Cái tên Như Vân không xa lạ với khán giả, đặc biệt với công chúng mộ điệu thời trang. Nhiều năm trước, họ từng kỳ vọng chị sẽ trở thành một ngôi sao nhưng Vân vẫn chọn “làm một áng mây”, như chính tên của chị.
Nhưng, khi đã làm thầy, làm công tác huấn luyện cho nhiều người đẹp, người mẫu tên tuổi, Như Vân lại bất ngờ trở thành thí sinh của Người mẫu toàn năng - The New Mentor. Với Như Vân, ngôi vị á quân chung cuộc là điểm sáng cho khởi đầu mới.
Làm điều bạn thích, sớm nhất có thể
Phóng viên: Điều gì đã cản bước chị trở thành một ngôi sao như mọi người kỳ vọng?
Người mẫu Như Vân: Trước đây, tôi làm nghề hơi bản năng, cảm tính. Tôi đi làm vì vui, thích, hơi giữ mình trước mọi thứ, không khát khao sự nổi tiếng. Tôi có con sớm - năm 18 tuổi. Khi đó, tôi từng nghĩ cuộc sống của mình chỉ còn là gia đình, làm mẹ. Nhưng, như có một sức mạnh nào đó kéo tôi trở lại sân khấu.
* Nếu có thể quay lại được một vài năm, chị có nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó khác?
- Nếu quay lại vài năm trước, chắc gì đã có cơ hội phù hợp với tôi. Tôi biết khán giả ủng hộ mình nhưng chưa có nhiều cánh cửa “mở” cho những bà mẹ.
Vì thế, tôi tin chuyện gì xảy ra cũng có lý do. Không ai có thể viết lại quá khứ, mà chỉ có thể làm những điều tốt nhất cho hiện tại và tương lai. Tôi của hiện tại cần buông cái tôi một chút, cần giảm cảm tính khi làm nghề và quan tâm mọi thứ xung quanh nhiều hơn, có chiến lược, kế hoạch rõ ràng.
Tôi bắt đầu “bỏ lửa” vào công việc. Điều tôi đầu tư đầu tiên là thời gian. Sự tâm huyết thì ai cũng có. Thế nhưng, với một người mẹ, chắc chắn sự cố gắng này phải gấp nhiều lần.
|
Người mẫu Như Vân và các con: Gia Gia (6 tuổi), Gia Bảo (13 tuổi) - Ảnh: Lê Thiện Viễn |
* Bắt đầu lại một thứ gì đó ở chặng này có vẻ khó khăn, đặc biệt khi tuổi tác có thể trở thành một rào cản lớn…
- Sự bắt đầu không bao giờ là muộn ngay cả khi bạn 50, 60 tuổi. Nếu được khuyên các em trẻ, tôi chỉ nói hãy đi, hãy làm những điều các em muốn ngay từ bây giờ, đừng chần chừ. Có những việc không mang lại tiền bạc, lợi ích nhưng cho chúng ta bài học, kinh nghiệm, nhận thức mới. Tôi có đầu tư một số lĩnh vực, không thu về kết quả khả quan. Qua đó, tôi hiểu rằng công việc này không phù hợp với mình.
Hiện tại, phụ nữ trẻ rất lâu, cơ hội làm nghề cũng kéo dài. Với thời trang, không chỉ đứng trên sàn diễn mới có thể cống hiến mà còn nhiều cách. Nước ngầm không có nghĩa không mãnh liệt, nó vẫn làm đá mòn đấy thôi!
Tôi muốn dạy và truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau. Tôi đang chú trọng đào tạo một thế hệ vừa có thể tỏa sáng trên sàn diễn, vừa có thể trở thành hoa hậu với sức ảnh hưởng tích cực. Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thùy Linh là học trò mà tôi đánh giá cao.
* Chị định hình công việc, hình ảnh của mình như thế nào, đặc biệt khi con cái ngày càng lớn?
- Tôi thuộc kiểu người dịu dàng nhưng bên ngoài thì phóng khoáng. Vì thế, có thời điểm, tôi theo đuổi hình ảnh gợi cảm. Tuy nhiên, hiện tại, một bộ trang phục quá hở có thể khiến tôi không còn thoải mái như trước. Hình ảnh tôi hướng tới là một người mẫu thanh lịch, sang trọng cũng vì tôi là một bà mẹ.
* “Vào đời” sớm chị được gì và mất gì?
- Tôi nhìn mọi việc sâu sắc, thấu đáo hơn nhưng cũng có cái mất. Chẳng hạn, tôi không có sự thoải mái như những em trẻ khi tham gia The New Mentor. Khi thoải mái nhất, chúng ta đẹp nhất, thể hiện mọi thứ tốt nhất. “Cái mất” này cũng hợp lý vì tôi cần những bước đi thận trọng, với vai trò một cô giáo.
Gia đình là động lực
* Các người mẫu khi có con, có gia đình thì khó trụ được với nghề. Điều này có khiến chị lo lắng cho chặng đường phía trước?
- Rất tốt khi bạn chọn trở thành người mẹ toàn thời gian. Dù vậy, hiện vẫn có nhiều phụ nữ vừa làm công việc bên ngoài tốt, vừa làm mẹ tròn vai. Quan trọng là chúng ta phù hợp với điều gì.
Tôi không thể ở yên trong nhà để dọn dẹp, nấu ăn. Tôi nghĩ mình sinh ra để bước ra ngoài. Tuy nhiên, thời gian trước, việc tôi đi làm chỉ để lấp đầy một khoảng trống nào đó, chứ không phải để tìm cơ hội. Bây giờ là giai đoạn để làm mọi thứ khác đi.
* Thời gian có con, chăm con buộc chị phải dừng lại nhưng thế giới này lại chuyển động rất nhanh…
- Tôi không có áp lực cạnh tranh nên cảm thấy thoải mái. Khi về bên gia đình, thấy các con đang ăn ngon, phát triển tốt là đủ để tôi hạnh phúc. Các con là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn. Tôi sẽ chủ động gạt bỏ những suy nghĩ không hợp lý.
Tôi vào đời, làm nghề sớm nên va vấp nhiều. Việc buộc phải nhìn, suy nghĩ tích cực cũng từ đó hình thành. Thay vì nhìn mưa rồi than thở, tại sao ta không nghĩ: “Hôm nay mát quá!”?
* Mỗi người chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Khi bắt đầu hành trình chinh phục lại, nghĩa là thời gian chị dành cho gia đình, các con sẽ ít đi?
- Các con tôi đều đi học từ sáng đến tối. Khoảng thời gian dành cho con, tôi sẽ tận dụng hiệu quả tối đa, thường là buổi sáng, buổi tối và cuối tuần. Những lúc đó, tôi không sử dụng điện thoại, iPad.
Việc dõi theo các con cũng khá dễ. Những khoảng thời gian tôi vắng mặt thì chồng tôi chăm con. Hiện tại, các con tôi đang ở tuổi teen nên cần có người lớn bên cạnh hướng dẫn. May mắn, con tôi có được sự cởi mở từ nhỏ nên không khó để mẹ con trò chuyện, thấu hiểu nhau.
Tôi và con cũng là bạn vì… tuổi tác không cách nhau quá nhiều. Tôi tôn trọng sự tự do của con nhưng vẫn bảo ban, ân cần và theo dõi sát.
* Với chị, ở thời điểm này, gia đình được định nghĩa ra sao so với những năm 18, đôi mươi?
- Ngày trước, tôi nghĩ gia đình là nơi mình tìm đến và dừng lại. Bây giờ gia đình là nơi mang đến sự hỗ trợ lẫn nhau, giữa cha mẹ, con cái để từ đó phát triển hơn.
Chồng tôi luôn ủng hộ tôi trong mọi quyết định. May mắn, thời điểm này, công việc của anh giảm đi một chút nên anh có thể thay tôi chăm sóc các con. Anh cũng phân tích cho tôi những được, mất để tôi cẩn trọng hơn trong con đường làm nghề.
Thời điểm có những thông tin tiêu cực về mình trên mạng, tôi vừa sinh con thứ hai, tâm lý lúc đó chưa ổn định, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực. Nhờ sự quan tâm của gia đình, tôi nhận ra rằng tình yêu thương tôi nhận về vẫn nhiều hơn sự tiêu cực. Mọi người thẳng thắn đối thoại, chia sẻ với nhau để cùng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
* Sống trong một gia đình với 2 luồng văn hóa khác biệt, chị cảm thấy như thế nào?
- Tôi được trui rèn sức chịu đựng khá lớn. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi không biết làm sao mình đã đi qua được giai đoạn đó. Tôi vẫn giữ những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống và tiếp thu những nét văn hóa Mỹ. Người Mỹ thẳng thắn, không vòng vo. Ban đầu, tôi bị sốc vì vấn đề này. Sau đó, tôi quen dần.
Có thời điểm tôi sống cùng 5 con, trong đó có 3 con riêng của chồng. May mắn các con đã lớn và hiểu chuyện. Suy nghĩ tích cực cũng là cách để tôi dung hòa không khí gia đình, dạy con.
Sau thời gian sống tại Mỹ, có 2 con chọn ở lại, còn 1 con riêng của anh về Việt Nam sống cùng tôi. Con tự lựa chọn, chứ tôi không thuyết phục. Tôi tích cực, lạc quan nên có thể khiến các con thấy cuộc sống thoải mái. Con nít hay người lớn đều vậy, nơi nào thoải mái, được yêu, được là chính mình thì sẽ vui vẻ mà sống và ngược lại.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Thành Lâm (thực hiện)