Một mình cặm cụi nuôi con vẫn bị… đánh!
Chiều ngày 18/7, bà Nguyễn Thị Nguyệt, ngụ hẻm 80 Đô Lương, Phường 11, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không giấu được những giọt nước mắt khi kể về người con trai và cuộc đời đầy nước mắt đắng cay của mình. Bà Nguyệt bảo: “Tôi có đứa con trai duy nhất, mong sau này nương tựa tuổi già nhưng có lẽ mong mỏi đó không thực hiện được nữa”.
Nhớ về cuộc đời mình, bà Nguyệt quay trở về những tháng ngày năm 1994. Khi đó, bà Nguyệt lấy người chồng phục vụ trong hải quân Việt Nam. Đám cưới của bà được gia đình, bạn bè chúc phúc nhưng chỉ được một thời gian ngắn bà đã phải chịu những trận đòn vô cớ của người chồng.
“Cứ mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn là ông ấy lại đánh, rồi đến khi không có chuyện gì ông ấy cũng kiếm cớ để đánh. Ông đánh tôi đến hỏng cả một con mắt, phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thừa sống thiếu chết” – bà Nguyệt.
|
Căn hẻm nơi Công đánh mẹ vào ngày 12/7. |
Chồng thường xuyên đi xa nhà, một mình bà Nguyệt ở nhà chăm con trai Lê Chí Công (sinh năm 1994) khôn lớn. Người mẹ khốn khổ này nuốt nước mắt vào trong, gánh chịu những trận đòn từ chồng để con không phải sống trong cảnh thiếu tình thương của cha. Càng nín nhịn, bà Nguyệt càng phải chịu đòn đau từ chồng.
Đến những năm 2000, không chịu được cảnh đòn roi, bà Nguyệt đành chấp nhận ly hôn. Oái oăm thay, chồng không chịu làm đơn mà ép bà phải chủ động với lý do: “Ông ấy bảo, phục vụ trong quân ngũ nếu chủ động làm đơn ly hôn thì người ta đuổi ông ra khỏi ngành. Tôi lại ngậm ngùi làm đơn để ông ấy ký. Vì tôi chủ động làm đơn nên không được quyền yêu cầu trợ cấp nuôi con, mỗi tháng ông ấy chỉ gửi có 500 nghìn đồng, được vài năm thì không thấy nữa. Một mình tôi ở vậy làm mọi việc để nuôi con. Ông ấy đi lấy người khác”.
Khi bà Nguyệt ly hôn, Công đang học lớp 6. Công có nguyện vọng được ở với bố, bà Nguyệt không làm sao thuyết phục được con đành chấp nhận chiều theo. Nhưng Công lên ở với bố được mấy tháng thì bị đánh, đuổi về với mẹ.
Cũng từ đây, bà Nguyệt phát hiện hiện con trai mình có nhiều biểu hiện cáu gắt khi thấy các bạn có đầy đủ tình thương của bố mẹ. Đặc biệt, khi Công học hết lớp 12 thì bắt đầu “trái tính” thường xuyên đánh đập mẹ mình.
“Năm 2012, Công tốt nghiệp cấp 3 thì không đi làm mà chỉ ở nhà xem tivi, chơi các trò giải trí. Rồi nó tìm cớ đánh tôi, nó đánh suốt. Thương con, sợ con có hình ảnh xấu trước mọi người nên tôi đành nín nhịn, đóng cửa khóc một mình. Một mắt tôi đã hỏng, mắt còn lại cũng mờ dần vì những giọt nước mắt khóc về con.
Đến năm 2015, Công đánh tôi nhiều quá, không chịu được, tôi có làm đơn gửi nhờ lực lượng chức năng can thiệp. Sau thời gian, Công an có hiền đi một chút. Đến đầu năm 2016 thì Công lại tiếp tục đánh tôi không thương tiếc” – bà Nguyệt nghẹn ngào kể.
Ngày 12/7, khi bà Nguyệt đang ngồi ăn cơm thì Công đi vào nhà. Thấy mẹ, Công gằn giọng: “Mày ăn cơm không được nuốt, nếu nuốt tao đánh chết…”. Bà Nguyệt có đáp lại: “Ăn cơm không nhai, sao nuốt!”. Chỉ có thể, Công lao vào đánh đập khiến bà Nguyệt phải cầu cứu hàng xóm báo công an.
Khi lực lương công an phường 11 xuống giải quyết, Công không chấp hành mà còn chống cự nên bị Công an TP. Vũng Tàu bắt tạm giam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. “14 năm bị chồng hành hạ, 4 năm bị con trai đánh, tổng cộng tôi sống trong 18 năm trong cảnh bạo hành, đòn roi. Đó là quãng thời gian gần nửa đời người của tôi sống trong ác mộng” – bà Nguyệt vừa khóc vừa nói.
Điều cuối cùng muốn nói với con trai
Bà Nguyệt cho biết, từ khi Công bị bố chối bỏ trách nhiệm nuôi con, bà phải bươn chải khắp nơi, kiếm từng đồng bạc lẻ với hy vọng nuôi Công nên người. Bà Nguyệt hết đi khâu giày thuê lại giúp việc gia đình, trông trẻ lấy tiền cho con ăn học.
Thấy bà vất vả quá, anh em bên ngoại giang tay giúp, xây được căn nhà cấp 4 và lấy chút hàng tạp hóa về bán. “Hàng ngày, hai mẹ con thu nhập cũng được khoảng 50.000 đồng, chi tiêu tằn tiện cũng đủ. Công không đi làm nhưng tôi tự nhủ nó không mắc vào các tệ nạn xã hội đã là may rồi. Nhưng không ngờ nó lại thành ra thế này” – bà Nguyệt tâm sự.
Tuy bị con trai đánh đập là thế nhưng bà Nguyệt chưa bao giờ hết tình thương của người mẹ dành cho con của mình. Bà Nguyệt thương con nhiều hơn là giận, bà lý giải: “Có lẽ vì trước đây nó nhiều lần chứng kiến cảnh bố đánh mẹ quá nên mới vậy. Rồi thiếu tình thương, sự dạy dỗ của bố nữa chứ hồi học cấp 1, cấp 2 cô giáo khen Công học giỏi, có đạo đức lắm”.
Đã 6 ngày xảy ra sự việc, bà Nguyệt có 3 lần khăn khói, lặn lội 10km đến trụ sở công an mong được gặp con. Nhưng vụ việc đang trong quá trình điều tra nên công an chưa cho phép đối tượng tiếp người thân, bà Nguyệt lại đành trở về trong nước mắt. “Hai mắt tôi không còn nhìn rõ, nên phải thuê xe ôm chở đi. Gặp con, tôi cũng chẳng biết mình phải nói gì nữa, tôi chỉ khuyên con ở trong đó cải tạo tốt, ra trại không có chỗ nào đi nữa thì hãy về với tôi. Tôi luôn giang tay đón, che chở con” – bà Nguyệt chia sẻ.
Cuối cuộc trò chuyện, bà Nguyệt vẫn không thôi hy vọng vào con trai, vào tương lai con mình sẽ hiểu ra được nỗi lòng của mẹ mà “hồi tâm” trở về sống cho bản thân Công và cho bà nữa. “Tôi tâm sự những lời này cũng mong để mọi người hiểu cho Công, đừng khép mọi cánh cửa với con tôi. Để con tôi có cơ hội được trở về làm người” – bà Nguyệt nghẹn ngào.
Đoàn Văn