Người mẹ bị "cướp" quyền nuôi con mới 15 tháng tuổi

26/12/2015 - 07:17

PNO - “Tôi không làm gì sai để phải bị tước quyền làm mẹ trong khi con tôi còn quá nhỏ, rất cần mẹ chăm sóc..."

Chị Lâm Cẩm TH. (ngụ TP. Vĩnh Long Xuyên, tỉnh An Giang) có sức khỏe tốt, công việc ổn định, đáp ứng đủ các nhu cầu được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con; nhưng tại phiên xử phúc thẩm vụ án hôn nhân giữa chị và anh Tô Hải P. vào tháng 10/2015, TAND tỉnh An Giang lại tuyên giao cháu Tô Phong Đ. chỉ 15 tháng tuổi cho cha cháu là anh P. nuôi dưỡng.

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi

Hai tháng qua, chị Th. như muốn phát điên trước bản án phúc thẩm đã có hiệu lực của TAND tỉnh An Giang. Chị trình bày trong nước mắt: “Tôi không làm gì sai để phải bị tước quyền làm mẹ trong khi con tôi còn quá nhỏ, rất cần mẹ chăm sóc. Tòa giao con cho anh P. một cách cảm tính, không công tâm, không xem xét kỹ những điều kiện của cả tôi lẫn anh P., không nghĩ lúc này đứa trẻ thực sự cần điều gì”.

Theo chị, do anh P. bận đi làm, không thể chăm con được nên nhiều lần chị và người thân đến thăm, đều rất đau lòng khi gặp Đ. trong tình trạng lem luốc, dơ bẩn bám theo bà nội ra quán bún của bà. “Nhìn con như vậy tôi rất xót xa nhưng bất lực, không biết phải làm gì” - chị nói.

Năm 2014, chị Th. và anh P. kết hôn, dù chị biết anh đã qua cuộc hôn nhân đổ vỡ, bản thân cũng gặp nhiều trở ngại. Chỉ sau hơn một năm chung sống, nhiều bất đồng phát sinh không hóa giải được khiến hai người đành đường ai nấy đi.

Chị kể, trước khi kết hôn, chị được cha mẹ mua cho khoảnh đất nhỏ hơn 10m2. Cưới xong chị lập tức vay mượn dựng lên căn nhà nhỏ. Sẵn có tay nghề, chị mở tiệm trang điểm kiếm sống. Chưa được bao lâu, chị phát hiện anh P. mắc nợ riêng 25 triệu đồng.

Để giúp chồng giải quyết, chị bàn tính bán nhà trả nợ, trả luôn cả những khoản tiền chị đã mượn làm nhà. Thế nhưng, anh P. lại không chấp nhận các khoản nợ của vợ khiến cả hai thường xuyên tranh cãi. Không chịu nổi sự ngột ngạt, lại thấy không còn lòng tin ở chồng, chị Th. viết đơn xin ly hôn.

 Nguoi me bi
Chị Th. và cháu Đ.

Theo chị Th., trước đó, ngày 19/4/2015, đang trong giai đoạn vợ chồng mâu thuẫn, lợi dụng lúc chị bận việc phải gửi con cho mẹ ruột, anh P. vờ ghé thăm rồi bất ngờ ôm con về nhà mình. Chị nhiều lần năn nỉ anh trả con trở về , thậm chí còn gợi ý phương án trong lúc chờ tòa xử thì giao con cho mỗi bên chăm sóc một thời gian nhưng anh P. không đồng ý.

Ngày 30/7/2015, TAND TP.Long Xuyên mở phiên sơ thẩm. Đầu tiên anh P. xin được hàn gắn, nhưng trong quá trình xét xử, anh lại đồng ý ly hôn. Do đó, tòa tuyên cho hai người được ly hôn; tài sản, nợ chung - riêng tự giải quyết, giao cháu Đ. - con chung của hai người, khi đó mới 12 tháng tuổi cho chị Th. trực tiếp nuôi dưỡng. Anh P. kháng cáo xin giành quyền nuôi con.

Tính đến phiên phúc thẩm tại TAND tỉnh An Giang ngày 28/10/2015, anh P. “giữ” con hơn bốn tháng. Anh cho biết, trong thời gian này, chị Th. không hề đến thăm con, cũng không một lời hỏi han. Ngược lại, chị Th. khẳng định mình đã hai lần đến thăm con nhưng đều bị gia đình chồng gây khó dễ, không cho đưa con về.

“Nếu không đến, tôi làm sao biết anh P. đã mang tủ lạnh, đồng hồ treo tường của tôi về nhà mình sử dụng và thấy con lem luốc theo bà nội ra quán?” - chị Th. biện minh. Qua điện thoại, anh P. cũng thừa nhận với chúng tôi, khi đi làm anh phải nhờ cha anh chăm sóc Đ., thỉnh thoảng cha anh có đưa Đ. ra quán bún chơi cùng bà nội.

Lý lẽ của tòa phúc thẩm

Để chứng minh chị Th. “bỏ mặc” con, trong phiên phúc thẩm, anh P. trưng ra xác nhận của địa phương (gồm của ban khóm và Hội LHPN P.Bình Khánh, TP.Long Xuyên) về việc anh đã nuôi-con-ổn-định-hơn bốn-tháng-nay.

Dù “nuôi con ổn định” là khái niệm khá mơ hồ, nhưng TAND tỉnh An Giang lại dựa vào xác nhận đó, tuyên cho anh P. thắng kiện; bỏ qua ý chí của kiểm sát viên giữ quyền công tố: “Tòa sơ thẩm giao con cho chị Th. là có căn cứ, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của anh P.”.

TAND tỉnh An Giang nhận định, cháu Đ. mới hơn 15 tháng tuổi cần sự chăm sóc, gần gũi của-người-lớn; hơn nữa, xác nhận của địa phương cho thấy anh P. nuôi con tốt, cần tiếp tục giữ sự ổn định. Tòa lập luận thêm, chị Th. không có chứng cứ chứng minh anh P. không đủ điều kiện nuôi con và không đảm bảo cuộc sống thể chất lẫn tinh thần trong quá trình chăm sóc cháu Đ., nên tuyên chấp nhận đơn kháng cáo của anh P. (!?).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI