bên chồng, bên con là vui nhất".
Chị Nga hồ hởi khi nói về con mình
|
"Con gái nhỏ đang tuổi ăn chơi, lúc đó phải thay mẹ cơm nước đã đành còn phải lui hui dưới gầm giường dọn vệ sinh cho mẹ. Nghĩ tới khoảng thời gian đó, tôi không cầm được nước mắt. May mắn, ông trời cho tôi đứng lên một lần nữa, vì con vì chồng mà sống", chị nói.
Sáng thứ 7 của một ngày đầu tháng 9, cô con gái nhỏ nay đã lên 10 tuổi theo mẹ đi làm. Trên tay cô bé xách theo túi nhang đi cạnh mẹ vào những ngôi mộ nằm sâu ở nghĩa trang Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Hai mẹ con cặm cụi làm việc, mẹ quét dọn, lau mộ, con gái đốt nhang trên từng mộ phần. "Thứ 7 nghỉ học con đi làm cùng mẹ, Chủ nhật anh Nam sẽ đi cùng mẹ. Hai em nhỏ ở nhà", cô bé Ngân thỏ thẻ.
|
Sau buổi làm, Ngân được mẹ dẫn vào chợ cùng mua sắm đồ cho các anh em. |
Vừa làm, chị Nga vừa trò chuyện: "Từ đầu năm, khi thấy khỏe hơn, tôi ra đây nhận trong mộ cho người ta. Nhận được chừng 5 cái, ngày nào cũng quét dọn, lau chùi, đốt nhang, mỗi tháng được gần 600.000 đồng. Cuối tháng 9 này, vợ chồng tôi vào BV Chợ Rẫy tái khám để phẫu thuật phần da cằm, cổ đang dính liền. Từ ngày bị bỏng tôi không cử động được phần đầu", chị Nga cho biết.
Lương thợ hồ của chồng 4 triệu đồng/tháng, việc lau dọn mộ chị thu được 600.000 đồng. Số tiền đó vừa chi phí sinh hoạt, lo con đi học. Chị nói, gia đình thuộc diện nghèo nên mấy đứa nhỏ được miễn học phí. Hết năm học, chị lại đi xin sách cũ, thiếu cuốn nào thì mua mới.
“Năm nay, 3 đứa con trai đều có đồng phục mới, riêng con gái học lớp 5, sắp chuyển cấp nên cháu không sắm thêm gì. Tôi vui vì mình may mắn bình phục. Hạnh phúc lớn lao nhất của tôi là các con không sợ người mẹ trong hình hài "xấu xí" này. Tôi đã thôi mặc cảm, với tôi được sống lại, được bên chồng, bên con là vui nhất", chị hồ hởi khi nói về con.
Thu Dịu