“Người mắt kép”: Tiếng gọi từ tự nhiên

29/11/2021 - 14:46

PNO - Người mắt kép được kể từ hai điểm nhìn, một của Atile’i - chàng trai 15 tuổi của đảo Wayo Wayo, và một của Alice - giáo sư văn chương ở huyện H. thuộc Đài Loan (Trung Quốc).

Số phận cho hai người tìm thấy nhau bằng một bi kịch. Nếu Atile’i là con trai thứ, theo luật lệ trên đảo phải chèo talawaka (tương tự loại thuyền độc mộc) ra biển lớn như vật tế thần; thì Alice cũng vừa trải qua nỗi đau lớn nhất đời mình - chồng mất và cậu con trai biến mất đột ngột khi đang leo núi.

 

Tác phẩm Người mắt kép
Tác phẩm Người mắt kép

Một trong những điểm ấn tượng mà Ngô Minh Ích khắc họa trong cuốn sách là những tưởng tượng kỳ ảo về hòn đảo Wayo Wayo - một lãnh địa được che chở bởi Kabang - thần biển. Tổ tiên người Wayo Wayo sản sinh vô độ, làm hại những sinh linh sống dưới biển, đã bị Kabang tước đi sự bất tử, trở thành người phàm, sống trên hòn đảo ngày càng bị thu nhỏ.

Là người có thiên tư trong việc bơi lội và đi biển, Atile’i quyết tâm sống sót trở về, để không như những cậu con trai khác hóa thân thành cá nhà táng lênh đênh trên biển. Cậu đã lên được “vực xoáy rác” ở mạn Bắc Thái Bình Dương - nơi được hình thành từ những gì con người thải ra trên biển. Khối rác lớn này ập vào bờ biển Đài Loan (Trung Quốc), cũng chính là lúc căn nhà ven biển của Alice sụp đổ do thủy triều. Sự cố đó đã cuốn lấy cuộc đời của họ vào câu chuyện chung, của những ủi an, sẻ chia, đồng cảm và chữa lành cho nhau.

Ngô Minh Ích thừa nhận, những vấn đề về thực trạng môi trường, về nghề săn bắt cá voi - hải cẩu, về việc quy hoạch - xây dựng phá núi… đều xuất hiện như là bản chất của đời sống này, mà không cần cố gắng hay tưởng tượng. Người mắt kép cũng khai thác được sự đa dạng của người bản xứ Đài Loan (Trung Quốc). Qua đó, mặt trái về việc quy hoạch vô độ, sự mất dần bản sắc bộ lạc và tệ nạn từ trong “hậu trường” ngành du lịch cũng được kể đầy thời sự và nhức nhối.

Ngô Minh Ích đặt người đọc vào một vị trí khó có thể nói là dễ chịu, để ta biết rằng tiểu thuyết sinh thái cũng có ma lực mở ra mê lộ cho những luân lý phổ quát của thời đại này.

Con người là một mắt xích trong giới tự nhiên; và việc phản ánh qua lại giữa những cá thể với mẹ thiên nhiên chính là trọng tâm của Người mắt kép. Mắt người chỉ là mắt đơn, trong khi mắt kép bao hàm hàng triệu mắt nhỏ quan sát từ nhiều góc độ.

Mắt kép trong tiểu thuyết của Ngô Minh Ích hàm nghĩa không chỉ cho những nhận thức chậm trễ của chúng ta, mà còn là sự bé nhỏ, thái độ vô ơn của con người đối với mẹ thiên nhiên trong thời hiện đại. 

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI