Ông Nguyễn Đức Lãng - ở phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - là người duy nhất còn sống trong số những người từng may và treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ bên bờ Hiền Lương thời kháng chiến chống Mỹ.
|
Cột cờ bên bờ Hiền Lương, sông Bến Hải |
Giữ lá cờ bên bờ vĩ tuyến 17
Ông Nguyễn Đức Lãng sinh ra, lớn lên ở huyện Cam Lộ thuộc bờ Nam sông Bến Hải. Năm 1954, dòng sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự, tạm thời chia cắt đất nước. 20 tuổi, ông vượt tuyến ra Bắc, tham gia công tác ở huyện Vĩnh Linh, làm công nhân Công ty may Nam Hồng.
4 năm sau, ông được điều về công tác ở Ban Hậu cần, Công an vũ trang huyện Vĩnh Linh với nhiệm vụ nhận cờ Tổ quốc từ Quân khu IV mang về treo lên cột cờ Hiền Lương.
Những ngày tháng Tư, khi kể về những tháng năm nhận nhiệm vụ đặc biệt ấy, ông vẫn rưng rưng: “Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, là niềm tự hào của nhân dân bờ Bắc, là nỗi mong ngóng của đồng bào ruột thịt ở miền Nam. Những lần làm nhiệm vụ, tôi thấy tự hào lắm”.
Ông Nguyễn Đức Lãng nhớ như in chuyện “chọi cờ” bên sông Bến Hải ròng rã 14 năm trời. Tháng 7/1957, các chiến sĩ Công an Hiền Lương dựng một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m, treo lá cờ có diện tích 108m2, trên đỉnh cột cờ gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn 15 bóng điện loại 500W.
“Lúc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào đôi bờ Bắc Nam ôm nhau reo mừng. Ngắm lá cờ Tổ quốc bay cao lồng lộng, ai cũng chảy nước mắt. Quân giặc quá bất ngờ, liền vội vàng tôn cột cờ của chúng lên 35m cùng giọng mỉa mai: Bắc Việt muốn chọi cờ, sao chọi nổi quốc gia”.
Đáp lại lòng mong mỏi của đồng bào, năm 1962, Chính phủ đã điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây cột cờ cao 38,6m, kéo lên lá cờ 134m2, nặng 15kg. Cách đỉnh cột cờ 10m, có một ca bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Đồng bào ở tận vùng Cửa Việt, Chợ Cầu, Gio An... bên bờ Nam xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy rõ lá cờ Tổ quốc tung bay.
Ngày 17/8/1965, một tốp máy bay “thần sấm” của Mỹ lao xuống ném bom cột cờ Hiền Lương. Bị các chiến sĩ bảo vệ cờ bắn trả quyết liệt, bọn giặc lái hốt hoảng vãi bom loạn xạ, trúng đồn cảnh sát ngụy bên bờ Nam làm 87 người chết và bị thương. Trong trận chiến đấu bảo vệ cờ, 13 chiến sĩ công an và dân quân hy sinh, 8 người bị thương.
Liên tục từ năm 1959-1963, ông Nguyễn Đức Lãng một mình ra Quân khu IV nhận cờ về treo. Từ năm 1963 trở đi, thay vì nhận cờ, ông được cấp vải về may cờ. Mỗi tháng, ông may từ 1-3 lá cờ; mỗi năm, ông may khoảng 30 lá, mỗi lá nặng 15kg, gồm 122m vải đỏ, 12m vải vàng, mỗi đường may phải 3-4 đường chỉ để cờ chịu được sức gió.
|
Lá cờ đỏ sao vàng từng tung bay bên kia vĩ tuyến 17 trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ |
“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”
Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi nhận nhiệm vụ về Hà Nội trình kế hoạch, sau đó vào Ty Thương nghiệp huyện Vĩnh Linh nhận vải về tự may. Lần đầu tiên được may cờ, tôi thấy tự hào lắm, nhưng cũng run bởi đây là trọng trách, đường may phải chi li để cờ vừa bền, vừa đẹp”.
Ban đầu, ông may 7 ngày mới được 1 lá cờ, khi thành thạo thì mất 5 ngày. May xong lá cờ nào là ông bàn giao cho đồng đội để kịp treo lên thay lá cờ bị gió đánh rách. “Bình quân mỗi năm, ta treo khoảng 26 lá cờ trên cột cờ Hiền Lương, lúc may không kịp thì vá lại cờ cũ để luôn luôn có cờ Tổ quốc tung bay bên bờ Bắc vĩ tuyến 17”.
Từ năm 1965 về sau, chiến tranh ác liệt, các tuyến giao thông bị bom Mỹ cày xới, ông Nguyễn Đức Lãng cùng đồng đội đạp xe từ huyện Vĩnh Linh ra Hà Nội trình kế hoạch nhận vải may cờ bằng đường giao liên (đường rừng).
Mỗi năm, ông có 2 đợt về thủ đô, mỗi đợt đi mất khoảng 7 ngày, có khi chậm hơn do gặp máy bay dội bom phá đường. Ông chở theo lương khô, một ít gạo, mỗi ngày nấu cơm 1 bữa, 2 bữa còn lại ăn cơm nắm, gặp trời tối ở đâu thì mắc võng nghỉ ở đó.
Ông cắt rừng, lội suối qua các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, đến rừng thông thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa mới được đi trên quốc lộ. Có khi trong 1 ngày, ông có mấy chục lần bị máy bay quần lượn trên đầu, thả bom.
Trong cuộc đời gần 15 năm (1960-1974) làm nhiệm vụ may cờ, giây phút xúc động nhất của ông là lúc ông được đơn vị giao nhiệm vụ may băng tang đính lên cờ Tổ quốc. Khi đó, ông vừa may, vừa khóc.
“Ngày 2/9/1969, tôi được tin Bác Hồ qua đời. Lúc đó, chính ủy của tôi trực tiếp giao nhiệm vụ may mấy dải băng tang đen dài 12m, rộng 80cm và may một loạt băng tang cho các chỉ huy để đúng ngày Nhà nước công bố Bác Hồ qua đời thì toàn đơn vị về cột cờ Hiền Lương gắn lên cờ rủ, làm lễ truy điệu Bác. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất, là ký ức đau buồn nhất trong đời may cờ mà đến nay tôi không thể quên được”- ông Lãng bùi ngùi.
Với công trạng may và giữ lá cờ Tổ quốc tung bay trong những ngày còn chiến tranh, nhiều đồng đội hối thúc làm hồ sơ để được phong anh hùng, nhưng ông Nguyễn Đức Lãng nhất quyết nói không. Ông nói: “Với tôi, may cờ, vá cờ là nhiệm vụ bình thường của người chiến sĩ. Người khác không may cờ, vá cờ thì ra chiến trường đánh giặc. Được may cờ, vá cờ là niềm tự hào của tôi”.
|
Ông Nguyễn Đức Lãng kể về những năm tháng may cờ để treo lên cột cờ Hiền Lương |
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh được phát động, ông được cấp trên điều động vào với chiến trường Khu V và được bổ sung vào lực lượng an ninh vũ trang tỉnh Phú Yên. Ông tham gia giải phóng và tiếp quản khu vực biên giới, bờ biển thuộc Khu V. Khi tình hình ổn định, ông được điều về làm trợ lý hậu cần lực lượng Công an vũ trang tỉnh Phú Khánh. Năm 1979, do sức khỏe không đảm bảo, ông được nghỉ hưu.
“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với quê hương. Tôi cũng đã được sống, chứng kiến sự đổi thay sau ngày đất nước thống nhất. Như vậy là hạnh phúc quá rồi” - ông đúc kết.
Thuận Hóa