Năm 1998, nhà thiết kế Helmut Lang cảm thấy ngột ngạt trước những màn trình diễn các bộ sưu tập thời trang theo cách truyền thống: cho người mẫu lần lượt sải bước trên đường băng. Lang còn có cảm giác bị “tách rời” khỏi thế giới anh đang sống bởi hầu hết các show diễn gần như bỏ quên sự phát triển của công nghệ.
1. Từ khoảnh khắc ấy, Lang muốn làm một điều gì đó mới mẻ. Và cách của anh là chọn định dạng… CD để giới thiệu các thiết kế của dòng Avant Garde (trường phái thiết kế mang tính đột phá, tiên phong phá vỡ những chuẩn mực của vẻ đẹp ước lệ sẵn có). Nghe thật điên rồ nhưng suy nghĩ này của Lang cũng đánh vào một câu hỏi rất thực tế về mối quan hệ mật thiết giữa thời trang và cuộc sống.
Trong một bài nhận định về chương trình thực tế ảo, cây bút Constance White của thời báo New York Times viết: “Thử nghiệm mới không phải không có nhược điểm nhưng nó cũng chỉ ra tương lai mà ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các chương trình runway”. White nói thêm: “Thật kỳ quặc, trong một ngành công nghiệp luôn vận hành với tốc độ và sức ép khủng khiếp, tồn tại nhờ sự thay đổi trang phục theo mùa mà phương thức trình bày bộ sưu tập không hề thay đổi trong suốt 50 năm qua”.
|
Irina Shayk trên sàn diễn thời trang cùng robot tại show Phillip Plein |
Thách thức với ngành thời trang ở thời điểm hiện tại đến từ nhiều phía. Đại dịch COVID-19 đã buộc ngành công nghiệp không khói tỷ đô tìm mọi cách để thích nghi và tồn tại. Tâm thế này không chỉ diễn ra với các nhà mốt xa xỉ mà còn ảnh hưởng lên cả các thương hiệu chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Một số thay đổi trong phương thức quảng bá mang lại nhiều bất ngờ và sự mới mẻ cho người xem. Nổi bật nhất phải kể đến nhà thiết kế trẻ tuổi Anifa Mvuemba, người đã giới thiệu bộ sưu tập Hanifa bằng hiệu ứng 3D nhờ các người mẫu ảo.
Định dạng thân thiện, mới mẻ, chi phí thấp là hàng loạt ưu điểm có thể giúp các nhà thiết kế trẻ giới thiệu sản phẩm của họ trong thời điểm thắt lưng buộc bụng. Vào tuần lễ thời trang Thu - Đông năm nay, người yêu thời trang toàn cầu có thể được xem nhiều hơn những buổi giới thiệu bộ sưu tập thông qua các chương trình ảo từ những tên tuổi lớn của làng mốt.
Lẽ tất nhiên, việc ứng dụng công nghệ bao giờ cũng sẽ bỏ rơi số lượng lớn lực lượng lao động, trong trường hợp này là người mẫu. Tiếp đó là đội ngũ hậu trường xung quanh họ, gồm nhà tạo mẫu tóc, nghệ sĩ trang điểm, stylist… Điều này cũng tương tự việc các công nhân nhà máy phút chốc được thay thế bằng hàng loạt cỗ máy tự động hóa.
2. Thực tế, ngay trước khi Covid-19 bùng nổ và lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều quốc gia, những người mẫu ảo như Lil Miquela, Shudu đã xuất hiện và sở hữu lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội hay làm mẫu trong nhiều buổi chụp ảnh. Bây giờ, họ chẳng khác gì một ngôi sao ăn khách phòng vé mỗi khi xuất hiện. Tháng Năm vừa qua, Miquela đã ký hợp đồng với công ty quản lý người mẫu có tên CAA, như một khách hàng ảo đầu tiên.
“Khi người mẫu trở nên ít cần thiết hơn để khách hàng có thể kể câu chuyện của họ, một cơn địa chấn lớn sẽ xảy ra và tạo nên tác động không nhỏ cho ngành công nghiệp thời trang” - ông Doreen Small, trợ lý giáo sư tại Phân viện Luật thời trang, Trường đại học Luật Fordham, New York, nói với tạp chí Elle, US.
“Đối với các người mẫu tên tuổi đã thành công, việc chuyển qua trạng thái hình ảnh đại diện ảo bằng gương mặt là phương thức thích nghi và kinh doanh tuyệt vời. Bên cạnh đó, tôi cũng đã thấy các công ty quản lý người mẫu xây dựng mô hình CGI dựa trên gương mặt những người mẫu đã ký hợp đồng với họ và hàng loạt mô hình giống hệt nhau được tạo ra nhờ CGI dù người sáng tạo khẳng định rằng điều đó chỉ là sự ngẫu nhiên mà thôi” - Small nói về sự chuyển đổi trong tương lai.
|
Bạn có tin được không, đây là chân dung Lil Miquela, người mẫu ảo đang gây sốt trên mạng xã hội khi sở hữu hơn 2,5 triệu lượt theo dõi trên Instagram |
“Tại Liên đoàn Người mẫu (Model Alliance), chúng tôi thường xuyên chứng kiến sự lo lắng của các người mẫu đã từng được công ty quản lý của họ quét cơ thể bằng công nghệ 3D để tạo ra các người mẫu ảo cho việc trình diễn ảo. Một số người trong số họ được yêu cầu ký đồng ý với các bản quét đó. Mối quan tâm chính đáng được đặt ra ở đây là, liệu các người mẫu có đang vô tình bị lợi dụng? Nếu đúng là như vậy thì điều này đang tạo thành vết cắt sâu sắc vào ngành công nghiệp thời trang” - Sara Ziff, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Model Alliance, bày tỏ.
Lo lắng này của Ziff hoàn toàn có cơ sở bởi tồn tại một lợi thế khác biệt giữa những mô hình gương mặt ảo so với con người là: chúng không thể hủy bỏ.
Mặc dù vậy, trong mắt Small đây lại là cơ hội để thế hệ người mẫu robot xuất hiện trước đó trên một số sàn diễn có điều kiện phát triển. Small cho rằng, sự phát triển của các người mẫu robot không phải vì công nghệ CGI dành cho người mẫu và những influencer (người có sức ảnh hưởng) ít tốn kém hơn hoặc dễ dàng hơn khi mang ra cạnh tranh mà bởi các robot không thể nói/làm bất cứ điều gì có thể gây tranh cãi. Ý ông là, nếu xét về khía cạnh đạo đức.
Thư Hiên