Người mang thương hiệu nước mắm Phú Quốc bay xa

09/05/2024 - 06:13

PNO - Tiếp xúc với nghề từ năm 10 tuổi, đến nay bà Nguyễn Thị Tịnh - ngụ khu phố 1, phường Dương Đông, TP Phú Quốc (Kiên Giang) - đã có 56 năm trong nghề làm nước mắm. Bà là người có công lớn trong việc đưa thương hiệu nước mắm ở đảo ngọc “bay” tận trời Tây…

Nghề gia truyền long đong chìm nổi

Những ngày cuối tháng 4/2024, chúng tôi ghé thăm nhà thùng nước mắm Thanh Quốc ở đường Phan Đình Phùng, phường Dương Đông, TP Phú Quốc. Bà Nguyễn Thị Tịnh - 66 tuổi, chủ nhà thùng - cho biết, nghề làm nước mắm của gia đình bà đã hơn 100 năm, từ thời ông bà, sau đó truyền lại cho cha mẹ...

Năm 1993, bà Tịnh chính thức tiếp nhận nghề làm nước mắm từ cha mẹ và mở rộng sản xuất, dần dần lớn mạnh như bây giờ. Hiện nay, nhà thùng nước mắm của bà có hơn 100 thùng ủ chượp, mỗi năm sản xuất khoảng 1 triệu lít từ 25 độ đạm trở lên.

Cơ sở nước mắm Thanh Quốc góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương
Cơ sở nước mắm Thanh Quốc góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương

Chia sẻ về quá trình phát triển nghề nước mắm Phú Quốc, bà Tịnh cho hay, năm 1820 nghề làm nước mắm đã hình thành tại Phú Quốc, nhưng phải đến thập niên 60 của thế kỷ XX thì nghề làm nước mắm ở đây mới phát triển. Năm 1975, Phú Quốc có 62 nhà thùng, sản xuất được khoảng 7 triệu lít nước mắm mỗi năm. Từ năm 1976-1986, nghề làm nước mắm gặp khó khăn và mất dần thị trường, một số nhà thùng hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng.

Sau năm 1986, nghề nước mắm được phục hồi và phát triển trở lại. Đến năm 2000, Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc được thành lập với 86 hội viên, cũng từ đó nghề làm nước mắm Phú Quốc đã khẳng định vị thế trên thị trường.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, bà Tịnh đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, cùng nhau phát triển các nhà thùng, tạo động lực giúp người sản xuất dần dần được tiếp cận với cơ chế chính sách của Nhà nước; thay đổi, cải tiến quy trình sản xuất để mang lại năng suất, sản lượng và chất lượng cao hơn. Hằng năm, các hội viên sản xuất với tổng sản lượng từ 25-30 triệu lít, 25 độ đạm trở lên, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…

Để thương hiệu nước mắm Phú Quốc có chỗ đứng trên thị trường và phát triển, từ năm 2000 đến 2015, bà Tịnh đã tiên phong và thành công khi chứng minh giá trị của nước mắm Phú Quốc được Liên minh châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp giấy chứng nhận bảo hộ với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” vào tháng 8/2013.

Ngoài ra, bà Tịnh còn nỗ lực xây dựng các tiêu chuẩn để nước mắm Thanh Quốc của gia đình bà được cấp mã xuất khẩu ra quốc tế, đồng thời được chứng nhận HACCP, ISO 22000:2018; chứng nhận Halal sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng cho người đạo Hồi… Đến nay, nước mắm Thanh Quốc của gia đình bà Tịnh đã có mặt tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Đưa nước mắm Phú Quốc đi xa

Trao đổi với chúng tôi, bà Tịnh cho rằng, thương hiệu nước mắm Phú Quốc nổi tiếng bao đời đã trở thành niềm tự hào của người dân đảo ngọc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Nghề làm nước mắm cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương; đóng góp khá nhiều cho ngành du lịch phát triển…

Những năm qua, cơ sở nước mắm Thanh Quốc của bà Tịnh đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân, đặc biệt lao động nữ chiếm 60% trong tổng số nhân viên làm việc tại công ty. Nước mắm Thanh Quốc đã đóng góp nhiều cho an sinh xã hội trên địa bàn TP Phú Quốc, nhiều năm liền được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen về gương làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023 và bằng khen về thành tích đóng góp trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Nhà thùng nước mắm Thanh Quốc có tuổi đời hơn 100 năm hình thành và phát triển
Nhà thùng nước mắm Thanh Quốc có tuổi đời hơn 100 năm hình thành và phát triển

Với nỗ lực và quyết tâm không ngừng, bà Tịnh đã mạnh dạn đổi mới sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, chế biến nước nắm. Đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh như trích xuất nguồn gốc bằng mã QR Code, nên từ nhiều năm nay các sản phẩm nước mắm 40 và 43 độ đạm của Thanh Quốc thường xuyên đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao, cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.

Bà Biện Mỹ Linh - Chủ tịch Hội LHPN TP Phú Quốc - cho biết: “Nước mắm Thanh Quốc của bà Tịnh đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ, có thu nhập khá hơn so với nghề đi biển hay những nghề khác, góp phần xóa đói giảm nghèo; giúp phụ nữ địa phương ổn định cuộc sống. Đặc biệt là góp phần giữ gìn và phát triển nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc ngày càng vang xa”.

Tiến sĩ Trần Thị Dung - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam - bộc bạch: “Qua nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và được làm việc cùng nhau về nghề truyền thống này, chúng tôi đánh giá rất cao về tâm và nghề mà bà Tịnh mang lại cho nước mắm Phú Quốc. Bà Tịnh đã không ngại khó khăn, gian khổ để đưa nước mắm Phú Quốc nói chung và thương hiệu Thanh Quốc nói riêng bay cao, bay xa ra thế giới…”.

Bà Nguyễn Kim Chi - chủ nhà thùng nước mắm Thành Khoa ở TP Phú Quốc - cũng cho biết, bà Tịnh luôn nhiệt tình giúp đỡ các hội viên để có những sản phẩm đạt chất lượng, động viên các hội viên vượt qua khó khăn vươn lên. Nhờ đó, từ năm 2000-2015 số lượng hội viên sản xuất nước mắm liên tục tăng, sản lượng nước mắm cũng đạt chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Có thể nói, việc sản xuất và kinh doanh của nhiều nhà thùng khá tốt…

Hiện nay, dù đã có tuổi và không còn làm lãnh đạo ở hội, nhưng bà Tịnh luôn quan tâm đến sự phát triển của nước mắm Phú Quốc. Đối với cơ sở sản xuất của gia đình, hằng ngày bà vẫn miệt mài với công việc. Cơ sở của bà sản xuất các sản phẩm như nước mắm Thanh Quốc 35, 40, 45 độ đạm, được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3-5 sao; nước mắm cốt nhĩ hạ thổ 43 và 45 độ đạm; nước mắm truyền thống Quốc Đảo độ đạm là 20, 25, 30; ngoài ra còn có những đặc sản khác như tiêu Phú Quốc, cá trích kho, mắm cá cơm đu đủ, mắm nêm…

Nhiều sản phẩm của Thanh Quốc được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, châu Âu. Ngoài ra, nước mắm Thanh Quốc cũng có mặt tại các siêu thị trong cả nước. Bà Tịnh vui mừng và quên đi những mệt nhọc khi thấy nước mắm đảo ngọc vượt qua những giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển, ngày càng khẳng định thương hiệu trên thương trường.

Với bà, nghề làm nước mắm không đơn thuần là kinh doanh, mà nó còn là niềm đam mê, trách nhiệm vì một thương hiệu “nước mắm Phú Quốc” đã được nhiều người biết đến...

Là người tiên phong trong quá trình thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc ở Liên minh châu Âu, bà Tịnh chia sẻ để được châu Âu cấp giấy chứng nhận bảo hộ là cả một quá trình dài phải theo đuổi. Bà đã mất ăn mất ngủ khi mang sản phẩm sang trời Tây để làm việc với các cơ quan chức năng không biết bao nhiêu lần.

Cuối cùng, niềm vui cũng đến khi được liên minh này thông qua bảo hộ chỉ dẫn địa lý với nguồn gốc “Phú Quốc”. Thành quả này tiếp thêm sức mạnh cho những người làm nước mắm truyền thống có động lực, phấn đấu xây dựng thương hiệu nước mắm của đảo ngọc mà cha ông để lại.

Theo đó, nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc là sản phẩm được bảo hộ tên gọi, nguồn gốc “Phú Quốc” tại Liên minh châu Âu và Việt Nam. Nước mắm được sản xuất đúng quy định kỹ thuật, hoàn toàn tự nhiên, nguyên chất từ 2 nguồn nguyên liệu là cá cơm được đánh bắt tại vùng biển Phú Quốc và muối biển Bà Rịa - Vũng Tàu, không được sử dụng bất kỳ chất bảo quản hoặc màu, mùi nhân tạo.

Ngoài ra, nước mắm phải được ủ chượp, đóng chai tại Phú Quốc, ghi nhãn và dán tem chỉ dẫn địa lý do Ban Kiểm soát nước mắm Phú Quốc cấp.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI