Thời gian qua, nhiều bạn đọc băn khoăn tại sao người mắc bệnh hiểm nghèo lại được tạm đình chỉ vụ án, hay tạm hoãn việc thi hành án.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu như người mắc bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì việc tạm đình chỉ vụ án, tạm hoãn thi hành án có... thả cọp về rừng?
Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM.
|
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM |
- Xin luật sư cho biết những bệnh nào được xem là bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được miễn hình phạt, mức độ bệnh như thế nào thì được giảm án?
- Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 Nghị định 76/2003/NĐ-CP, là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Theo điểm đ Khoản 2 Phần II Hướng dẫn 211/HĐTVĐX ngày 4/6/2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá thì người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên; nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu.
- Vậy căn cứ vào đâu để xác định người phạm tội là người mắc bệnh hiểm nghèo hay không, thưa luật sư?
- Bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì có thể xác định người bị kết án có đang bị những căn bệnh hiểm nghèo hay không, mức độ bệnh là như thế nào, có ảnh hưởng gì đến tính mạng người bị kết án.
Nếu người đó cho rằng bản thân bị ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... thì buộc phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên mới có hiệu lực được xem xét miễn, giảm.
- Theo luật sư, với những bị can, bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo trước khi ra tòa thì vụ án có bị đình chỉ không? Hoặc nếu họ biết bản thân đang mắc bệnh và cố tình phạm tội thì sẽ xử lý như thế nào?
- Thẩm phán phải căn cứ vào quy định của Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự, mặt khác phải căn cứ vào thực tế vụ án đang ở giai đoạn chuẩn bị xét xử để áp dụng cho phù hợp. Thẩm phán có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với những trường hợp sau
Trong trường hợp Toà án đã trưng cầu giám định tâm thần hoặc giám định pháp y, nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn xét xử, thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Sau khi có kết quả, tuỳ trường hợp mà Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử (nếu bị cáo không mắc bệnh tâm thần) hay quyết định bắt buộc chữa bệnh (nếu bị cáo bị bệnh tâm thần).
Bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần và không thuộc trường hợp không có trách nhiệm hình sự hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác, có chứng nhận của hội đồng giám định pháp y thì Thẩm phán có thể tạm đình chỉ vụ án.
Đối với bị cáo bị bệnh hiểm nghèo nhưng Hội đồng giám định pháp y kết luận không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng cần phải có thời gian điều trị, thì Thẩm phán có thể chưa huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ mà đợi sức khoẻ của bị cáo ổn định mới đưa vụ án ra xét xử.
Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì nên đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo khác, và có thể tạm đình chỉ đối với bị cáo tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng cần phải có thời gian điều trị theo yêu cầu của Giám định viên.
|
Nguyễn Thị Kiều (ngụ Vĩnh Long), người liên tục có bầu, sinh con để né án tù. Ảnh: internet |
- Theo quan điểm của luật sư, người thực thi pháp luật có nên chấp nhận hoãn án, miễn án cho những bị cáo mắc bệnh và cố tình phạm tội không?
- Theo tôi tùy từng trường hợp, giai đoạn của bệnh nên cho xem xét hoãn chấp hành hình phạt hoặc miễn chấp hành hình phạt cho người phạm tội. Nếu người phạm tội cố tình phạm tội để được hoãn, được miễn thì theo tôi không nên cho miễn mà chỉ nên cho hoãn chấp hành hình phạt.
- Vậy nếu như họ vẫn còn có thể tiếp tục phạm tội như trộm cắp, cướp giật, giết người… hoặc họ lấy bệnh của mình ra uy hiếp nạn nhân thì lúc này luật có quy định gì với những hành vi này hay không?
- Trong trường hợp này họ vẫn bị xử lý hình sự như trường hợp tái phạm bình thường khác để tổng hình phạt đối với họ. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
- Tôi nhận thấy có nhiều người mang bệnh của mình như HIV, phổi,... những bệnh dễ truyền nhiễm ra để uy hiếp người khác nhằm trục lợi. Vậy liệu những điều khoản của bộ luật hình sự về người bệnh nặng đã khắt khe chưa? Luật có vô tình tạo điều kiện cho những đối tượng này lộng hành? Luật sư có thể chia sẻ một chút quan điểm của mình về tình huống này?
- Không phải mọi trường hợp có bệnh HIV, Phổi, bệnh hiểm nghèo đều được hoãn hay miễn chấp hành hình phạt.
Về các trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 61 BLHS và được hướng dẫn tại Mục 7 Nghị Quyết 01/2007, khi người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiệm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn.
Ngoài ra, người này phải thuộc một trong các trường hợp sau đây thì mới được hoãn chấp hành hình phạt tù:
Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh.
|
Đối tượng Nguyễn Thành Tân bị truy nã vẫn hành nghề đòi nợ thuê. Ảnh: Người lao động |
Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu.
Là người bị kết tù không phải về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng và là người duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập.
Là người bị kết án về tội ít nghiệm trọng và do nhu cầu công vụ, tức là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định, nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó).
Xin cảm ơn luật sư!
Phạm An